Shein và Temu (Trung Quốc) thâm nhập nhanh vào thị trường bán lẻ Mỹ

Shein và Temu, hai nền tảng thương mại điện tử đến từ Trung Quốc, đang ngày càng được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, với mỗi nền tảng giao trung bình khoảng 1 triệu gói hàng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bằng cách phân loại và đóng gói đơn hàng ngay tại Trung Quốc trước khi vận chuyển sang Mỹ, hai nhà bán lẻ này có thể cung cấp hàng loạt mặt hàng với giá cực rẻ.

Nhà kho của nền tảng thương mại điện tử Shein ở bang Indiana, Mỹ. Ảnh: WSJ

Theo Công ty tư vấn vận chuyển bưu kiện ShipMatrix, tổng số gói hàng nói trên chỉ là một phần nhỏ nhưng đang tăng nhanh trong tổng số gói hàng được giao hàng ngày ở Mỹ. Khối lượng đó cao hơn gấp đôi so với các mạng lưới mua sắm truyền hình và bán lẻ trực tuyến như QVC và HSN, tổng cộng vận chuyển khoảng 413.000 gói hàng mỗi ngày trên khắp đất nước. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, Amazon vận chuyển hơn 20 triệu gói hàng ở Mỹ.

Satish Jindel, Chủ tịch ShipMatrix, cho biết cả Temu và Shein thậm chí còn bận rộn hơn trong mùa mua sắm và giao hàng cao điểm hiện nay. Theo ước tính của ShipMatrix, khối lượng bưu kiện trung bình hàng ngày ở Mỹ là khoảng 82 triệu trong mùa mua sắm này.

Các nhà phân tích ghi nhận, Shein và Temu đã tăng số lượng gói hàng vận chuyển bằng đường hàng không khi các bộ phận khác của ngành vận tải biển vật lộn với nhu cầu trì trệ.

Shein, được thành lập ở Trung Quốc hơn 10 năm trước, xuất hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 2017. Hiện có trụ sở tại Singapore, Shein ghi nhận doanh thu 23 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Trong năm nay, Shein đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ. Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Shein đang tìm kiếm mức định giá lên đến 90 tỉ đô la trong đợt IPO dự kiến tiến hành vào năm 2024.

Công ty thương mại điện tử PDD Holdings (Trung Quốc) ra mắt Temu tại Mỹ vào năm ngoái. Công ty đã chi đậm để quảng cáo Temu ở siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl của Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ (NFL) hồi tháng 2.

“Khối lượng giao hàng của họ (Shein và Temu) tại Mỹ đang tăng lên đáng kinh ngạc”, Sunandan Ray, CEO của Unique Logistics International, một công ty hậu cần và giao nhận hàng hóa, nói.

Các dữ liệu khác cũng cho thấy mức độ phổ biến ngày càng tăng của hai nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc. Temu có số lượt truy cập trang web và ứng dụng nhiều thứ 10 trong số các nhà bán lẻ đa danh mục, xếp sau JCPenney vào Thứ Sáu Đen (29-11) vừa qua, theo Công ty phân tích và dữ liệu kỹ thuật số SameWeb. Đầu tháng này, Apple tiết lộ, Temu là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên iPhone ở Mỹ vào năm 2023.

Cả Temu và Shein đột phá ngành bán lẻ ở Mỹ bằng cách bán các sản phẩm như áo len và tai nghe không dây với giá 5 đô la Mỹ. Hai nhà bán lẻ cho biết, họ có thể giữ giá bán của nhiều sản phẩm ở mức thấp nhờ tính hiệu quả của hoạt động hậu cần.

Các gói hàng riêng lẻ của họ giao cho cùng một khu vực địa lý ở Mỹ sẽ được đóng gói vào cùng kiện hàng ở Trung Quốc, bỏ qua bước phân loại tốn kém ở Mỹ. Thông thường, các nhà bán lẻ Mỹ lưu trữ hàng nhập khẩu ở các kho trên toàn quốc, sau đó, phân loại và đóng gói để giao đến các cửa hàng hoặc khách hàng cá nhân.

Hầu hết người bán hàng của Temu đều ở Trung Quốc. Họ gửi sản phẩm đến các kho hàng của Temu ở Trung Quốc kiểm tra, đóng gói và vận chuyển sang Mỹ. “Bằng cách kiểm tra và đóng gói sản phẩm tại nguồn, chúng tôi loại bỏ nhiều bước hậu cần truyền thống”, người phát ngôn của Temu nói, và cho biết thêm, việc xử lý khối lượng đơn đặt hàng lớn cũng giúp mức phí vận chuyển thấp hơn.

Shein cho biết, mô hình kinh doanh theo yêu cầu của nền tảng này phù hợp với nỗ lực đáp ứng nhu cầu chính xác của thị trường. Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất sẽ hạn chế chi phí sản xuất và lưu trữ hàng tồn kho. Theo các chuyên gia tư vấn hậu cần, dù Shein có cơ sở hậu cần ở bang Indiana và bang California để xử lý những mặt hàng bán chạy nhất, hầu hết các đơn hàng của nền tảng này vẫn được đóng gói ở Trung Quốc. Shein cũng đã thiết lập mối quan hệ với các nhà điều hành kho hàng ở Mỹ để hỗ trợ phương án chuyển phát nhanh.

Đại diện từ các công ty hậu cần cho biết Temu và Shein còn tiết kiệm được nhiều khoản khác bằng cách giảm kích thước gói hàng xuống mức tối thiểu và đặt cược rằng khách hàng sẵn sàng chấp nhận thời gian giao hàng lâu. Theo trang web của Shein, với dịch vụ vận chuyển tiêu chuẩn, khoảng 76% đơn đặt hàng sẽ đến tay khách hàng Mỹ trong vòng 10 ngày. Các gói hàng của Temu thường đến Mỹ khoảng 5-8 ngày làm việc sau khi đặt hàng.

Sau khi các kiện hàng của Temu và Shein đến Mỹ bằng đường hàng không, chúng sẽ được vận chuyển đến các cơ sở của hãng vận chuyển bưu kiện. Các hãng này cho biết, với thời gian giao hàng dài hơn, họ có thể có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển đường dài đắt đỏ với thời hạn chặt chẽ.

Theo Andy Whiting, người sáng lập Công giao hàng chặng cuối Better Trucks, công ty ông có thể cung cấp cho Temu và Shein chi phí giao hàng thấp hơn vì nhờ hàng hóa đã được phân loại trước cũng như thời gian giao dài hơn. ShipMatrix ước tính, trung bình trị giá mỗi đơn hàng trong gói hàng của mạng lưới bán hàng qua truyền hình QVC là 46 đô la Mỹ so với 29 đô la của Temu và 39 đô la của Shein.

Shein và Temu cũng được hưởng lợi từ quy tắc tối thiểu (minimis rule), loại bỏ thuế quan với hàng hóa có giá trị từ 800 đô la trở xuống đối với khách hàng ở Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Quy tắc này nhằm giảm bớt thủ tục hành chính đối với các lô hàng có giá trị thấp và tần suất vận chuyển không nhiều.

Một số nhà lập pháp và doanh nghiệp Mỹ cho rằng quy tắc miễn trừ thuế này một lỗ hổng cho phép các công ty như Shein và Temu ít bị hải quan Mỹ giám sát, dù họ có thể vận chuyển các sản phẩm không an toàn hoặc được sản xuất bằng lao động cưỡng bức. Họ đã kêu gọi các cơ quan quản lý giám sát hai nhà bán lẻ Trung Quốc chặt chẽ hơn.

Shein và Temu nhấn mạnh, sự tăng trưởng của họ không phụ thuộc vào quy tắc tối thiểu. Shein khẳng định “không chấp nhận” lao động cưỡng bức và Temu nói rằng các cáo buộc như vậy là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Theo WSJ

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/shein-va-temu-trung-quoc-tham-nhap-nhanh-vao-thi-truong-ban-le-my/