Serbia 'nổi giận' trước gói cấm vận thứ 8 của EU nhằm vào Nga

Phản ứng lại động thái EU vừa chính thức áp đặt gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, chính phủ Serbia đã bày tỏ sự tức giận của mình và gọi đây là 'gói trừng phạt đầu tiên của EU' chống lại chính Serbia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: AP

Trong một tuyên bố chính thức hôm 6/10 của chính phủ Serbia được RT trích dẫn, các hạn chế đối với việc vận chuyển dầu của Nga theo đường hàng hải sẽ khiến giá dầu trở nên quá mức đắt đỏ. Với mức giá "trên trời" này, nền kinh tế của Serbia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, Belgrade cho biết sẽ buộc phải “mua dầu đắt hơn của Iraq và do đó mất hàng trăm triệu Euro”. Vào tháng 6, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic từng đưa ra cảnh báo rằng Serbia sẽ không thể nhập khẩu dầu của Nga sau ngày 1/11 nữa do các lệnh trừng phạt của EU.

Trong một tuyên bố gay gắt, Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin thậm chí còn gọi EU là là “nơi chịu đựng sự sỉ nhục và đau khổ của chúng ta trong tương lai”. Theo ông, các chính sách này của EU có một điểm chung là nêu lên một thực tế rằng các nước nằm ở phía Tây Balkan “không được miễn trừ ảnh hưởng khỏi hàng loạt các biện pháp cấm vận chống lại Nga".

Bộ trưởng Aleksandar Vulin sau đó kết luận rằng "EU không đưa ra gói trừng phạt thứ tám chống lại Nga mà là gói trừng phạt đầu tiên chống lại Serbia". Ngoài Bộ trưởng Nội vụ, Thủ tướng Serbia là Ana Brnabic cũng mạnh mẽ chỉ trích các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và đặc biệt là mặt hàng dầu mỏ.

Theo bà, chúng được áp dụng "với cái giá phải trả là cuộc sống và mức sống" của tất cả người dân Serbia. Bà cho biết: “Tất cả những gì EU muốn làm với Nga, họ đã làm với Serbia” do đất nước này phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu của Croatia, một thành viên trong EU. Serbia nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển thông qua một bến cảng của Croatia trên đảo Krk, sau đó nó được vận chuyển qua đường ống dẫn đến lãnh thổ Serbia.

Khi trả lời đài truyền hình Happy TV của Serbia, bà bày tỏ sự tức giận của mình khi cho biết các lệnh cấm vận này sẽ “tiêu tốn của đất nước hàng trăm triệu Euro” và đồng thời không tạo ra bất kỳ kết quả đáng chú ý nào.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cử chỉ tại trụ sở Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ở Vienna, Áo ngày 5/10/2022. Ảnh: Reuters

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cử chỉ tại trụ sở Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ở Vienna, Áo ngày 5/10/2022. Ảnh: Reuters

Trước đó từ 6/10, EU chính thức công bố gói cấm vận thứ 8 lên Nga và nền kinh tế nước này với mục tiêu bóp nghẹt doanh thu năng lượng của Moscow. Trong gói cấm vận mới nhất này, Liên minh châu Âu đã đưa ra các giới hạn giá và cả "hạn chế thêm" đối với việc vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga tới các nước thứ 3 theo đường hàng hải.

Theo các chuyên gia và các hãng truyền thông Serbia, các biện pháp này sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn ít nhất là 20%, từ đó khiến tình hình lạm phát năng lượng có thể càng tồi tệ hơn nữa.

Ở một diễn biến khác, Reuters đưa tin do ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất và do tầm nhìn kinh tế toàn cầu ảm đạm, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác của mình là OPEC+ đã đồng ý cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi sản lượng thế giới, tương đương với 2% nhu cầu toàn cầu.

Các chuyên gia dự đoán động thái này rất có khả năng sẽ khiến giá dầu đang trên đà giảm tăng vọt trở lại ngưỡng 120 USD/thùng, gây khó cho việc chống lại lạm phát. Chính phủ Mỹ đã phản ứng gay gắt với việc này, gọi đây là một biện pháp “thiển cận”.

Cùng với việc Điện Kremlin trước đó đã khẳng định Nga sẵn sàng cắt giảm sản lượng nếu lệnh áp trần giá dầu được EU thông qua, tình hình năng lượng toàn cầu đang ở trong tình thế cấp bách.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/serbia-noi-gian-truoc-goi-cam-van-thu-8-cua-eu-nham-vao-nga-post12374.html