Sếp ở Mỹ nghỉ việc nhiều hơn nhân viên

Nghiên cứu của công ty phân tích Gartner cho thấy các quản lý là nhóm nhân sự dễ nghỉ việc nhất sau khi họ bị yêu cầu quay lại văn phòng để làm việc trực tiếp.

 Xu hướng làm việc tại Mỹ đang thay đổi theo hướng linh hoạt hơn, tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn áp dụng chính sách quay trở lại văn phòng. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Xu hướng làm việc tại Mỹ đang thay đổi theo hướng linh hoạt hơn, tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn áp dụng chính sách quay trở lại văn phòng. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Không phải nhân viên trẻ tuổi, những lãnh đạo cấp cao tại Mỹ mới là nhóm nhân lực có khả năng nghỉ việc cao khi các công ty yêu cầu có mặt tại văn phòng. Điều này trái ngược với lo ngại ban đầu của các CEO khi tin rằng nhân sự trẻ là nhóm dễ dàng rời bỏ công ty nhất, theo Forbes.

Theo kết quả nghiên cứu thực hiện vào tháng 11/2023 của công ty nghiên cứu và tư vấn về nhân sự Gartner, có 33% CEO trong 3.500 người tham gia khảo sát cho biết sẽ nghỉ việc khi chính sách quay trở lại văn phòng được áp dụng.

Con số này giảm xuống chỉ còn 19% đối với nhân viên không thuộc cấp quản lý.

“Các lãnh đạo cấp cao cũng có những kỳ vọng riêng về tính linh hoạt trong công việc", Caroline Ogawa, Giám đốc nghiên cứu của Gartner, cho biết.

Bài báo cáo học thuật, dựa trên dữ liệu hồ sơ xin việc từ People Data Labs sau khi Apple, Microsoft và SpaceX áp dụng các chính sách quay trở lại văn phòng khác nhau, cho thấy chính sách này có tác động đến việc các nhân viên chủ chốt rời đi, với thời gian tại công ty của họ giảm đáng kể sau thông báo.

 Doanh nghiệp Mỹ đang gặp nhiều thách thức trong việc cân bằng thời gian làm việc linh hoạt và nhu cầu gắn kết tập thể văn phòng. Ảnh minh họa: Shvetsa/Pexels.

Doanh nghiệp Mỹ đang gặp nhiều thách thức trong việc cân bằng thời gian làm việc linh hoạt và nhu cầu gắn kết tập thể văn phòng. Ảnh minh họa: Shvetsa/Pexels.

Ai cũng muốn làm việc linh hoạt

David Van Dijcke, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Michigan (Mỹ), đồng tác giả báo cáo, cho biết những người nghỉ việc không gặp bất lợi trong các công việc tiếp theo. Cụ thể, ông nhận định những nhân sự cấp cao có nhiều lựa chọn công việc và cũng không gặp tình trạng thất nghiệp. Tại tổ chức mới, họ không bị thay đổi vai trò hay bị giáng chức.

Tuy nhiên, cả Apple, Microsoft và SpaceX đều lên tiếng phản bác kết quả nghiên cứu.

Đại diện của Apple cho rằng nghiên cứu đưa ra "kết luận không chính xác" và "không phản ánh thực tế hoạt động kinh doanh của công ty", đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ nhân viên nghỉ việc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Microsoft cũng bác bỏ các phát hiện của báo cáo, khẳng định dữ liệu nội bộ của công ty không trùng khớp với nghiên cứu, đặc biệt về vấn đề nhân viên nghỉ việc.

Microsoft cũng cho biết họ không có yêu cầu bắt buộc quay trở lại văn phòng. Thay vào đó, họ áp dụng mô hình làm việc hybrid, cho phép nhân viên kết hợp giữa làm việc tại văn phòng, địa điểm khác và linh hoạt về giờ giấc.

Để xác định tác động thực sự của các chính sách quay trở lại văn phòng đối với nhân viên cấp cao, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn.

Tuy nhiên, cả hai báo cáo đều nhất quán với các nghiên cứu trước đó, cho thấy nhân viên Gen Z không phải là nhóm phản đối quyết liệt nhất các yêu cầu về văn phòng hoặc có xu hướng làm việc từ xa ít nhất.

Theo dữ liệu từ nhà kinh tế học Nick Bloom của Đại học Stanford và các cộng sự, tỷ lệ được trả lương cho ngày làm việc toàn thời gian tại nhà cao nhất ở nhóm nhân viên từ 30-44 tuổi, những người thường có con nhỏ hoặc nhà xa.

Khảo sát trên gần 400 nhân viên của công ty Seramount cho thấy chỉ có 11% nhân viên Gen Z muốn làm việc tại nhà toàn thời gian, so với 34% nhân viên lớn tuổi hơn.

Một cuộc khảo sát khác của công ty kiểm tra lý lịch Checkr cho thấy 68% quản lý muốn tiếp tục hình thức làm việc từ xa, so với tỷ lệ 48% ở nhân viên bình thường.

 Do ngày càng nhiều công ty áp dụng yêu cầu quay trở lại văn phòng, nhân viên có thể gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm công ty cho phép làm việc từ xa. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Do ngày càng nhiều công ty áp dụng yêu cầu quay trở lại văn phòng, nhân viên có thể gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm công ty cho phép làm việc từ xa. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Chính sách quay lại văn phòng

Bên cạnh những nghiên cứu về tác động của chính sách quay trở lại văn phòng lên nhân viên cấp cao, xu hướng chung của các doanh nghiệp Mỹ hiện nay cũng đang cho thấy sự thay đổi.

Walmart tuyên bố cắt giảm hàng trăm việc làm văn phòng và yêu cầu phần lớn nhân viên đang làm việc từ xa chuyển đến trụ sở chính tại Mỹ ở Arkansas hoặc các văn phòng khác ở San Francisco hoặc New York.

Theo báo cáo Flex Index Q2/2024, 37% trong tổng số hơn 5.800 công ty (tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay) đang áp dụng mô hình structured hybrid (tạm dịch: “hình thức làm việc linh hoạt có cấu trúc”), cho phép nhân viên làm việc từ xa một phần, đồng thời yêu cầu họ có mặt tại văn phòng trong một khoảng thời gian nhất định.

Báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ các công ty yêu cầu nhân viên làm việc toàn thời gian tại văn phòng đang giảm, dù các công ty như UPS và Boeing hiện yêu cầu một số nhóm nhân viên phải có mặt 5 ngày/tuần.

Kết quả khảo sát khác của Gartner trên 2.080 nhân viên, được công bố vào tháng 1 vừa qua, cho thấy "ý định ở lại" của nhân viên cấp quản lý giảm 16% sau khi áp dụng quy định quay trở lại văn phòng.

David Van Dijcke lưu ý rằng hiện ngày càng nhiều công ty áp dụng yêu cầu quay trở lại văn phòng so với năm 2022, nghĩa là cơ hội nhảy việc sang các công ty khác có thể giảm đi.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sep-o-my-nghi-viec-nhieu-hon-nhan-vien-post1475748.html