Sen trắng trên đất Phong Bình

Hai tổ liên kết tổ hợp của phụ nữ xã Phong Bình (Phong Điền) có gần 30 chị tham gia. Họ trồng sen trắng và làm các mặt hàng thủ công truyền thống từ cỏ bàng, bước đầu cho thu nhập ổn định.

Các chị trong tổ liên kết ở Phong Bình phơi cỏ bàng, chuẩn bị làm các sản phẩm truyền thống

Ở thôn Trường Diên, thôn Rú Hóp (Phong Bình, Phong Điền) có 8 chị là thành viên của tổ liên kết trồng sen trắng. Họ có nhiều điểm chung như kinh tế ổn định, có nhân công và mong muốn khởi nghiệp từ việc cải tạo 1,5ha đất mà UBND xã cấp. Sau khi được Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế tập huấn các kỹ thuật trồng sen và làm các sản phẩm từ sen, các chị tận dụng thời gian nhàn rỗi, trồng hơn nửa hồ sen đỏ cộng với sen trắng. Lợi thế, vùng trằm dưới bàu sen có nước đầu nguồn đổ về nên sen nở muộn, nở trái vụ thường bắt đầu từ tháng 7 đến sang tháng 8. Thế nên, ý tưởng đa dạng hóa sản phẩm từ hạt sen, hoa sen, trà sen có đăng ký nhãn mác và quảng bá sản phẩm đã mở ra một hướng sinh kế mới cho phụ nữ trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với sản phẩm hạt sen, tôi vẫn ấn tượng với Trà sen 3H của chị em thôn Rú Hóp. Chị Ngô Thị Phương, một trong 8 thành viên của tổ liên kết pha một ấm trà nóng hổi mời chúng tôi rồi mới tiết lộ. Muốn ướp trà sen thơm thì phải chọn loại sen trắng, loại sen này thơm hơn và quan trọng là không phun thuốc trừ sâu. Cứ tờ mờ sáng, đàn ông lại thay vợ ra bàu hái hoa sen. Phải là những búp hoa còn đọng sương mới giữ lâu được mùi hương. Sau đó, các chị ướp trà móc câu loại 1 vào hoa sen và bỏ vào túi hút chân không để vào ngăn đông từ 7 đến 10 ngày. Sản phẩm cho ra lò đầu tiên của tổ liên kết bắt đầu từ tháng 6/2023 với 100 búp sen, giá 20.000 đồng/búp và bán chủ yếu người dân trong xã. Doanh thu trên 40 triệu đồng cho lần thử nghiệm đầu tiên được các chị xem là thành công.

Không chỉ trồng sen trắng, 20 phụ nữ ở làng Phò Trạch cùng thành lập tổ hợp liên kết Đệm Bàng, chuyên làm nón, túi xách, giỏ, ống hút, đệm... từ cỏ bàng. Những mặt hàng này được khách hàng yêu chuộng nên đầu ra khá ổn định. Phong phú về mẫu mã nên cũng cần nguyên liệu đẹp, chị em lại trồng thêm bàng trắng. Vùng ruộng để làm bàng khoảng 5ha ở vùng nước chảy thôn Đông Mỹ và vùng chằm ở thôn Rú Hóp. Nhiều người bắt đầu quan tâm, chú trọng đến sức sống của cây cỏ bàng. Từ đây, họ có thu nhập, một tháng dệt có thể mang lại thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng.

Chị Trần Thị Huế, Chủ tịch LHPN xã Phong Bình cho biết: Các sản phẩm được đan bằng nguyên liệu cỏ bàng đang được thị trường ưa chuộng vì nó có màu đẹp, bền chắc và thân thiện với môi trường. Nón lá là mặt hàng bán rất “chạy” nên mỗi ngày các chị làm được khoảng 7 phôi/ngày, vị chi thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Với mức sống ở nông thôn, nhiều chị có của ăn, của để.

Tôi nhìn những túi xách xinh mà chị Huế đem ra giới thiệu, mới thấy, các chị là những người thợ tài hoa. Đệm Phò Trạch rất đặc biệt, các sợi bàng được đan chéo giúp đường đan chặt và đẹp hơn. Theo chị Huế, khi đan đệm phải dùng lực tay thật đều, mạnh để siết các đường đan khít vào nhau. Cỏ bàng phải được giã mềm thì mới có thể đan và tạo hình sản phẩm. Chất lượng cỏ khi xử lý cũng quyết định rất nhiều đến chất lượng thành phẩm. Công đoạn khó nhất khi đan đệm bàng vẫn là khóa múi.

Chị em có lợi gì khi tham gia vào tổ hợp liên kết, chị Huế cười vui khi bảo rằng, có nhiều cái lợi. Mô hình trồng sen trắng chủ yếu là tập hợp những người có kinh tế ổn định. Tổ hợp này được chính quyền địa phương cho mượn đất, được vay vốn ưu đãi và có các chương trình, dự án hỗ trợ cải tạo mặt hồ nâng cao năng suất, để sản phẩm từ sen trắng không còn quanh quẩn chốn quê. Còn tổ hợp tác xã đệm bàng lại tập hợp phụ nữ có thu nhập thấp, tranh thủ thời gian nông nhàn để có thêm “tiền chợ” và giữ được sản phẩm truyền thống khi có nhiều kênh kết nối. Quan trọng hơn, họ được chuyển giao công nghệ để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Bài, ảnh: Thu Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/sen-trang-tren-dat-phong-binh-134151.html