Sẽ thế nào nếu Israel quyết đánh Rafah ở cực Nam Gaza?

Cộng đồng quốc tế đang rất lo ngại trước tuyên bố của Israel quyết đánh Rafah - thành trì cuối cùng của Hamas tại Gaza và đang là nơi trú ẩn của 1,5 triệu dân.

Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas sắp bước sang tháng thứ năm. Lực lượng Israel vẫn không ngừng tấn công Hamas trên khắp khu vực Gaza. Số người thiệt mạng đã trên dưới 30.000 người.

Tới thời điểm hiện tại, TP Rafah (cực Nam Gaza) là nơi duy nhất lực lượng Israel chưa đổ bộ, dù nhiều lần thực hiện các cuộc không kích nhỏ. Tuy nhiên, gần đây có tuyên bố từ phía Israel quyết đánh Rafah, một hành động mà Israel cho là mở đường cho việc kết thúc cuộc chiến tại Gaza.

Lo ngại khả năng Israel quyết đánh Rafah

Trao đổi với đài CBS News vào cuối tháng 2, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu nói rắn rằng lực lượng Israel quyết đánh Rafah dù các bên có đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hay không.

Cụ thể, nếu các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn thì việc Israel tấn công Rafah sẽ “bị trì hoãn phần nào” nhưng “việc này phải được thực hiện”. Phía Israel cho biết đến nay lực lượng nước này đã hạ hơn 10.000 chiến binh Hamas, phá hủy cơ chế chỉ huy của 18 trong số 24 tiểu đoàn Hamas tại Gaza.

Một nhà thờ tại TP Rafah (cực Nam Dải Gaza) trúng không kích từ lực lượng Israel. Ảnh: REUTERS

Ông Netanyahu nói rằng bốn trong số sáu tiểu đoàn còn lại của Hamas đang tập trung ở Rafah và Israel sẽ theo đuổi cho được mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Thậm chí, ông Netanyahu còn dự đoán “một khi chúng tôi bắt đầu chiến dịch tại Rafah, giai đoạn giao tranh khốc liệt sẽ kết thúc trong nhiều tuần nữa”, sau đó cuộc chiến sẽ kết thúc.

Khả năng Israel quyết đánh Rafah đang gây rất nhiều lo ngại khi đây đang là nơi trú ẩn của khoảng 1,5 triệu dân Gaza (hơn một nửa dân số của dải đất).

Các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo rằng một khi Israel đổ bộ Rafah thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. 1,5 triệu dân, trong đó có hơn 600.000 trẻ em sẽ phải đối mặt với rủi ro thương vong. Chưa kể cuộc tấn công vào Rafah có thể khiến hệ thống viện trợ nhân đạo tại TP này sụp đổ, một cơn ác mộng với người dân vốn phần lớn đang phải sống nhờ vào hàng cứu tế từ bên ngoài.

Ông Netanyahu có nói ông sẽ sớm xem xét “một kế hoạch kép - kế hoạch sơ tán dân thường và kế hoạch loại bỏ các tiểu đoàn Hamas còn lại”. Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết lực lượng Phòng vệ Israel đã trình lên nội các chiến tranh “kế hoạch hoạt động” đối với Rafah, cũng như kế hoạch sơ tán dân thường khỏi vùng chiến sự, song không nêu chi tiết.

Tuy nhiên, ông Stéphane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ António Guterres cảnh báo rằng việc đẩy người dân ra khỏi Rafah có nghĩa là đẩy họ đến những nơi rải rác bom mìn chưa nổ, thiếu nơi trú ẩn và không thể tiếp cận được các nguồn viện trợ. Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - ông Josep Borrell lo rằng dù Israel có thực hiện “các biện pháp đặc biệt” bảo vệ dân thường cũng sẽ không thể ngăn thương vong.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi không nghĩ một chiến dịch quân sự lớn nên được tiến hành ở Rafah, trừ khi có một kế hoạch rõ ràng và khả thi để bảo vệ dân thường, đưa họ đến nơi an toàn, cung cấp thức ăn, quần áo và nhà ở cho họ. Và chúng tôi chưa thấy một kế hoạch nào như vậy” - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Nỗ lực thuyết phục Israel bỏ ý định

Trước viễn cảnh rất đáng ngại này, kể từ khi có tuyên bố từ Israel quyết đánh Rafah, hàng loạt nước và tổ chức quốc tế đã vào cuộc thuyết phục Israel từ bỏ ý định.

Ngay khi Israel thông báo ý định, Mỹ - đồng minh thân thiết của Israel đã tỏ ý không ủng hộ. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12-2 cảnh báo Israel không nên đổ bộ vào Rafah, nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không ủng hộ bất kỳ hoạt động nào không đảm bảo an toàn cho người dân Gaza.

Ông Biden nói rõ rằng “chiến dịch quân sự lớn ở Rafah không nên được tiến hành nếu không có kế hoạch chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn và hỗ trợ cho hơn 1 triệu người đang trú ẩn ở đó”. Đến ngày 25-2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan một lần nữa kêu gọi Israel thận trọng về kế hoạch tấn công Rafah.

Về phía châu Âu, trong cuộc họp ngày 19-2 tại Brussels (Bỉ), ngoại trưởng 26 nước EU - ngoại trừ Hungary - cảnh báo Israel không nên đổ bộ vào Rafah, theo hãng tin Reuters. Tuyên bố chung của 26 nước thành viên EU kêu gọi Israel không thực hiện hành động quân sự ở Rafah vì điều này sẽ làm xấu đi tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc, ngăn cản việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo cần thiết khẩn cấp.

Trong khi Ngoại trưởng Ireland - ông Micheal Martin cảnh báo rằng cuộc tấn công “vô lương tâm” vào Rafah sẽ mang lại “thảm khốc” thì Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi Israel tôn trọng luật nhân đạo.

Ngoài ra, Tòa án Hình sự quốc tế, Úc, Canada, New Zealand và nhiều nước khác cũng bày tỏ quan ngại về việc Israel quyết đánh Rafah.•

Khi nào xung đột Israel - Hamas kết thúc?

Theo người phát ngôn lực lượng Phòng vệ Israel - ông Daniel Hagari hồi tháng 1 thì Israel dự kiến chiến sự sẽ kéo dài suốt năm nay. Ông Hagari đưa ra phát ngôn này trong bối cảnh Israel bắt đầu rút một số quân khỏi Gaza và chuẩn bị cho giai đoạn mới của xung đột, theo đài CNN.

Tờ The Wall Street Journal cũng cho rằng xung đột Israel - Hamas sẽ kéo dài. Theo tờ báo, cả hai bên đều đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu cơ bản và hiện chưa có con đường nào mở ra nền hòa bình lâu dài tại Gaza. Dù hai bên có đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza thì cuộc xung đột Israel - Hamas vẫn sẽ tiếp tục.

Trong khi đó, theo tạp chí Time, từ căn cứ lịch sử có thể thấy rằng các mục tiêu Israel đưa trong xung đột Israel - Hamas là những tuyên bố chính trị. Nói cách khác, Israel không có ý định đạt được các mục tiêu này. Time cũng cho rằng chiến sự tại Gaza khả năng sẽ kết thúc khi Mỹ lên tiếng buộc Israel dừng lại.

HỒNG SƠN

Nguồn PLO: https://plo.vn/se-the-nao-neu-israel-quyet-danh-rafah-o-cuc-nam-gaza-post778817.html