Saudi Arabia từ bỏ C-130 Mỹ sản xuất lấy vận tải cơ C-390 Brazil làm 'quà gia nhập BRICS'

Saudi Arabia chuẩn bị 'trao đổi' 42 chiếc Lockheed C-130 Hercules được sản xuất tại Mỹ, lấy 33 vận tải cơ Embraer C-390 Millennium của Brazil.

Thỏa thuận này không chỉ bao gồm những chiếc vận tải cơ C-390 riêng lẻ mà còn bao gồm gói đào tạo, công nghệ và giấy phép sản xuất tại chỗ, các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu...

Tin tức về các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Saudi Arabia, Brazil và quỹ đầu tư SAMI đã được các phương tiện truyền thông đăng tải đầu năm nay.

Thỏa thuận được đề xuất của Riyadh không chỉ bao gồm việc sửa chữa và bảo trì, mà còn cả giấy phép lắp ráp thành phẩm đối với C-390. Nhiều nguồn tin chỉ ra rằng Brazil dự kiến sẽ đồng ý với điều khoản trên.

Diễn biến này tới vào thời điểm căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Riyadh và Washington. Trong khi đó, Saudi Arabia đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức BRICS đồng thời có ý định hợp tác sâu sắc hơn với những quốc gia trong khối.

Hiện tại Riyadh có 42 máy bay vận tải C-130, Saudi Arabia đã liên tục đầu tư vào phi đội C-130 của mình trong những năm qua, với việc mua sắm các mẫu mới hơn và nâng cấp phi đội hiện có.

Các chuyên gia dự đoán rằng việc mua C-390 có thể làm trầm trọng thêm niềm tin đang lung lay giữa Mỹ và Saudi Arabia, khi mong muốn mua tiêm kích tàng hình F-35 thế hệ thứ năm của Riyadh vẫn chưa được Washington chấp thuận vì muốn giữ lợi thế quân sự cho Israel.

Việc Saudi Arabia quyết định mua C-390 từ Brazil có thể là một "viên thuốc đắng" khiến Mỹ phải "giật mình" và chấp thuận bán F-35 cho Riyadh, nhưng kể cả trong trường hợp đó, chưa chắc quốc gia Trung Đông đã thay đổi quyết định với chiếc C-390.

Vậy điều gì làm nên sự khác biệt giữa Embraer C-390 Millennium với C-130 của Lockheed Martin? So sánh cả hai máy bay vận tải quân sự cho thấy lợi thế đáng kể của gã khổng lồ Brazil so với đối thủ Mỹ.

Embraer C-390 Millennium được thiết kế dành cho mục đích quân sự. Máy bay phản lực hai động cơ này đặt ra tiêu chuẩn mới trong danh mục vận tải cơ chiến thuật, kết hợp tính hiệu quả về mặt chi phí trong vòng đời, với tính linh hoạt cho phép thực hiện một loạt nhiệm vụ.

C-390 có khả năng vận chuyển binh lính và hàng hóa, tiến hành lập cầu hàng không, tham gia tiếp nhiên liệu trên không, thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy rừng - chiếc Millennium xử lý tất cả một cách "thành thạo".

Khi so sánh C-390 Millennium với C-130 Hercules của Lockheed Martin, một số điểm tương phản thú vị đã xuất hiện. Sự khác biệt rõ ràng nhất là hệ thống động cơ phản lực của C-390, trái ngược với loại cánh quạt lắp trên C-130.

Điều này mang lại cho C-390 lợi thế về tốc độ tối đa lớn hơn và phạm vi mở rộng. Ngoài ra hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, chẳng hạn công nghệ điều khiển bay bằng dây mang tới độ an toàn, tin cậy cao, cũng như giảm khối lượng công việc của phi công.

Khi kiểm tra khả năng vận tải hàng hóa, C-390 một lần nữa lại vượt trội so với C-130. Chiếc C-390 có đường dốc phía sau tương tự C-130, nhưng nó đi kèm với hệ thống băng tải cải tiến, cho phép bốc dỡ nhanh hơn.

Hơn nữa khoang chở hàng của chiếc C-390 cũng rộng rãi hơn đáng kể, cho phép mang theo những hàng hóa có kích thước lớn hơn và chiều cao vượt trội.

Một thuộc tính quan trọng nữa của C-390 là thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với đường băng ngắn và sân bay dã chiến, một kỳ tích mà chiếc C-130 có thể gặp phải thách thức. Hơn nữa, động cơ tiết kiệm nhiên liệu và bảo trì đơn giản đồng nghĩa C-390 có chi phí vòng đời thấp hơn.

Xét về khả năng tiếp nhiên liệu trên không, C-390 cũng có lợi thế hơn do khả năng tương thích với nhiều phương thức tiếp liệu khác nhau, nó hoạt động được với các loại máy bay tiếp dầu cho những quốc gia khác nhau sản xuất.

Ưu thế lớn nhất của C-130 trước C-390 nằm ở chỗ đây là một chiếc máy bay vận tải "dày dạn kinh nghiệm" với hàng chục năm hoạt động, trong khi phi cơ của Brazil còn khá mới và chưa có nhiều "thành tích" trong quá trình vận hành.

Nhưng dù sao đi nữa thì lợi thế của C-390 trước C-130 là rõ ràng, và Saudi Arabia đã có lựa chọn được đánh giá là hợp lý khi gia nhập Tổ chức BRICS, việc mua chiếc vận tải cơ này khiến quan hệ giữa Riyadh với thành viên chủ chốt của khối trở nên thân thiết hơn nhiều.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/saudi-arabia-tu-bo-c-130-my-san-xuat-lay-van-tai-co-c-390-brazil-lam-qua-gia-nhap-brics-post570714.antd