Sau vụ tiến sĩ 'siêu lừa' dùng bằng giả: Cần hợp sức xây dựng hệ thống thông tin về văn bằng

Những ngày qua, vụ việc một người đàn ông tên N.T.H. sử dụng bằng tiến sĩ giả để xin việc tại nhiều trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh, thậm chí đã được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin của một trường cao đẳng gây xôn xao dư luận.

Từng dùng bằng giả "qua mắt" để trở thành giảng viên thỉnh giảng tại nhiều nơi

Được biết, đầu tháng 9.2023, khi đi xin việc tại Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, người này đưa ra văn bằng tiến sĩ có tên N.T.H. (sinh ngày 13.08.1981), ngành khoa học máy tính, cấp năm 2022. Ông H. cũng cung cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành tin học, cấp năm 2010. Tất cả các văn bằng đều có công chứng. Nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Ông H. được Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam nhận vào làm theo diện thử việc. Sau đó, đến ngày 18.9, ông được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin.

Theo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, quá trình làm việc tại trường, với vai trò là trưởng khoa, ông N.T.H. đã đứng lớp giảng dạy cho sinh viên một số tiết học.

Đến khi nhận được một số thông tin phản ánh nghi ngờ về bằng cấp của ông H., vào tháng 10.2023, Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam đã xác minh với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, văn bằng này không đúng với dữ liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Lúc này, việc dùng bằng tiến sĩ giả của người này mới “lộ tẩy”.

Bằng tiến sĩ giả được ông N.T.H. sử dụng để xin việc (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Bằng tiến sĩ giả được ông N.T.H. sử dụng để xin việc (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định ông N.T.H. chưa từng là học viên của đơn vị này. Do đó, bằng thạc sĩ và tiến sĩ người này đề cập trong hồ sơ cá nhân là không đúng.

Sau vụ việc, một số trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh cũng xác nhận ông N.T.H. từng sử dụng bằng tiến sĩ giả để xin việc tại những đơn vị này và đã được nhận vào làm giảng viên thỉnh giảng một thời gian. Điểm chung là sau khi có thông tin phản ánh vấn đề bằng cấp và bị xác minh, ông H. đều cắt đứt các liên lạc với nhà trường.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao ông N.T.H. có thể dễ dàng “qua mặt” các trường để được nhận vào làm giảng viên thỉnh giảng, thậm chí đã được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường cao đẳng mà không bị phát hiện?

Vì sao nhiều trường bỏ lọt tiến sĩ "siêu lừa"?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhận định, ở những nơi ông N.T.H. được nhận vào làm việc, đa số đều ở dạng giảng viên thỉnh giảng. Lĩnh vực Công nghệ thông tin trên văn bằng cũng là lĩnh vực rất hot hiện nay, cần nhiều nhân lực giảng dạy. Trong khi đó, giảng viên thỉnh giảng nếu xét về mặt thủ tục không phức tạp như tuyển dụng chính thức.

Ngoài ra, vì bằng cấp của người này đều có công chứng nên các trường dễ tin tưởng hơn, vì có thể họ nghĩ rằng nơi công chứng sẽ chịu trách nhiệm. Đây là lý do tấm bằng giả của ông N.T.H. lọt qua sàng lọc của nhiều trường và người này được nhận vào làm giảng viên thỉnh giảng.

Với trường hợp ông H. được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin của một trường cao đẳng, Tiến sĩ Lê Đông Phương bày tỏ sự ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông cho rằng có thể nhà trường đã bỏ lọt trường hợp này một phần bởi yếu tố tâm lý.

“Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng bằng giả, bằng dởm thường chỉ dùng để đi khoe mẽ hoặc để chạy chức ở những nơi không hẳn phải dùng kiến thức chuyên môn. Còn việc trở thành giảng viên, làm việc ở đúng lĩnh vực này là điều khó có ai làm”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định.

Cũng theo ông, một lý do khác là ở trường cao đẳng - một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thông thường việc tổ chức hoạt động, thủ tục quản lý đôi khi sẽ lỏng lẻo hơn. Khi có người là tiến sĩ đúng ngành học đang cần về đàm phán giảng dạy, có văn bằng đầy đủ công chứng, có thể họ sẽ không khắt khe trong thẩm định.

Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định, vì bằng cấp của ông H. đều có công chứng nên các trường dễ tin tưởng hơn (Hình minh họa)

Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định, vì bằng cấp của ông H. đều có công chứng nên các trường dễ tin tưởng hơn (Hình minh họa)

Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh, một câu chuyện rất đáng bàn hiện nay là thủ tục để các đơn vị thẩm định “hoàn toàn là điều rất phức tạp”.

“Mặc dù văn bằng của chúng ta đều có dấu nổi, có mã số, nhưng để làm thủ tục xác minh không phải đơn giản vì cả nước có trên 240 trường đại học, xin xác minh hồ sơ rất khó. Nếu không đến trực tiếp mà chỉ gửi email hay công văn thì đôi khi cũng không được trả lời ngay, hoặc thậm chí có thể không được phản hồi. Chưa kể hồ sơ hiện nay của nhiều trường không được bảo quản tốt lắm hoặc chưa được số hóa. Cho nên những văn bằng cũ, thời gian càng lâu thì càng khó tìm.

Đó cũng là một phần lý do các đơn vị sử dụng lao động hiếm khi, không hay thẩm định hồ sơ mà người ta thường tin vào bản đóng dấu công chứng. Chính vì vậy, trường hợp nói trên đã vượt qua được các rào cản và được một số trường nhận vào làm việc”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.

Để tránh các trường hợp tương tự, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng không chỉ các trường đại học, cao đẳng mà hệ thống hành chính của Việt Nam nói chung cần hợp sức xây dựng một hệ thống thông tin về văn bằng. Đây sẽ là nơi lưu trữ tất cả văn bằng từ trước đến nay trong tất cả cơ sở giáo dục, từ phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, để các đơn vị khi cần có thể kiểm chứng được ngay.

“Ví dụ ở Việt Nam đã có hệ thống đăng ký doanh nghiệp, có lẽ chúng ta cũng cần một hệ thống tương tự cho các văn bằng để khi người chủ sở hữu lao động muốn tìm hiểu thì chỉ cần truy cập vào, đưa mã số văn bằng và đơn vị đào tạo đã biết văn bằng đúng hay không đúng. Đây là một giải pháp tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được, không quá khó khăn đối với trình độ công nghệ của Việt Nam hiện nay”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, để thực hiện điều này đòi hỏi tất cả cơ sở giáo dục từ phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học phải gom lại tất cả bản sao hồ sơ, giấy tờ và các bảng kê về văn bằng đã cấp để đưa vào hệ thống và phải đảm bảo hồ sơ lưu trữ chính xác. Điều này có thể mất công, nhưng hoàn toàn khả thi và sẽ tránh được cho tất cả các cơ quan, từ cơ quan Nhà nước, cơ sở giáo dục đến các công ty trong việc kiểm định, thẩm định văn bằng.

Nhận định về trường hợp trên, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cũng cho rằng, việc ông N.T.H. trở thành giảng viên thỉnh giảng hay thậm chí Trưởng khoa cho thấy khâu tuyển dụng có thể đã thiếu chặt chẽ.

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, việc tuyển dụng sẽ có những hình thức khác nhau. Trường tư thục tuyển theo chế độ hợp đồng lao động, còn trường công lập có thể ký hợp đồng lao động hoặc ký viên chức. Mỗi hình thức có những quy định riêng.

Thông thường, nếu tuyển dụng chặt chẽ, để ký hợp đồng, bắt buộc phải kiểm tra rất rõ về nhân thân, đánh giá về mặt năng lực chuyên môn, hồ sơ khoa học của ứng viên. Năng lực chuyên môn sẽ thể hiện qua năng lực giảng dạy, ứng viên phải dạy thử, trải qua Hội đồng đánh giá,... Hồ sơ khoa học cũng cần xác minh, thẩm tra, không thể “khai thế nào tin thế đó”.

“Tôi cho rằng, sau vụ việc này, công tác tuyển dụng cần phải thực hiện cẩn trọng, rà soát chặt chẽ hơn”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/sau-vu-tien-si-sieu-lua-dung-bang-gia-can-hop-suc-xay-dung-he-thong-thong-tin-ve-van-bang-i351805/