Sau 'thuế ngọt', Thái Lan nghiên cứu triển khai 'thuế mặn'

'Thuế natri' sẽ được áp tương tự thuế đối với đồ uống có đường, tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ natri được sử dụng.

Được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2017, thuế SSB hay còn được biết đến là thuế “ngọt” buộc DN thực phẩm Thái Lan phải điều chỉnh sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm mới theo hướng tốt hơn cho sức khỏe người dân, trong khi giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sự nguy hiểm của việc ăn quá nhiều đồ ngọt. Dữ liệu của Cục thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan cho thấy, thị trường đồ uống ít đường và đồ uống tốt cho sức khỏe đã tăng 900%, từ 200 mặt hàng trước khi áp dụng thuế “ngọt” lên 1.800 mặt hàng.

Trong 5 năm qua, các sản phẩm được điều chỉnh lượng đường trong thành phần ở mức tiêu chuẩn dưới 6 gam/lít đã tăng từ 90 triệu lít lên 4.835 triệu lít, trong khi các sản phẩm có hàm lượng đường cao trên 14 gam/lít giảm từ 819 triệu lít xuống còn 9,5 triệu lít. Theo dữ liệu từ Văn phòng Ủy ban mía đường (OCSB), mức tiêu thụ đường trong lĩnh vực sản xuất đồ uống đã giảm từ 600 triệu kg xuống còn khoảng 400 triệu kg.

Theo ước tính của Cục thuế tiêu thụ đặc biệt, với việc áp dụng thuế ngọt từ năm 2017, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe có thể giảm 18.3 triệu Baht (514.000 USD) vào năm 2026, 95 triệu Baht (2,7 tỉ USD) vào năm 2031 và 121 triệu Baht (3,4 tỉ USD) vào năm 2036. Đây là những con số rất hứa hẹn bởi theo Bộ Y tế Công cộng, khoảng 5 triệu người Thái hiện mắc bệnh tiểu đường nghiêm trọng, không thể chữa khỏiv với chi phí y tế khổng lồ.

“Thuế mặn” hiện đang trong giai đoạn định hình nên còn khá nhiều chông gai - Ảnh: The Nation

“Thuế ngọt” tại Thái Lan đang được áp dụng ở giai đoạn thứ 3, kéo dài từ ngày 1/4 năm nay đến ngày 31/3/2025, với tỷ lệ lũy tiến dựa trên hàm lượng đường trong sản phẩm. Theo đó, đồ uống có hàm lượng đường từ 6-8 gram/100ml bị đánh thuế 30 satang/lít (100 satang = 1 Baht hay 0,028 USD), hàm lượng 8-10g/100ml bị đánh thuế 1 Baht/lít, hàm lượng 10-14g/100ml bị đánh thuế 3 Baht/lít, 14-18g/100ml bị đánh thuế 5 Baht mỗi lít.

Sau thành công của thuế “ngọt”, Thái Lan đang lên kế hoạch nghiên cứu các biện pháp thu thuế đối với các loại thực phẩm "mặn” (thuế natri). Cục thuế tiêu thụ đặc biệt cho biết, "thuế natri" sẽ được áp tương tự thuế đối với đồ uống có đường, tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ natri được sử dụng. Thuế sẽ được thu theo tỷ lệ lũy tiến, bắt đầu với các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như mỳ ăn liền, đồ ăn nhẹ và thực phẩm đông lạnh.

Bộ Tài chính nước này cũng đang xúc tiến kế hoạch hợp tác với Bộ Y tế để cùng thiết lập các tiêu chuẩn về lượng natri hàng ngày. Theo các nghiên cứu khoa học, việc tiêu thụ quá nhiều natri sẽ dẫn đến huyết áp cao và bệnh thận. Trong khi đó, người Thái Lan trung bình tiêu thụ 3.600 miligam natri mỗi ngày, gần gấp đôi mức 2.000mg/ngày được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Thói quen sử dụng nhiều muối trong ăn uống tạo gánh nặng lớn đối với chi phí điều trị y tế, theo đó Chính phủ Thái Lan hiện phải chi khoảng 36 tỷ baht (hơn 1 tỷ USD) mỗi năm cho ngân sách y tế, bao gồm chi phí cho điều trị lọc thận.

Tuy nhiên, các quan chức Cục thuế Tiêu thụ đặc biệt nhận định “thuế natri” sẽ chỉ được áp dụng đối với thực phẩm ăn liền chứ không thể áp dụng đối với thức ăn đường phố đã nấu chín, vốn rất phổ biến trên khắp Thái Lan, do cơ quan này sẽ không có cách nào kiểm soát hàm lượng “natri” trong thực phẩm nấu chín.

Có thể nói, việc áp dụng “thuế ngọt” và “thuế mặn” đều buộc các DN thực phẩm Thái Lan phải điều chỉnh sản phẩm cũ và phát triển sản phẩm mới theo hướng tốt hơn cho sức khỏe người dân. Chính sách “thuế ngọt” thì đã có thời gian triển khai rõ ràng và mang lại những kết quả tích cực nhất định. Thế nhưng với “thuế mặn” hiện đang trong giai đoạn định hình thì còn khá nhiều chông gai.

Các nhóm sản phẩm dự kiến sẽ bị ảnh hưởng khi áp thuế natri là mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh, cháo ăn liền, thức ăn sẵn, cá hộp và đồ ăn nhẹ. Các nhà sản xuất thực phẩm ăn liền và bán thành phẩm, sẽ phải đối diện với tình trạng gia tăng chi phí sản xuất do chi phí năng lượng và giá dầu cọ tăng cao. Những yếu tố hạn chế về vận chuyển, thay đổi trong hành vi người tiêu dùng liên quan tới yếu tố sức khỏe và môi trường, trong khi sức mua lại cần thời gian để phục hồi trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát.

Do đó, dư luận hiện yêu cầu việc áp dụng “thuế natri” cần được tiến hành có cân nhắc đến thời điểm thích hợp, có khoảng thời gian co giãn để các nhà sản xuất điều chỉnh công thức nấu ăn, hay tìm kiếm và thử nghiệm sử dụng các sản phẩm thay thế có hàm lượng muối natri thấp. Quá trình này phải được triển khai song song với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trong việc lựa chọn thực phẩm theo nguyên tắc dinh dưỡng và chiến dịch tuyên truyền về nguy cơ sức khỏe, nếu nạp quá nhiều natri vào cơ thể mỗi ngày.

Ngọc Diệp/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sau-thue-ngot-thai-lan-nghien-cuu-trien-khai-thue-man-post1040647.vov