Sâu nặng nghĩa tình sông quê

Tôi yêu con sông Văn Úc quê tôi hiền hòa, bốn mùa chở nặng phù sa! Dòng sông như thời gian, cứ êm đềm trôi. Nước sông lúc nào cũng tươi rói màu hồng, gìn giữ những ký ức tuổi thơ bao thế hệ. Suốt đêm ngày, sông nhẫn nại chắt chiu từng hạt phù sa, vun vén cho cánh đồng làng như mẹ hiền nuôi con bằng dòng sữa trắng trong.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Những năm tháng sống giữa phố phường ồn ã, mỗi lần về quê, được đứng trên con đê vững chãi, ngắm dòng sông của tuổi thơ vào buổi sớm mai thật tuyệt vời! Triền sông là vương quốc của những loài hoa dại gợi nhớ tuổi thơ tôi. Nơi đây, chúng tôi thường chơi trận giả, chơi khăng, đánh đáo. Tôi ngẩn ngơ ngắm những bông cúc dại trắng tinh, nhỏ như chiếc cúc gợi về trò chơi “cô dâu, chú rể”. Hoa cỏ may tím bạc, mỏng manh nhưng cũng mạnh mẽ vô cùng. Chẳng ai gieo trồng, không ai chăm sóc, mặc bão táp mưa sa, vẫn sống dẻo dai, bền bỉ như người nông dân vậy. Hoa cỏ may cũng đẹp và thơm không kém gì các loài hoa khác. Mùi thơm dìu dịu, thoang thoảng, chỉ ai nặng lòng với quê nhà mới cảm nhận được. Ngồi gỡ những bông cỏ may vấn vít trên ống quần, tôi lại bồi hồi nhớ những vần thơ tình nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Bính: “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”.

Nắng vàng sóng sánh khiến mặt sông thêm lung linh, huyền ảo. Những ngày tháng Sáu, nắng như đổ lửa, bà tôi hay ngồi ở bậc thềm bện chổi, mắt hướng ra cánh đồng, ngâm nga bài ca dao: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Bà tôi đã là người muôn năm cũ, nhưng những câu ca bà đọc tôi luôn nhớ, bởi đó là triết lý sống bà khéo léo dạy con cháu.

Cây gạo, cây đa là nơi trú ngụ bình yên của chim chóc. Mỗi sớm ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, tôi lại ngẩn ngơ nghe bản hòa tấu tuyệt vời của chúng chào đón những tia nắng đầu tiên rải trên không gian mênh mông. Lũ con trai thuộc tiếng hót của từng loài chim. Vào mùa xuân, tiếng hót của chúng du dương, réo rắt, tha thiết hơn. Yêu nhất là tiếng hót trong trẻo, rộn rã của lũ chào mào. Hàng cau trước nhà tôi luôn có lũ chào mào than sinh sống. Trừ lúc đi kiếm ăn, cứ về là chúng ríu rít bên tổ ấm.

Khi mặt trời lên cao, nước sông bắt đầu rút, để lại bãi phù sa mênh mông. Mặc cho lũ muỗi mát cắn, tôi xắn quần lội xuống bãi. Một cảm giác ngất ngây khi mới đặt bàn chân lên lớp phù sa tinh khiết vừa được bồi trong đêm, đưa tôi trở về miền ký ức thiêng liêng một thời. Tôi vốc những hạt phù sa mịn màng đầy tay, cảm giác mát dịu lạ thường! Lâu lắm rồi, tôi mới có những giờ phút hạnh phúc như thế. Tôi nao lòng trong hương phù sa ngai ngái. Không biết từ bao giờ, mỗi khi ra đồng, tôi lại thích hà hít cái hương dân dã ấy. Ôi, cái hương của nước, của đất, của những gì tinh túy nhất hòa quyện được dòng sông chở về bồi đắp cho đồng bãi quê tôi thành bờ xôi ruộng mật! Yêu lắm cái màu đất pha phù sa nâu hồng ấy làm nên hạt gạo - hạt vàng. Đẫn mía ngọt lịm ta thưởng thức. Củ khoai lang bở tơi những ngày khốn khó. Trong mùa "tháng ba đói dài", có bát canh tập tàng non mướt mọc nơi đầu bờ, cuối bãi làm vợi bớt cơn đói khi bụng “biểu tình”. Giờ đủ đầy vẫn khắc khoải nhớ về những kỷ niệm thiêng liêng ấy!

Hoa vải, hoa nhãn cũng nhuộm màu phù sa để dâng hiến cho đời những chùm quả cùi trắng, dày mọng, ngọt thơm. Chiếc bắp non có phù sa về, hạt tròn căng mẩy. Cây cói xanh rì cũng đậm đà vị mặn phù sa. Mỗi lần đi bắt cáy, chúng tôi lại nhổ những cây cói lấy gốc nhai. Cái vị mằn mặn, ngòn ngọt thấm dần nơi đầu lưỡi làm bớt đi cơn khát dưới nắng hè chói chang.

Hoàng hôn quê bình yên quá đỗi! Bến sông quê vẫn lững lờ con nước. Những khóm lục bình hoa tím dày kín mặt sông vẫn thủy chung gắn bó với bến sông quê dãi dầu mưa nắng, với người nông dân chăm chỉ xới vun. Mặt trời đỏ lựng như quả hồng khổng lồ lặn dần nơi cửa biển. Lũ cò mải miết bay về tổ theo hình chữ V. Khoảnh khắc ấy thật đẹp! Có những vụ lúa chiêm xuân, mưa xối xả, lũ lụt hoành hành, lòng xót xa khi nhìn cánh đồng lúa chìm trong biển nước mênh mông. Tất cả tập trung tiêu úng thoát nước cứu lúa. Bộ đội, công an dầm mình trong nước tận tình giúp bà con cứu lúa. Bão tan, tình quân dân càng thêm sắt son. Và rồi, sông thân thương như mẹ hiền lại chắt chiu từng hạt phù sa để bù đắp cho cây lúa lên xanh bời bời.

Trên đường mưu sinh, không lúc nào ta nguôi quên hình ảnh chiếc áo bà ba bạc phếch của mẹ cha, cô bác ta cũng thấm đẫm hương phù sa, mặn mòi muối biển. Nước sông vào nuôi cái hến, con tôm. Phù sa hồng cho bờ tre xanh ngắt, cho cánh cò trắng muốt chiều hôm, nâng cánh diều vi vút tầng không. Trong hương phù sa, tình bạn lũ trẻ trâu mãi mãi thiết tha, mặn nồng...

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, con người cứ mải miết bon chen nơi phố thị ồn ào, để khi về lại quê, những dòng hồi ức không bao giờ cạn. Thoáng cái đã nửa thế kỷ! Giờ tóc đã muối tiêu, nhưng mỗi lần về với sông quê hiền hậu, bao dung, tôi lại rưng rưng nhớ vần thơ của cố thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Đôi làn môi con/ Nghiêng về vú mẹ/ Như cây lúa nhỏ/ Nghiêng về phù sa...”.

Tình nghĩa sông quê thật sâu nặng biết bao!

Trịnh Thị Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sau-nang-nghia-tinh-song-que-post469531.html