Sau Google, đến lượt Alibaba nhảy vào cuộc cạnh tranh với ChatGPT

Hôm 8-2, Tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc thông báo đang phát triển một công cụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI (Mỹ). Đây là động thái mới trong cuộc chạy đua của các tập đoàn công nghệ lớn nhằm tận dụng cơn sốt chatbot AI.

Trong một diễn biến khác, Alphabet, công ty mẹ Google cũng đã ra mắt chatbot AI có tên gọi Bard nhưng gây thất vọng lớn vì Bard trả lời sai trong ngày ra mắt.

Trụ sở của Alibaba ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Trụ sở của Alibaba ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Alibaba thử nghiệm nội bộ chatbot AI

Theo hãng tin CNBC, người phát ngôn của Alibaba xác nhận, Alibaba đang phát triển công nghệ tương tự ChatGPT nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc ra mắt phiên bản chatbot này mà chỉ cho biết đang thử nghiệm nội bộ. Alibaba cho biết thêm là đã nghiên cứu AI từ năm 2017.

Các tập đoàn công nghệ trên toàn cầu hiện đang tìm cách tận dụng cơn sốt ChatGPT. Đây là một chatbot AI đã thu hút 100 triệu ngươi dùng nhờ khả năng trả lời nhuần nhuyễn bằng ngôn ngữ tự nhiên về nhiều chủ đề khác nhau, thậm chí viết bài luận và viết ngôn ngữ lập trình (code).

ChatGPT vận hành dựa vào AI tạo sinh, sử dụng một lượng lớn dữ liệu để nắm bắt và trả lời trong cuộc hội thoại.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc tạo nên một phiên bản chatbot tương tự như GPT sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của Alibaba trong lĩnh vực lĩnh vực mua sắm trực tuyến, điện toán đám mây và tài chính.

Alibaba là một trong những công ty điện toán đám mây lớn nhất Trung Quốc và cũng là công ty thương mại điện tử lớn nhất nước này. Đại diện công ty cho biết, dự định sẽ tích hợp chatbot vào các sản phẩm của công ty.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nỗ lực biến những đổi mới tiên tiến thành các ứng dụng giá trị gia tăng cho khách hàng cũng như người dùng cuối của họ thông qua dịch vụ đám mây”, người phát ngôn của Alibaba nói với CNBC.

Trước đó, tờ 21st Century Business Herald (Trung Quốc) cũng cho biết, Alibaba sẽ kết hợp chatbot AI của mình vào ứng dụng nhắn tin DingTalk.

ChatGPT đã châm ngòi cho cuộc chạy đua AI giữa những tay chơi công nghệ lớn nhất thế giới. Microsoft vừa đầu tư thêm 10 tỉ đô la Mỹ vào OpenAI. Tong tuần này, hãng đã công bố tích hợp phiên bản ChatGPT nâng cao vào công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge.

Trong khi đó, một hãng công nghệ lớn khác là Google cũng vừa ra mắt chatbot AI có tên gọi Bard như một phần của kế hoạch khẩn cấp nhằm ứng phó với thách thức do ChatGPT đặt ra.

Gã khổng lồ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc cũng cho hay, đang thử nghiệm chatbot AI, có tên “Ernie bot” bằng tiếng Anh hoặc “Wenxin Yiyan” bằng tiếng Trung. Baidu dự kiến ra mắt chatbot vào tháng 3 tới. Thông báo này đẩy cổ phiếu của Baidu tăng vọt lên mức cao nhất trong 11 tháng vào hôm 7-1, cho thấy sự phấn khích của nhà đầu tư đối với công nghệ này.

Hôm 8-2, NetEase, một trong những công ty game lớn nhất của Trung Quốc, tiết lộ Youdao, đơn vị kinh doanh tìm kiếm và các ứng dụng học tập của NetEase hiện đang phát triển AI tạo sinh.

Theo người phát ngôn của NetEase, công ty đang xem xét sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn trong một số sản phẩm giáo dục nhưng không cho biết liệu công ty có ra mắt chatbot AI để cạnh tranh ChatGPT hay không.

Màn ra mắt gây thất vọng của Bard

Dù ChatGPT đang gây sốt nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, những công cụ chatbot AI có nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.

Hôm 8-2, giá cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ Google đã giảm sâu đến 9%, khiến vốn hóa của tập đoàn này bị thổi bay 100 tỉ đô la Mỹ sau màn ra mặt gây thất vọng của chatbot Bard.

Trong một video quảng bá, khi được hỏi: “Tôi có thể nói với đứa con 9 tuổi của mình như thế nào về những khám phá mới nào từ kính viễn vọng không gian James Webb (JWST)?”, Bard đã “nhanh nhảu” trả lời nhiều nội dung. Trong đó, Bard khẳng định JWST được sử dụng để chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh nằm bên ngoài hệ mặt trời.

Tuy nhiên, những bức ảnh đầu tiên về hành tinh này lại được chụp bởi kính viễn vọng của Đài thiên văn Nam châu Âu (VLT) vào năm 2004, theo xác nhận của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Gil Luria, nhà phân tích phần mềm cao cấp tại D.A. Davidson, cho biết dù Google là công ty dẫn đầu về đổi mới AI trong vài năm qua nhưng đã chậm chân trong việc đưa công cụ chatbot Al vào sản phẩm tìm kiếm. Bản demo của Bard trả lời sai, khiến màn ra mắt không suôn sẻ là do hãng này vội vàng tìm cách bắt kịp Microsoft.

Tuy nhiên, ChatGPT của OpenAI cũng bị phát hiện đưa ra những câu trả lời không chính xác hoặc lỗi thời. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại rất quan tâm đến những mối đe dọa mà ChatGPT tạo ra đối với hoạt động kinh doanh tìm kiếm của Google.

Gene Munster, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, cho biết dù Microsoft giành chiến thắng trên mặt trận tin tức trong tuần này nhưng các khoản đầu tư lâu dài của Google vào AI cuối cùng sẽ được đền đáp.

“Ngay bây giờ, lợi thế trước mắt thuộc về Microsoft. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghĩ rằng lợi thế dài hạn sẽ thuộc về Alphabet nhờ những nguồn lực mà tập đoàn này đã đầu tư vào AI trong sáu năm qua”, ông nói.

Theo CNBC, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sau-google-den-luot-alibaba-nhay-vao-cuoc-canh-tranh-voi-chatgpt/