Sâu bệnh trên lúa Mùa diễn biến phức tạp

Hiện nay, các trà lúa Mùa đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến trỗ bông, phơi mầu. Đây là giai đoạn rất quan trọng, quyết định đến năng suất lúa cuối vụ, tuy nhiên, sâu bệnh lại đang phát sinh và gây hại rộng trên cả trà lúa.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh kiểm tra, xác định mật độ sâu bệnh trên đồng ruộng.

Diện tích nhiễm gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng Giữa, HTX nông nghiệp Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, dễ dàng quan sát thấy không ít thửa ruộng lúa đã bị xơ trắng lá do bị sâu cuốn lá gây hại.

Ông Đỗ Xuân Duy, ở đội 2, thôn Phấn Trung, xã Ninh Khang, chia sẻ: Vụ này thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng rất tốt nhưng trái lại sâu bệnh cũng rất nhiều. Gia đình tôi cấy 8 sào, chủ yếu là 2 giống Bắc thơm và LT2, gần 1 tháng trước, đã phải phun 1 lượt thuốc kết hợp trừ đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy. Tuy nhiên, có thể do phun đúng vào đợt trời mưa nhiều nên hiệu quả không như mong muốn. Tới đây, tôi đang tính sẽ phải phun tiếp lần 2 thì mới phòng trừ triệt để được.

Nhiều diện tích lúa Mùa ở HTX Bạch Cừ, Ninh Khang (Hoa Lư) đã bị xơ trắng lá do sâu cuốn lá nhỏ gây hại.

Theo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoa Lư, đối tượng sâu cuốn lá nhỏ không chỉ gây hại mạnh ở HTX nông nghiệp Bạch Cừ mà còn rải rác ở nhiều HTX khác như: Đông Đân - Ninh Vân, Thịnh Hội - Ninh An, Hồng Phong - Ninh Hoàn, Trung Trữ - Ninh Giang... với mật độ rất cao (trên 200 con/m2). Ngoài ra, sâu đục thân hai chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn... cũng đang tiếp tục hại tăng trên các trà lúa.

Về tình hình sâu bệnh hại trên địa bàn toàn tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Nhìn chung, thời gian phát sinh các đối tượng sinh vật hại ở vụ này sớm hơn trung bình nhiều năm và sớm hơn so với vụ Mùa năm 2022 từ 5-10 ngày. Tổng diện tích nhiễm trên toàn tỉnh đến nay là trên 38.400 ha (gấp 1,4 lần so với cùng kỳ vụ Mùa năm 2022). Trong đó, diện tích nhiễm nặng là 21.310 ha (gấp 2,5 lần so với cùng kỳ vụ Mùa năm 2022).

Cũng theo ông Tuấn, đáng chú ý, vụ này, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện với mật độ cao bất thường và gây hại trên diện rộng. Lo ngại hơn là các trà lúa này đang ở giai đoạn làm đòng, nếu bị hại thì năng suất lúa bị ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, tại một số địa phương, công tác triển khai chỉ đạo phòng, chống sâu bệnh còn chưa kịp thời, chủ quan. Nhận định trong thời gian tới diễn biến sâu cuốn lá còn phức tạp, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại nặng cho sản xuất vụ mùa.

Tập trung phun trừ trong nửa đầu tháng 9

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh: Bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 ra rộ từ ngày 28/8 đến 7/9, sâu non sẽ nở rộ từ 3/9 đến 13/9 gây hại rộng trên các trà lúa trỗ sau 5/9 ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Mật độ sâu phổ biến: 50-70 con/m2; cá biệt trên 200 con/m2. Quy mô, mức độ hại cao hơn so với cùng lứa vụ Mùa 2022. Nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

Nông dân xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư phun trừ sâu bệnh cho lúa Mùa.

Bên cạnh đó, bướm sâu đục thân lúa hai chấm lứa 5 tiếp tục ra rộ đến ngày 12/9. Sâu non nở rộ từ 29/8 đến 19/9, gây hại trên trà lúa trỗ sau ngày 1/9 ở các huyện phía Bắc tỉnh và sau ngày 5/9 ở các huyện phía Nam tỉnh. Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2022. Rầy cám nở rộ từ 13/9 đến 23/9, gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn chắc xanh đến chín. Nhiều nơi mật độ rầy rất cao như huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, có khả năng gây cháy ổ ở giai đoạn lúa chắc xanh đến chín. Ngoài ra, chuột, bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên các trà lúa; lúa cỏ, bệnh lùn sọc đen gây hại cục bộ.

Ông Nguyễn Duy Khương, Giám đốc HTX Bạch Cừ (xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư) cho biết: Dự kiến toàn bộ diện tích lúa Mùa của HTX sẽ trỗ tập trung từ ngày 15-20/9. Đây là giai đoạn rất quan trọng, nếu không kiểm soát tốt, để sâu bệnh phát sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa cuối vụ. Thực tế, qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy mật độ sâu cuốn lá lứa 6 đang rất cao, ngoài ra, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã phát sinh và có nguy cơ gây hại trên diện rộng. Do vậy, HTX đã thông báo rộng rãi tình hình sâu bệnh hại trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ phù hợp, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng "đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách". Cụ thể, sẽ tập trung phun trừ đồng loạt sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 6/9 đến 11/9. HTX cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư đảm bảo chất lượng để cung ứng cho bà con.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/sau-benh-tren-lua-mua-dien-bien-phuc-tap/d20230903081534688.htm