Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29: Ngành Giáo dục tỉnh tiến những bước vững chắc

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác GD&ĐT.

Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD&ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Tích cực triển khai

Ngay sau khi Nghị quyết số 29 ban hành, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 100-CTr/TU ngày 23/1/2014 cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29; các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức phổ biến, quán triệt sâu sắc, cụ thể các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về vai trò của GD&ĐT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về lĩnh vực giáo dục đảm bảo kịp thời, mang tính đặc thù địa phương, làm cơ sở pháp lý cho triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong quá trình triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp thiết thực từ việc dành nguồn lực đầu tư, quy hoạch cơ sở vật chất, đến ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, trong đó, giải pháp trọng tâm được ngành chú trọng triển khai thực hiện thời gian qua đó là tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; đặc biệt chú trọng rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, bảm đảm theo quy định về việc cung cấp trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giờ học của cô và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh

Cùng với nhiệm vụ trên, ngành giáo dục tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp để củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó là tập trung đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng coi trọng chất lượng; đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục theo yêu cầu đổi mới; quan tâm huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển toàn diện và bền vững giáo dục.

Sức bật từ Nghị quyết 29

Thực hiện Nghị quyết 29, lĩnh vực GD&ĐT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là việc sắp xếp lại hệ thống trường học, đến nay toàn tỉnh có 660 trường học (năm 2016 – 2017 có 743 trường), với đủ các bậc học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống trường học được tinh gọn, cơ sở vật chất trường học và trang, thiết bị giảng dạy được tăng cường đầu tư theo chiều sâu, từng bước đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy – học của giáo viên và học sinh. Cùng đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển về chất lượng, từng bước hướng đến cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu giáo dục… Theo thống kê của ngành giáo dục tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có trên 90% giáo viên ở các cấp học đều đạt từ chuẩn và trên chuẩn. Trong đó, riêng khối THPT có 100% giáo viên đạt chuẩn.

Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cũng được ngành giáo dục tỉnh quan tâm, thực hiện theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học. Những điều đó đã giúp ngành giáo dục triển khai thuận lợi và hiệu quả công tác đổi mới giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng các mặt giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn. Cụ thể, mỗi năm có trên 1.000 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; tính riêng năm học 2022 – 2023 vừa qua, toàn tỉnh có 1.565 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh gỏi các môn văn hóa cấp tỉnh (tăng gần 300 giải so với năm 2016 – 2017).

Bà Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của ngành về đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29, những năm qua nhà trường đã tập trung xây dựng môi trường giáo dục theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, cùng đó, phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới… nhờ đó chất lượng giáo dục nhà trường đã đạt được bước tiến quan trọng. Trong 5 năm học trở lại đây, trường có 538 học sinh đạt giải tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Hằng năm, tỉ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường đạt trên 98%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt 100%; học sinh đỗ đại học, cao đẳng đạt từ 70% đến 80%.

Học sinh tham dự ngày hội văn hóa dân tộc do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức

Không chất lượng giáo dục được nâng lên, bằng sự quyết tâm của ngành giáo dục, cùng sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong triển khai nhiều giải pháp huy động học sinh ra lớp, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến vững chắc. Qua đó, được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận tỉnh Lạng Sơn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (Quyết định số 3540/QĐ-BGDĐT, ngày 2/11/2022). Cùng với giáo dục phổ thông, hệ thống trường nghề cũng được củng cố, đảm bảo tính phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Hằng năm, 100% các trường THCS, THPT đều triển khai giáo dục hướng nghiệp và tư vấn phân luồng cho học sinh. Nhờ đó đến năm học 2022 – 2023 vừa qua, trên 20% học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay đạt 62% (tăng 23% so với năm 2013).

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 29- NQ/TW và những nhiệm vụ, giải pháp được cụ thể hóa trong Chương trình hành động số 100-CTr/TU ngày 23/01/2014 của Tỉnh ủy. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho cơ sở. Thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương hành chính, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và đạo đức công vụ của cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục và đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ, kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện sự nghiệp GD&ĐT.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/634589-sau-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-29-nganh-giao-duc-tinh-tien-nhung-buoc-vung-chac.html