Sát thủ '3 ngón tay thần chết' Séc vừa cung cấp cho Ukraine mạnh cỡ nào?

Hệ thống phòng không của Ukraine đã được củng cố sau khi nước này tiếp nhận hệ thống tên lửa đất đối không 2K12 Kub nâng cấp của Cộng hòa Séc, được mệnh danh là sát thủ '3 ngón tay thần chết'.

Ukraine tiếp nhận sát thủ “3 ngón tay thần chết”

Vào ngày 25/8, trang tình báo mã nguồn mở Oryx có trụ sở tại Hà Lan cho biết, Ukraine đã nhận được 2 hệ thống tên lửa đất đối không 2K12 Kub do Cộng hòa Séc cung cấp.

Hệ thống tên lửa đất đối không 2K12 Kub. Ảnh: Wikipedia

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, một binh sỹ Ukraine đang đứng trước bệ phóng của hệ thống tên lửa này nhưng khuôn mặt đã bị che mờ. Theo thông tin của Oryx và một số nguồn khác, hệ thống 2K12 Kub mà Ukraine tiếp nhận là phiên bản đã được hiện đại hóa.

Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Séc Petr Pavel thông báo nước này có thể chuyển giao 2 hệ thống phòng không 2K12 Kub và tên lửa của chúng cho Kiev. Ông Pavel lưu ý, lực lượng phòng vệ Ukraine có thể sử dụng chúng ngay khi họ tiếp nhận mà không cần tham gia các khóa huấn luyện thêm.

Ngoài Cộng hòa Séc, một quốc gia khác là Slovakia đã cam kết cung cấp hệ thống này cho Ukraine vào tháng 3/2023. Bộ Quốc phòng Slovakia (MoD) đã trang bị cho Ukraine hai bệ phóng 2K12 Kub cùng tên lửa, phụ tùng và thiết bị liên quan.

Liên Xô đã phát triển hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) di động 2K12 Kub vào những năm 1960. Hệ thống được thiết kế để bảo vệ lực lượng mặt đất trước các cuộc tấn công bằng trực thăng và máy bay chiến đấu của đối phương. Hiệu quả cao và độ chính xác chưa từng có của tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub khiến nó được mệnh danh “3 ngón tay thần chết”.

Hệ thống tên lửa phòng không 2K12 Kub gồm một radar phát hiện và tìm kiếm mục tiêu, một trạm điều khiển và bốn bệ phóng tự hành. Bộ phận phóng của 2K12 Kub được trang bị ba tên lửa có thể xoay 360 độ khi được nâng lên tối đa +85 độ. Để hạ thấp chiều cao của bộ phận phóng khi xe đang di chuyển, kíp lái sẽ di chuyển bàn xoay về phía sau và đặt tên lửa nằm ngang.

Tên lửa có chiều dài 5,8m, đường kính 0,3m, trọng lượng khoảng 600kg, được trang bị 2 tầng động cơ sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa sử dụng đầu đạn nổ phân mảnh HE nặng khoảng 56kg. Nó được tích hợp radar dẫn đường và radar thu thập thông tin mục tiêu, giúp phát hiện, theo dõi và tấn công máy bay đối phương. Nếu radar dẫn đường chỉ dẫn cho tên lửa, giúp nó tiếp cận mục tiêu thì radar thu thập thông tin chịu trách nhiệm định vị và theo dõi mục tiêu.

Tổ hợp 2K12 Kub có khả năng phát hiện mục tiêu trên không ở phạm vi lên tới 65km và bắn chúng ở khoảng cách từ 4,5 đến 23,5km với độ cao lên tới 14.000m.

Từng là cơn ác mộng của chiến đấu cơ phương Tây

Tổ hợp tên lửa 2K12 Kub đã chứng tỏ sức mạnh lần đầu tiên trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 sau khi quân đội Ai Cập và Syria mở chiến dịch tấn công hiệp đồng nhằm vào các cứ điểm của Israel ở bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan. Thời điểm đó, Israel - chủ yếu sử dụng máy bay chiến đấu của Mỹ để giành ưu thế trên không, đã rất ngạc nhiên trước sức mạnh của tổ hợp 2K12 mà Ai Cập và Syria sử dụng. Tổ hợp tên lửa này đã gây hư hại nghiêm trọng cho máy bay chiến đấu A-4 Skyhawk và F-4 Phantom của Israel.

Đến năm 1981, sau khi Israel bắn hạ máy bay trực thăng của Syria gần khu vực Zahle ở Lebanon, Syria đã quyết định triển khai hệ thống 2K12 Kub tới Lebanon. Các khẩu đội tên lửa 2K12 Kub được bố trí gần đường cao tốc Beirut-Damascus ở Thung lũng Bekaa. Cuối cùng Israel đã quyết tâm thực hiện chiến dịch nhằm loại bỏ tất cả các lực lượng phòng không của đối phương trên mặt đất. Dù chịu tổn thất lớn nhưng 2K12 Kub đã bắn hạ ít nhất 1 máy bay chiến đấu F-4 Phantom của Israel vào tháng 7/1982.

Tổ hợp 2K12 Kub cũng từng được triển khai trong cuộc tranh chấp biên gới giữa Cộng hòa Chad và Libys, gây ra mối đe dọa cho máy bay Pháp vào năm 1986.

Ngoài ra, hệ thống cũng hoạt động hiệu quả tại một điểm nóng khác ở Trung Đông. Trước và sau khi Chiến tranh Iran-Iraq nổ ra, Liên Xô đã cung cấp cho Iraq nhiều loại vũ khí, trong đó có tổ hợp 2K12 Kub, hệ thống tên lửa đất đối không (SAM). Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 9/1980, những tổ hợp này đã giành ưu thế trước các máy bay F-4 Phantom và F-5 mà Mỹ cung cấp cho Iran. Trong chiến tranh vùng Vịnh, tổ hợp 2K12 Kub đã bắn hạ một chiếc F-16 của Không quân Mỹ mang số hiệu 87-228.

Nhiều thập kỷ sau, mặc dù đã có nhiều hệ thống phòng không mới ra đời và được phát triển trên toàn thế giới nhưng tổ hợp 2K12 Kub vẫn giữ vững danh tiếng của nó. Gần đây nhất vào năm 2018, hệ thống phòng không này đã được sử dụng lại ở Syria. Theo các báo cáo, các lực lượng Mỹ, Anh và Pháp đã phóng 103 tên lửa không đối đất và hành trình nhắm vào các địa điểm ở Syria. Nhưng Damacus đã đáp trả bằng việc phóng một loạt 21 tên lửa Kub và ngăn chặn được nhiều vụ tấn công của phương Tây.

Hồng Anh/VOV.VN (Biên dịch) Theo Eurasia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/sat-thu-3-ngon-tay-than-chet-sec-vua-cung-cap-cho-ukraine-manh-co-nao-post1042014.vov