SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ CỦA BỘ MÁY, KHÔNG CHỈ LÀ SỰ CẮT GIẢM CƠ HỌC

Sau chuyên đề giám sát 'Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021', Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023–2030. Đến 2025 sẽ có 33 huyện và 1.300 xã buộc phải sáp nhập, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cần cân nhắc những yếu tố đặc thù

Sau khi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Hà Nội cũng là địa phương có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023 – 2025.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, đây chỉ là kết quả rà soát và đối chiếu ban đầu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị hành chính. Hiện việc rà soát mới đánh giá quận Hoàn Kiếm theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên. Ngoài ra, yếu tố đặc thù (được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030) sẽ làm căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không. Sau đó, Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết, cụ thể báo cáo Chính phủ, trong đó, TP sẽ cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể cả những hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người... khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Qua ý kiến của các chuyên gia, nếu chỉ sáp nhập đơn vị hành chính mang tính cơ học mà không xét đến các yếu tố đặc thù thì e rằng sẽ không mang lại hiệu quả khi sát nhập, nếu chỉ rà soát 2 tiêu chí là diện tích và dân số mà một số địa phương, trong đó có quận Hoàn Kiếm – quận lõi, trung tâm của TP với dấu ấn lịch sử, kinh tế, văn hóa đậm nét, đặc sắc... phải sắp xếp lại thì chưa đầy đủ. Tiêu chí về diện tích và dân số quan trọng nhưng chưa phải là tất cả để có thể sắp xếp lại một đơn vị hành chính cấp quận, huyện, nhất là quận lõi như Hoàn Kiếm. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, giá trị của quận lõi như Hoàn Kiếm không nằm ở vấn đề diện tích mà ở bề dày văn hóa, lịch sử... do vậy, sắp xếp đơn vị hành chính với quận lõi như Hoàn Kiếm vấn đề văn hóa cần quan tâm hàng đầu. Nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất, quy định T.Ư ban hành cho cả nước, nhưng khi về từng địa phương Hà Nội cần tính toán, bổ sung quy định đặc thù cho phù hợp với địa bàn đặc biệt như quận Hoàn Kiếm.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Cùng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị, khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính nào cũng cần đánh giá và tính toán trên nhiều góc độ. Quận Hoàn Kiếm rất đặc biệt, có giá trị lịch sử lớn, bao gồm lịch sử hình thành và phát triển của thủ đô Hà Nội, cũng như giá trị kiến trúc đô thị với những phố cổ nổi tiếng, do vậy, khi sắp xếp cần tính toán đến các yếu tố trên nữa, chứ không chỉ vấn đề diện tích, dân số.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi Hà Nội xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết có thể vận dụng quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính quy định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp. Cụ thể, có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề. Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào. Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề người dân được rất nhiều cử tri quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, do vậy việc này cần được làm thận trọng, tính toán toàn diện các yếu tố diện tích, dân số, văn hóa, xã hội... Trong đó, nhiều cử tri thành phố Hà Nội bảy tỏ mong muốn được đóng góp ý kiến, trí tuệ, hiểu biết, tâm tư, tình cảm để cùng Hà Nội có đề án sắp xếp hợp lý, đảm bảo hiệu quả bộ máy sau sáp nhập.

Sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 cần giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của giai đoạn trước

Rõ ràng từ minh chứng của thành phố Hà Nội cho thấy, việc sáp nhập huyện, xã, không thể làm theo kiểu sáp nhập cơ học mà phải đảm bảo nhiều mục tiêu. Theo PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện hành chính Quốc gia, trước đây nước ta cũng đã từng thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nhưng chủ yếu theo hướng chia, cắt, còn đây là lần đầu tiên tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính theo hướng sáp nhập. Kết quả đạt được của việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021 đã góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt cũng nhờ sắp xếp lại đơn vị hành chính nước ta đã giảm chi ngân sách nhà nước đến 2.000 tỷ đồng.

ĐBQH Đôn Tuấn Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

ĐBQH Đôn Tuấn Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Tuy nhiên, theo ĐBQH Đôn Tuấn Phong, đoàn An Giang, ngoài những điểm tích cực của việc sắp xếp các đơn vị hành chính, vẫn còn nhiều vấn đề như dôi dư trụ sở khi 2-3 xã sáp nhập làm một, đặc biệt ở địa phương vùng sâu, vùng xa việc bán đấu giá không hề dễ. Hiện nay vẫn còn những công sở bỏ hoang, không sử dụng, lãng phí, xuống cấp rất nhiều, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư ra sao, chất lượng đô thị khi sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị, giải quyết chế độ các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp như thế nào? Chính phủ cần có khảo sát, thống kê đầy đủ xem lãng phí từ đây là bao nhiêu. Bên cạnh đó, đại biểu Đôn Tuấn Phong cũng băn khoăn về việc tính toán chi phí xã hội mà người dân phải bỏ ra sau sáp nhập có cao hơn không? Khi các xã miền núi có đặc điểm dân số thưa thớt, diện tích rất rộng, khoảng cách từ đầu xã đến cuối xã đến vài chục km là bình thường. Sau sáp nhập xã thì người dân đến làm thủ tục hành chính phải đi xa hơn, học sinh đến trường với quãng đường xa hơn. Chi phí xã hội đối với người dân ở các xã, các huyện được sáp nhập tăng lên như thế nào? Có được thống kê hay không. Vì vậy ĐBQH Đôn Tuấn Phong cho rằng tại Nghị quyết số 117 ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 cần thiết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại nêu trên khi sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 - 2021.

ĐBQH Đôn Tuấn Phong tin rằng với tiền đề của giai đoạn trước, chắc chắn lần này, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có nhiều thuận lợi hơn, khi đã có bài học kinh nghiệm, để hoàn thiện các quy định nhằm tổ chức sắp xếp tốt hơn cho các giai đoạn sắp tới và quan trọng là thời gian để các địa phương xây dựng và hoàn hiện hồ sơ đề án cũng dài hơn, bảo đảm việc nghiên cứu kỹ lưỡng, hợp lý trong việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 cần hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác nên rất cần có sự đồng thuận của nhân dân. Trong đó, cần quan tâm giải quyết số cán bộ công chức dôi dư và tài sản công; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sau khi sắp xếp. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giải quyết tốt những vấn đề này sẽ tạo động lực cho việc sắp xếp trong giai đoạn tới.

PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện hành chính Quốc gia

PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện hành chính Quốc gia

PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng: việc sắp xếp đơn vị hành chính ở giai đoạn 2023 - 2030 phải được chuẩn bị cẩn thận, toàn diện, thấu đáo và tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt khi đụng chạm đến công tác cán bộ, con người thì phải kiên trì, cẩn thận, vừa thuyết phục vừa động viên kèm theo những chế độ chính sách hợp lý, thỏa đáng. Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương thì trong giai đoạn 2023-2025, dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và khoảng 1.327 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp với mức hỗ trợ 20 tỉ đồng/huyện và 0,5 tỉ/xã thì ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỉ đồng theo hướng. Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng đã yêu cầu khi các địa phương xây dựng Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài đối với các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp. Đây cũng là cơ hội để các địa phương tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, Sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước bảo đảm tinh gọn là cần thiết, nhưng cần đạt được nhiều mục tiêu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là phải giảm đơn vị hành chính góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, giảm chi tiêu cho ngân sách nhà nước, nhưng phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Bộ Nội vụ luôn luôn lưu tâm mục tiêu này, nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, các tỉnh miền núi với diện tích lớn nhưng dân số lại ít, hay những đơn vị hành chính đô thị diện tích nhỏ nhưng dân số đông để có tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, vừa đảm bảo được khả năng tiếp cận và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công khác. Như vậy, hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế. Điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sắp xếp một phần đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị hay việc thành lập thành phố trong thành phố nên có đề án riêng.

Tin rằng, với bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2019-2021, các văn bản pháp luật vừa được ban hành đã đề ra nhiều giải pháp để xử lý tốt hơn đối với trụ sở và cán bộ, công chức dôi dư, sự quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp tỉnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc và nhân dân đồng tình ủng hộ thì mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 sẽ sớm thành công.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79136