Sắp tới (1/7), bãi bỏ giấy phép lái xe B2, tài xế có phải thay đổi bằng?

Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ 1/7 tới sẽ bãi bỏ giấy phép lái xe hạng B2. Vậy lái xe sở hữu giấy phép lái xe hạng này có phải thay đổi bằng?

Sắp bãi bỏ giấy phép lái xe B2?

Theo quy định tại Điều 39 Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, nếu dự thảo được chính thức thông qua thì từ 1/7/2024, sẽ không còn giấy phép lái xe hạng A1, B1 và B2.

Theo quy định đang có hiệu lực tại Luật Giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC.

Tuy nhiên, tại Điều 56 trong dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định giấy phép lái xe sẽ bao gồm các hạng: A1; A; B1; B; C1; C; D1; D2; D; BE; C1E; CE; D1E; D2E và DE.

Trong đó, hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xilanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kw;

Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh trên 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ; xe ô tô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg;

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500-7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B;

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1;

Hạng D1 cấp cho người lái xe điều khiển ô tô chở người từ 10-16 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;

Hạng D2 cấp cho người lái xe điều khiển ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1;…

Về thời hạn của giấy phép lái xe, Dự thảo Luật nêu rõ, giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn; giấy phép lái xe hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; giấy phép lái xe các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ 1/7 tới sẽ bãi bỏ giấy phép lái xe hạng B2. Ảnh minh họa: TL

Bỏ giấy phép lái xe B2, lái xe có phải đi thi lại?

Theo dự thảo, từ ngày 1/7/2024 bằng lái xe hạng B2 sẽ bị bãi bỏ, những người có bằng lái B2 vẫn có thể tiếp tục sử dụng và không phải thi lại. Việc cấp đổi mới chỉ thực hiện khi bằng lái hết hạn hoặc bị mất. Khi bãi bỏ bằng B2 thì bằng B sẽ thay thế.

Bằng lái xe hạng B sẽ được điều khiển các phương tiện sau:

- Ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe);

- Ô tô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg;

- Các loại ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có kéo theo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750kg.

- Giấy phép lái xe hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp;

Tại Điều 62 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ, giấy phép lái xe đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được tiếp tục sử dụng. Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 Điều 43 của Luật này thì được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.

Cụ thể, giấy phép lái xe được cấp lại thuộc một trong các trường hợp sau:

- Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng;

- Giấy phép lái xe bị mất.

- Giấy phép lái xe bị hỏng hoặc sai lệch thông tin ghi trên giấy phép lái xe;

- Giấy phép lái xe của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam do cơ quan thẩm quyền của nước ngoài cấp, còn giá trị sử dụng;

- Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp mà người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Thủ tục cấp lại giấy phép lái xe

Căn cứ vào Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT, hồ sơ đổi giấy phép lái xe bao gồm:

Mẫu đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo phụ lục IV thông tư 01.

Giấy khám sức khỏe của người có nguyện vọng đổi bằng lái.

Bản sao giấy phép lái xe.

Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND/CCCD đối với công dân Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Các trường hợp hồ sơ không đáp ứng điều kiện, Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tùy địa phương mà người lái đăng ký sẽ thông báo bổ sung hoặc sửa đổi trong vòng 2 ngày.

Người lái xe bắt buộc phải xuất trình bản gốc các giấy tờ để đối chiếu và xác thực. Không nên nhờ người khác nộp giùm hồ sơ vì cơ quan sẽ yêu cầu chụp ảnh trực tiếp để có cơ sở dữ liệu giúp cấp giấy phép mới. Người lái cần mang theo bằng lái xe cũ nếu không bị mất và nộp cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu để lấy thông tin cần thiết hoặc lưu hồ sơ theo quy định.

Khi nhận kết quả, lái xe đến cơ quan đúng ngày hẹn và chuẩn bị CMND/CCCD (đối với công dân Việt Nam) và hộ chiếu còn thời hạn (đối với người nước ngoài), giấy hẹn để nhận bằng lái mới.

Đối với việc cần bằng lái xe ô tô trong khi chờ cấp đổi mới, người lái vẫn được quyền giữ lại và sử dụng để lưu thông. Tuy nhiên, người tham gia giao thông bắt buộc phải nộp lại bằng lái ô tô cũ lúc đến nhận bằng lái mới tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp lái xe xin cấp lại giấy phép lái xe cần làm các thủ tục theo quy định. Ảnh minh họa: TL

Các bước thực hiện đổi, cấp lại bằng lái xe

Bước 1: Nộp hồ sơ xin đổi, cấp lại giấy phép lái xe ô tô theo hai phương thức

Nộp trực tiếp với thành phần hồ sơ theo quy định.

Nộp online thông qua dichvucong.gplx.gov.vn.

Trường hợp nộp hồ sơ xin đổi, cấp lại bằng lái xe tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở GTVT nơi cấp giấy phép lái xe hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh.

- Khi đến nộp hồ sơ, người nộp xuất trình CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Nếu hồ sơ hợp lệ thì nhận được giấy hẹn trả kết quả.

- Thời gian nhận hồ sơ vào các ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu và sáng thứ Bảy), ngày lễ, Tết nghỉ.

Bước 2: Tùy thuộc vào thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe, Sở GTVT nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành xác minh và cấp lại giấy phép lái xe

Đối với thủ tục đổi trực tiếp:

+ Giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, được xét cấp lại, không phải thi sát hạch. Thời hạn cấp lại bằng lái: sau thời gian 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí (nếu không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch).

+ Giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, phải dự sát hạch lại, cụ thể:

- Quá hạn từ 03 tháng đến dưới 01 năm, dự sát hạch lại lý thuyết;

- Quá hạn từ 01 năm trở lên, sát hạch lại lý thuyết và thực hành.

Đối với thực hiện thủ tục trực tuyến:

Người đổi giấy phép lái xe ô tô thực hiện việc theo hướng dẫn từ cơ quan giải quyết.

+ Đối với người cấp đổi giấy phép lái xe từ bằng giấy sang PET thì chụp ảnh và thực hiện các công việc được hướng dẫn.

+ Đối với người cấp lại giấy phép lái xe hết hạn thì tùy thuộc vào việc nộp hồ sơ trực tiếp hay online việc hướng dẫn sẽ được ghi chi tiết trong giấy hẹn hoặc thông báo gửi qua điện thoại, email.

Bước 3: Đóng lệ phí cấp đổi giấy phép lái xe.

Bước 4: Nhận giấy phép lái xe và hồ sơ gốc

Theo thời hạn trên giấy hẹn, người dân đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở GTVT hoặc Trung tâm dịch vụ hành chính công để nhận giấy phép lái xe mới và hồ sơ gốc hoặc đăng ký dịch vụ chuyển phát để nhận giấy phép lái xe ngay tại nhà.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/sap-toi-1-7-bai-bo-giay-phep-lai-xe-b2-tai-xe-co-phai-thay-doi-bang-172240422163633926.htm