Sáp nhập phường, cần tránh gây phiền phức cho người dân

Theo kế hoạch, việc sáp nhập 80 phường của TPHCM dự kiến hoàn thành vào quí 3 tới. Ngay từ bây giờ cần tính đến việc xây dựng hệ thống tra cứu, xác nhận thông tin cũ/mới hoạt động lâu dài và có giá trị pháp lý để tránh việc người dân bị phiền phức khi phải chứng minh sự thay đổi trên rất nhiều loại giấy tờ.

Thành ủy TPHCM vừa ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU về việc hoàn thành việc sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận để lập ra 38 phường mới trong quí 3-2024. Trong chỉ thị, Thành ủy TPHCM lưu ý, không vì thực hiện sắp xếp mà gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân(1).

Đây là một lưu ý quan trọng vì đợt sắp xếp đơn vị hành chánh với quy mô rất lớn này kéo theo hàng loạt thay đổi liên quan đến rất nhiều loại giấy tờ của người dân và doanh nghiệp. Chỉ riêng về quy mô dân số, có đến khoảng 1,6 triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng(2). Ngoài ra còn có đến hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực 80 phường được sáp nhập này.

Việc sắp xếp lại phường trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến thay đổi địa chỉ nhà ở, trụ sở doanh nghiệp trên các loại giấy tờ. Thay đổi địa chỉ sẽ kéo theo việc nhiều loại giấy tờ cần phải làm lại để cập nhật địa chỉ mới. Ngoài ra, các loại giấy tờ liên quan đến mua bán, sang nhượng, thừa kế, giao dịch tài sản nhà cửa, tài sản, xe cộ… khi giao dịch cũng có thể sẽ phát sinh vấn đề liên quan đến địa chỉ mới.

Việc cập nhật thông tin này là tất yếu nhưng với đợt sắp xếp sáp nhập phường quy mô lớn này, chính quyền thành phố cần có phương án giúp người dân thuận tiện trong thủ tục, đỡ phiền hà khi thực hiện.

Trong điều kiện công nghệ hiện nay, cần tính đến việc xây dựng một cổng thông tin tra cứu và xác nhận thông tin địa chỉ cũ – địa chỉ mới có giá trị pháp lý. Khi cần giao dịch người dân chỉ cần yêu cầu cơ quan chức năng hay doanh nghiệp tra cứu thông tin trên cổng thông tin này để xác nhận, đối chiếu thông tin trên giấy tờ có địa chỉ cũ với địa chỉ mới.

Với hệ thống này, chính quyền thành phố cần kèm theo quy định nguyên tắc “người dân không phải chứng minh việc thay đổi địa chỉ”. Điều này đồng nghĩa với việc tra cứu thông tin địa chỉ cũ – địa chỉ mới là nhiệm vụ của đơn vị tiếp nhận hồ sơ.

Đây là bài học rút ra sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy hồi đầu năm 2023 cùng với việc sử dụng Căn cước công dân gắn chip.

Dù theo Luật Cư trú, người dân chỉ cần có Căn cước công dân gắn chip là có thể thực hiện mọi giao dịch. Thế nhưng nhiều tháng sau, vẫn còn không ít cơ quan công quyền và cả doanh nghiệp vẫn bắt buộc người dân phải chứng minh địa chỉ cư trú bằng cách yêu cầu phải có giấy xác nhận cư trú do công an cấp. Có nơi thậm chí còn đòi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy dù theo Luật Cư trú các loại giấy tờ này không còn giá trị pháp lý.

Hồi quí 1-2023 UBND TPHCM cũng đã từng ra văn bản khẩn chỉ đạo bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính các cấp bắt buộc phải sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú theo đúng quy định. Tuyệt đối không được yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận cư trú, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú(3). Nhờ sự quyết liệt này của cấp thành phố, tình trạng làm phiền, bắt buộc người dân chứng minh nơi cư trú mới chấm dứt.

Mong là với đợt sáp nhập phường này, người dân và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thuận tiện nhất bằng công nghệ, tránh được những phiền phức không đáng có về thủ tục.

——————–

Mục Nhĩ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sap-nhap-phuong-can-tranh-gay-phien-phuc-cho-nguoi-dan/