Sao chống được cuộc gọi 'rác' khi nhà mạng chưa quyết tâm?

Chỉ trong một đợt kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 600.000 cuộc gọi quảng cáo đến gần 200.000 khách thuê bao thuộc danh sách khách hàng 'không nhận quảng cáo'. Một khi nhà mạng vẫn 'chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo' như kết luận kiểm tra thì khó hy vọng chấm dứt sớm cuộc gọi 'rác' như kỳ vọng.

Trong hơn một năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp như chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, áp dụng cuộc gọi hiển thị tên (cuộc gọi định danh – voice brandname), mở tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh cuộc gọi “rác”, cắt quyền đăng ký SIM số của đại lý… nhưng những cuộc gọi lừa đảo, quảng cáo vẫn chưa giảm nhiều.

Tuần vừa rồi, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa ban hành bốn kết luận kiểm tra về việc chấp hành quy định chống cuộc gọi “rác” dịch vụ điện thoại cố định tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) và Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom).

Kết quả cho thấy, cả bốn doanh nghiệp này có áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xác định thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi “rác”, vận hành hệ thống kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi “rác” nhưng vẫn “chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo”.

Trong thời gian kiểm tra, tại Viettel có 1.165 cuộc gọi sử dụng tên định danh gọi đến 921 khách thuê bao đã đăng ký không nhận quảng cáo. Tương tự, CMC Telecom đã để 63.390 cuộc gọi quảng cáo đến 41.917 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Trong khi đó, FPT Telecom đã để xảy ra đến 526.159 cuộc gọi quảng cáo đến 137.125 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo.

Do các vi phạm này, Viettel, CMC Telecom và FPT Telecom cùng bị đề nghị xử phạt hành chính mỗi đơn vị 140 triệu đồng.

Tập đoàn VNPT cũng để 1.239 cuộc gọi “rác”, quảng cáo đến 626 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Tuy nhiên VNPT không bị phạt vì theo giải trình, VNPT không thể ngăn chặn các cuộc gọi từ điện thoại cố định đến danh sách không nhận quảng cáo do hạn chế về mặt công nghệ điện thoại cố định có dây(1).

Con số hơn nửa triệu cuộc gọi “rác” làm phiền hàng trăm ngàn người dùng điện thoại chỉ trong một thời gian ngắn của cuộc kiểm tra cho thấy, tình trạng cuộc gọi “rác” vẫn tràn lan và chuyển từ cách dùng số điện thoại di động sang số điện thoại cố định để gọi. Thậm chí, việc quy định cấp quyền sử dụng cuộc gọi định danh vốn rất chặt chẽ nhưng vẫn có nhà mạng cấp luôn cho các đơn vị dùng để thực hiện cuộc gọi quảng cáo gây nhầm lẫn cho người nhận cuộc gọi.

Trong số bốn nhà mạng được kiểm tra thì có ba nhà mạng trang bị đầy đủ hệ thống kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi “rác” nhưng vẫn để tình trạng cuộc gọi quảng cáo diễn ra. Có nhà mạng chưa đầu tư đầy đủ hệ thống ngăn chặn với lý do hạn chế về mặt kỹ thuật.

Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay hơn nữa với các nhà mạng như quy định lộ trình phải chuyển đổi công nghệ đáp ứng quy định ngăn chặn cuộc gọi “rác”, không thể lấy lý do hạn chế công nghệ mà để cuộc gọi “rác” xảy ra. Ngoài ra, cần bổ sung quy định mức phạt tăng theo số cuộc gọi “rác” bị phát hiện, không nên đánh đồng mức phạt bằng nhau giữa vài ngàn với vài trăm ngàn cuộc gọi “rác”.

Các biện pháp chống cuộc gọi “rác” nhắm vào thuê bao điện thoại, tức bên sử dụng dịch vụ chỉ có thể hiệu quả khi siết chặt quản lý, tăng mức xử phạt đối với bên cung cấp dịch vụ, tức nhà mạng mới hy vọng giảm được tình trạng hoành hành của cuộc gọi “rác”.

Mục Nhĩ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sao-chong-duoc-cuoc-goi-rac-khi-nha-mang-chua-quyet-tam/