Sáng tạo, say nghề

Dù đã hẹn trước nhưng khi chúng tôi đến Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao (Binh chủng Thông tin liên lạc), Thiếu tá Nguyễn Thị Hường, nghiên cứu viên Ban Nghiên cứu An toàn mạng viễn thông (Phòng Nghiên cứu Phát triển phần mềm) vẫn đang tập trung tính toán các phần tử với những con số, tín hiệu nhấp nháy trên màn hình.

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự loại giỏi, về công tác tại Trung tâm từ năm 2012 đến nay, Thiếu tá Nguyễn Thị Hường đã có 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở, đoạt giải nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp binh chủng năm 2022 và hàng chục công trình nghiên cứu, đề tài khoa học đã được nghiệm thu.

Cũng giống như Thiếu tá Nguyễn Thị Hường, Thiếu tá Trương Thị Cẩm Vân, nghiên cứu viên Ban Nghiên cứu Phát triển phần mềm (Phòng Nghiên cứu Phát triển phần mềm) tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành công nghệ thông tin ở Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ra trường, chị được phân công về Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn 205 của Binh chủng công tác 3 năm rồi mới về Trung tâm. Ngay những năm đầu công tác, Trương Thị Cẩm Vân đã giành giải ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân với đề tài “Học mật ngữ M-82 dành cho ngành báo vụ”.

Cẩm Vân kể, chính thời gian được đi thực tế nhiều, làm công việc kỹ thuật đã cho chị những trải nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở Trung tâm sau này. Theo Cẩm Vân, mỗi năm, các chị phải đảm nhiệm từ 2 đến 3 dự án, để hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu với nữ giới sẽ tương đối vất vả, bởi hầu như phải tranh thủ cả giờ nghỉ, ngày nghỉ. Công việc tính theo tiến độ, nếu không tranh thủ thời gian, phân bổ hợp lý giữa công việc gia đình và công việc chuyên môn thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hường (giữa) trao đổi công việc với đồng đội.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hường (giữa) trao đổi công việc với đồng đội.

“Là lực lượng nghiên cứu chính, chiếm một nửa quân số của phòng, chúng tôi luôn tự hào vì có một đội ngũ nữ cán bộ trẻ đầy năng lực, luôn chủ động, trách nhiệm và quyết liệt trong mỗi nhiệm vụ”, Trung tá Vũ Hữu Thắng, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển phần mềm cho biết.

Chia sẻ với chúng tôi, cả Nguyễn Thị Hường và Trương Thị Cẩm Vân đều nhắc đến ưu thế của công việc các chị đang làm, đó là tạo ra những sản phẩm tốt hơn, hướng đến phục vụ nhu cầu của người dùng. Chính tính ứng dụng thực tế ấy đã giúp các chị càng say mê với công việc và nỗ lực vượt qua khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện.

“Làm việc ở Trung tâm chính là làm việc theo đội, nhóm, mỗi thành viên được giao phụ trách một đầu việc, chỉ huy nắm tiến độ qua người chủ trì công trình (đề tài nghiên cứu) và danh sách đầu việc của mỗi người để đánh giá. Nếu khâu nào có vướng mắc, nhóm sẽ cùng ngồi lại để tìm cách tháo gỡ, còn không được sẽ nhờ đến chỉ huy phòng, ban và các chuyên gia”, Cẩm Vân cho biết. Cũng có những việc đòi hỏi gấp rút về thời gian, nếu không quyết liệt thì khó có thể hoàn thành. Ví như tháng 9-2022, 5 nữ nghiên cứu viên trong phòng được giao tham gia thực hiện xử lý phần mềm điều hành kỹ thuật của Cục Kỹ thuật Binh chủng Thông tin liên lạc. Yêu cầu đặt ra cho nhóm trong một tháng phải hoàn thành. Để bảo đảm tiến độ, mỗi người đều chủ động trong phần việc của mình, làm cả ngày lẫn đêm, thậm chí gác cả việc riêng. Kết quả, đúng một tháng, dự án đã hoàn thành.

Tự hào về đội ngũ nữ nghiên cứu viên của Trung tâm, Đại tá Trần Văn Dũng, Chính trị viên Trung tâm phấn khởi cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm có 22 đề tài, sáng kiến đoạt giải Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo các cấp thì có đến 16 lượt là giải thưởng của các nữ nghiên cứu viên. Với lực lượng nữ chiếm 25% quân số, lại giữ những vị trí cốt yếu nên chị em luôn được ưu tiên để phát huy hết khả năng trong công việc”.

Bài và ảnh: PHẠM THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-tao-say-nghe-721044