Sáng tạo để chinh phục khó khăn

Hưởng ứng chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Vĩnh Phúc đã phát huy năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo và cho ra đời nhiều sáng kiến có tính ứng dụng, giá trị làm lợi cao. Chương trình đã trở thành phong trào thi đua có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ, cùng với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Anh Hoàng Quốc Phong, Công ty TNHH Vitto-VP với sáng kiến cải tiến dây chuyền lắp búa đập kiểm tra chất lượng gạch. Ảnh: Dương Hà

Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” diễn ra trong 2 đợt (đợt 1 từ ngày 10/3 - 20/4/2021, đợt 2 từ ngày 21/4 - 31/5/2021). Đây cũng là thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, các cấp công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ đang phải nỗ lực hoàn thành "mục tiêu kép" vừa tập trung thời gian, nguồn lực để tham gia phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa nỗ lực lao động để ổn định, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng các cấp công đoàn đã nhanh chóng bắt nhịp và triển khai chương trình rộng khắp đến từng công đoàn cơ sở. LĐLĐ tỉnh đã phát động chương trình thi đua tại 9 LĐLĐ các huyện, thành phố, 3 công đoàn ngành, công đoàn các khu công nghiệp và 2 công đoàn cơ sở trực thuộc.

Mục đích của chương trình được xác định đúng và trúng, gắn với nhiệm vụ chuyên môn trong bối cảnh các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động.

Do vậy, ngay từ đầu, với chủ đề “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, chương trình đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự tham gia nhiệt tình của đoàn viên, người lao động; sự vào cuộc tích cực của cán bộ công đoàn các cấp.

Qua 70 ngày cao điểm của chương trình, toàn tỉnh có 786 sáng kiến tham gia được cập nhật trên phần mềm trực tuyến của Tổng LĐLĐ. Các sáng kiến tham gia chương trình có mặt trong mọi lĩnh vực, ngành nghề với nội dung đa dạng. Có những sáng kiến tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất có giá trị làm lợi cao cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, cải thiện đời sống và môi trường làm việc; bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho cộng đồng; cải cách hành chính, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý, điều hành; nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; các sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục, sáng tạo công cụ, dụng cụ học tập, xây dựng phương pháp dạy và học tiên tiến...

Các sáng kiến tham gia chương trình vừa có kết quả làm lợi, mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho các doanh nghiệp, vừa có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng. Theo ước tính của LĐLĐ tỉnh, các sáng kiến tham gia chương trình đã làm lợi ước đạt hàng trăm tỷ đồng.

Một số đơn vị có nhiều sáng kiến có chất lượng được áp dụng ngay tại đơn vị như Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh; Công đoàn Prime Group; LĐLĐ các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Dương …

Tích cực tham gia, hưởng ứng chương trình, Vĩnh Phúc đã có 3 sáng kiến đạt hiệu quả thiết thực khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen.

Đó là anh Nguyễn Văn Mạnh, đoàn viên công đoàn, Trưởng bộ phận Công ty TNHH EXEDY Việt Nam với sáng kiến “Bán tự động tổ hợp các công đoạn ván mép, phun cát bề mặt trên dây chuyền CL Shosub”. Sáng kiến đã giúp giảm 3 nhân công sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất từ 57,7 sản phẩm/người/giờ lên 77,1 sản phẩm/người/giờ, làm lợi cho công ty 4,3 tỷ đồng/năm.

Anh Đàm Duy, đoàn viên công đoàn Công ty TNHH May mặc Việt Thiên với sáng kiến “Tiết kiệm điện trong việc sử dụng máy nén khí” đã tiết kiệm cho công ty hơn 30 số điện/ngày, góp phần bảo vệ môi trường, làm lợi cho doanh nghiệp 1,9 tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lợi Tín Lập Thạch với sáng kiến “Chuyển đổi quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu suất lao động và giảm thiểu số nhân viên” đã giúp tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm nhân công, tăng năng suất gấp 5 lần so với làm thủ công, làm lợi 1,7 tỷ đồng/năm cho công ty.

Ngoài ra, còn rất nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp… phản ánh được những nỗ lực, trình độ, năng lực, tâm huyết và sức sáng tạo của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ trong lao động, sản xuất, công tác nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” đã phát huy và tận dụng được những sáng tạo trong lao động sản xuất của CNVCLĐ. Với những bài học kinh nghiệm rút ra từ chương trình này, thời gian tới, công đoàn các cấp tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong khơi dậy năng lực sáng tạo của CNVCLĐ, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”… và chương trình “1 triệu sáng kiến -nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ phát động vào cuối năm 2021. Từ đó, góp phần tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Thùy Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72652/sang-tao-de-chinh-phuc-kho-khan.html