Sáng kiến vì người bệnh

Vừa qua, sáng kiến 'Giải pháp an toàn cho thủ thuật gắp dị vật sắc nhọn đường tiêu hóa qua nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh' của bác sỹ Phạm Đình Thư, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh cùng các cộng sự đã đoạt giải Khuyến khích trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ VIII. Đây là lần đầu tiên bác sỹ của bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh tham gia và đoạt giải trong cuộc thi này.

Bộ phận nội soi tiêu hóa của Khoa Thăm dò chức năng được thành lập năm 2019 với chuyên môn ban đầu là tập trung vào nội soi chẩn đoán đường tiêu hóa trên. Đến nay, Khoa Thăm dò chức năng đã đảm nhiệm được phần lớn kỹ thuật nội soi, nội soi can thiệp đường tiêu hóa trên và dưới. Trung bình mỗi năm, khoa thực hiện gần 9.000 ca nội soi, trong đó bác sỹ Phạm Đình Thư và các cộng sự xử trí gần 100 trường hợp hóc dị vật sắc, nhọn đường tiêu hóa.

Qua trò chuyện với bác sỹ Thư, chúng tôi được biết, thời gian đầu, việc nội soi can thiệp gặp rất nhiều khó khăn. Các dị vật sắc, nhọn, kích thước to trên đường đưa ra ngoài thường làm tổn thương thứ phát niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn tới phải can thiệp cấp cứu nếu tình trạng tổn thương nặng, bệnh nhân cần điều trị thêm nhiều ngày.

Bác sỹ Thư cho biết: Trước đây, khi thực hiện nội soi gắp dị vật, chúng tôi thường sử dụng loại dụng cụ Overtube để phủ dị vật và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Tuy nhiên, do khẩu kính giới hạn, Overtube không ôm trọn được những dị vật có kích thước lớn nên nhiều trường hợp niêm mạc đường tiêu hóa vẫn bị tổn thương thứ phát. Giá của Overtube từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng, nên tốn kém đối với bệnh nhân. Những trăn trở trong quá trình làm việc đã thôi thúc tôi tìm tòi, thử nghiệm, tìm kiếm giải pháp tối ưu.

Ban đầu, bác sỹ Phạm Đình Thư và các cộng sự đã cắt phần ngón tay của găng tay y tế lồng vào đầu kìm gắp dị vật để trùm, phủ dị vật. Tuy nhiên, chất liệu của găng tay mềm, mỏng và không cố định được hình dạng để phủ lên dị vật nên rất khó thao tác trong quá trình nội soi. Sau nhiều lần thử nghiệm bằng nhiều cách khác, bác sỹ Thư đã tìm ra giải pháp dùng núm vú giả ở bình sữa của trẻ đem cắt diện che phủ phù hợp với dị vật và gắn vào đầu dây nội soi, sau đó thực hiện kỹ thuật theo quy trình. Núm vú giả bằng cao su mềm mại và có thể che phủ đường đi của dị vật ra khỏi cơ thể, giá rẻ (chỉ 15.000 đồng), tiết kiệm chi phí cho người bệnh và được bán nhiều tại các siêu thị. Đặc biệt, giải pháp này an toàn cho bệnh nhân trong và sau thực hiện thủ thuật, không gây tổn thương thêm niêm mạc đường tiêu hóa của bệnh nhân hoặc để lại biến chứng.

Giải pháp sử dụng núm vú giả trong thực hiện nội soi tiêu hóa gắp dị vật được bác sỹ Phạm Đình Thư thực hiện lần đầu vào tháng 9/2021. Kể từ đó, bác sỹ Thư và các cộng sự đã áp dụng thực hiện thành công 17 ca nội soi gắp dị vật sắc, nhọn đường tiêu hóa, trong đó có những ca hy hữu như dị vật là dao lam. Bệnh nhân đã nuốt mảnh lưỡi lam mới, rất sắc. Đây là ca nội soi phức tạp, cần sự tỉ mỉ, độ chính xác cao, bởi lưỡi dao lam có thể gây rách thực quản, dẫn đến bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu xuống dạ dày, dao lam có thể cọ xát và gây tổn thương chảy máu hoặc thủng dạ dày. Nhờ giải pháp sử dụng núm vú giả, bác sỹ đã dùng bọc dao lam lại và đẩy xuống dạ dày để có khoảng trống, sau đó xoay chiều lưỡi lam thuận lợi nhất để đưa ra ngoài. Cuộc nội soi lấy dị vật diễn ra an toàn, nhanh chóng.

Có thể kể đến nhiều ca nội soi tiêu hóa gắp những dị vật phức tạp mà bác sỹ Thư cùng cộng sự đã thực hiện như đinh, mảnh thủy tinh, vỉ thuốc cắt nhỏ, xương động vật, đồng xu... Tinh thần học hỏi, lao động sáng tạo của bác sỹ Phạm Đình Thư đã và đang “truyền lửa” cho đội ngũ cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh để họ đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, có thêm những sáng kiến hữu ích, ứng dụng hiệu quả vào công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/sang-kien-vi-nguoi-benh-post376987.html