Sándor Radó - điệp viên Liên Xô thành công nhất trong Thế chiến II

Điệp viên Liên Xô Sándor Radó gốc Hungary là một đảng viên cộng sản trung kiên. Ông hoạt động ở Thụy Sĩ, nhưng nhận thông tin từ ban lãnh đạo chóp bu của quân đội Đức. Năm 1943, mạng lưới tình báo 'Dora' của ông bị bại lộ. Không muốn trở lại Moscow vì sợ bị đàn áp, Sándor Radó chạy sang Paris. Nhưng các cơ quan an ninh Liên Xô không quên ông. Sau Chiến thắng phát xít, Sándor Radó bị buộc sang Liên Xô và lãnh án 20 năm tù.

Điệp viên mang mật danh “Dora”

Sinh ngày 5/11/1899 tại Budapest, trong một gia đình khá giả, Sándor Radó được tiếp thu một nền học vấn xuất sắc. Năm 1917, ông gia nhập quân đội và tốt nghiệp Trường sĩ quan pháo binh. Nhưng Sándor Radó không kịp ra trận. Thế chiến thứ I kết thúc, khắp châu Âu sôi sục phong trào cách mạng. Mùa thu năm 1918, đế quốc Áo - Hung sụp đổ. Trên đống đổ nát của đế chế, xuất hiện hơn một chục quốc gia độc lập. Đúng lúc đó, những người cộng sản lên cầm quyền ở Hungary.

Các điệp viên Liên Xô có công lớn trong “Trận Vòng cung Kursk” .

Năm 1918, đang học tại Đại học Budapest, Sándor Radó gia nhập Đảng Cộng sản Hungary. Tháng 3/1919, khi cơ sở của Đảng Cộng sản Hungary do Béla Kohn lãnh đạo từ Moscow chuyển về Hungary, cùng với những người Cộng sản, Sándor Radó tích cực tham gia giành chính quyền và thành lập Hồng quân Hungary.

Ngày 6/8/1919, sau 133 ngày tồn tại, Cộng hòa Xôviết Hungary sụp đổ. Như phần lớn các đảng viên cộng sản chủ chốt, Sándor Radó chạy sang Áo để trốn "khủng bố trắng". Tại đây, ông vào học khoa Địa lý và bản đồ học của Đại học Vienna. Tuy nhiên, ông không từ bỏ con đường chính trị. Năm 1921, lần đầu tiên ông đến Moscow với tư cách đại biểu dự Đại hội III Quốc tế Cộng sản.

Ít lâu sau, do tình hình ở Vienna khá căng thẳng, Sándor Radó sang Đức và vào học Đại học Jena nổi tiếng cho đến năm 1924. Ông tham gia tích cực hoạt động của Đảng Cộng sản Đức, kể cả việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang vào tháng 10/1923. Cuộc khởi nghĩa đó đã bị chính phủ Đức ngăn chặn. Chỉ ở Hamburg, những người cộng sản mới chiếm được một số đồn cảnh sát, dựng chiến lũy trong các khu công nhân, nhưng... 3 ngày sau, cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt.

Sau khởi nghĩa Hamburg, những người cộng sản Đức bắt đầu bị đàn áp. Nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Đức và Quốc tế Cộng sản buộc phải khẩn trương rời khỏi Đức. Là thành viên cốt cán của Quốc tế Cộng sản, Sándor Radó đến Liên Xô. Ở đấy, ông vào làm việc tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1925, Sándor Radó trở lại Đức. Năm 1933, ông sang Pháp, và năm 1935, chuyển đến Thụy Sĩ.

Sándor Radó.

Tuyển mộ điệp viên Rudolph Roessler

Không lâu trước khi chuyển đến Thụy Sĩ, Sándor Radó gặp Semyon Uritsky, Cục trưởng Cục Tình báo của Hồng quân Liên Xô. Semyon Uritsky phụ trách Cục Tình báo vào tháng 4/1935, thay cho người tiền nhiệm nổi tiếng Yan Berzin. Theo một giả thuyết, Sándor Radó tình nguyện phục vụ cơ quan tình báo quân sự Liên Xô. Tuy nhiên, rất có thể, ông nhận lời mời của Semyon Uritsky. Vào thời điểm đó, Sándor Radó phụ trách Hãng thông tấn “Intel” và Hiệp hội bản đồ “Geopress” có trụ sở đóng tại Geneva.

Chính Sándor Radó đã đặt tên cho mạng lưới tình báo của mình là "Dora". Ban đầu, “Dora” tập trung thu thập thông tin ở Ý, Pháp và Áo. Khi chiến tranh bùng nổ ở Tây Ban Nha, “Dora” thu thập thông tin về việc điều động các đơn vị quân đội Ý và Đức sang yểm trợ cho tướng Franco.

Ngày 1/9/1939, sau khi quân Đức tiến vào Ba Lan, “Dora” chủ yếu khai thác thông tin ở Đức. Từ giữa năm 1940, nhóm “Dora” bắt đầu chuyển cho Trung tâm các thông tin về kế hoạch chiến tranh của Đức Quốc xã ở phía Đông. Nhưng ban lãnh đạo Liên Xô không muốn tin những thông tin này. Mặc dù vậy, "Dora" vẫn tiếp tục chuyển tới Moscow các thông tin về việc Đức Quốc xã tập trung các sư đoàn gần biên giới Liên Xô, và quân đội Ý và Romania được điều động đến biên giới phía đông. Ngày 17/6/1941, Sándor Radó thông báo chính xác ngày Đức Quốc xã tấn công Liên Xô. Nhưng Stalin không tin. Ông ta chỉ thay đổi ý kiến sau khi tất cả các báo cáo đều xác nhận Đức tấn công Liên Xô lúc 4 giờ sáng ngày 22/6.

Sau khi Đức tấn công Liên Xô, tình báo Đức hoạt động rất tích cực ở Thụy Sĩ. Mặc dù là quốc gia trung lập, nhưng các cơ quan tình báo Thụy Sĩ không hề ngăn cản hoạt động của tình báo Đức. Tuy nhiên, họ cũng thu thập thông tin về các kế hoạch của Đức Quốc xã và chuyển đến Vương quốc Anh. Một trong những người cung cấp thông tin chính của các cơ quan tình báo Thụy Sĩ ở Đức là Rudolph Roessler.

Không phải đảng viên cộng sản, nhưng Rudolph Roessler căm ghét chủ nghĩa phát xít. Ông sinh năm 1897 tại Bayern, từng tham gia Thế chiến I, sau đó trở thành nhà báo và nhà phê bình văn học. Sau khi Hitler lên cầm quyền, ông buộc phải rời nước Đức, đến định cư tại Lucerne (Thụy Sĩ), và thành lập một nhà xuất bản nhỏ có tên "Vita-Nova". Ít lâu sau, ông bắt đầu hợp tác với các cơ quan tình báo Thụy Sĩ. Ở Đức, Rudolph Roessler có rất nhiều người quen biết, kể cả trong Bộ Chỉ huy tối cao quân lực Đức.

Bằng cách nào Sándor Radó tuyển mộ được Rudolph Roessler đến nay vẫn là một bí ẩn. Rudolph Roessler là điệp viên có giá trị đến mức các cơ quan tình báo Thụy Sĩ phải bảo vệ ông ta suốt ngày đêm. Sándor Radó không những lôi kéo được Rudolph Roessler về phía mình mà còn bí mật làm điều đó trước con mắt của đội bảo vệ. Sau này, Rudolph Roessler nói rằng từ cuối năm 1941, chính ông đã tìm cách liên lạc với tình báo Liên Xô. Theo Roessler, lúc bấy giờ, ông đã hiểu rằng số phận của Thế chiến II sẽ được quyết định chính xác ở mặt trận phía Đông, và ông rất không thích khi những thông tin ông cung cấp về các kế hoạch của Đức trong cuộc chiến tranh với Liên Xô đã không tới được người Nga. Nước Anh hình như không muốn chia sẻ những thông tin này với Liên Xô.

Nhưng nguyên nhân chính khiến Rudolph Roessler từ chối hợp tác với tình báo Anh là thông tin ông nhận được đầu năm 1942 về việc các nước đồng minh bí mật đàm phán với Hitler ký kết một hiệp ước hòa bình riêng. Rất có thể, chính vì vậy mà với mật danh “Luci”, Rudolph Roessler bắt đầu hoạt động tích cực cho tình báo Liên Xô.

Rudolph Roessler.

Các kế hoạch của Đức trước tiên xuất hiện ở Moscow

Những thông tin đầu tiên của Rudolph Roessler được chuyển qua mạng lưới “Dora”, đã gây tiếng vang lớn ở Moscow. Chúng chính xác đến mức trong các bức điện mật của Trung tâm gửi sang Thụy Sĩ, Tổng cục Tình báo Liên Xô dễ dàng đặt ra những nhiệm vụ thu thập thông tin rất cụ thể. Sándor Radó và các cộng sự của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Dora” là một trong số ít mạng lưới tình báo ở châu Âu tiếp tục hoạt động thành công và cung cấp thông tin đáng tin cậy cho Moscow. Lúc bấy giờ, một nhóm tình báo được thành lập ở Đức để lùng bắt nhóm tình báo “Bộ ba đỏ” hoạt động ở Thụy Sĩ. Sở dĩ nhóm này được gọi là "Bộ ba" vì tình báo Đức phát hiện ra ba máy phát vô tuyến chuyên gửi các bức điện mật đến Moscow, được mã hóa cùng một mật mã. Hai máy ở Geneva và một ở Lausanne.

Mặc dù biết đang bị săn lùng, các nhân viên tình báo Liên Xô vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 1942, nhờ thông tin của nhóm “Dora”, bộ chỉ huy Liên Xô đã bố trí lại các đơn vị quân đội ở khu vực Stalingrad, và phát xít Đức không thể đột nhập vào sông Volga. Hơn nữa, nhờ việc bố trí lại đó, Liên Xô đã dụ được một tập đoàn quân lớn của Đức vào "Lòng chảo Stalingrad", bao vây chúng và buộc chúng phải đầu hàng.

Sau đó, quân Đức bắt đầu mở chiến dịch "Thành cổ". Các nhà sử học quân sự Liên Xô gọi chiến dịch này là “Trận Vòng cung Kursk”. Trận chiến này đã xoay chuyển cục diện của Thế chiến II. Và, như chúng tôi đã nhiều lần nhận xét, các nhân viên tình báo Liên Xô đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng này của Hồng quân Liên Xô (mặc dù tổn thất rất lớn). Có người báo cáo về những loại xe tăng mới của Đức, có người báo cáo về máy bay hiện đại nhất, có người báo cáo về kế hoạch đánh nghi binh của quân Đức. Riêng nhóm “Dora” đã lấy được kế hoạch chi tiết của chiến dịch này. Tại tòa án Nuremberg, đại tướng Alfred Jodl, cựu sĩ quan chỉ huy cao cấp của quân đội Đức Quốc xã (chính ông là người ký văn kiện đầu hàng của Đức vào ngày 7/5/1945) đã khẳng định hoàn toàn nghiêm túc rằng kế hoạch chi tiết của chiến dịch “Thành cổ” đã xuất hiện ở Moscow sớm hơn trên bàn làm việc của ông.

Nhưng thành công này cũng đặt dấu chấm hết của nhóm “Dora”. Bị phát hiện trong khi chuyển một khối lượng lớn thông tin bí mật cho Moscow, ít lâu sau, các nhân viên điện đài của nhóm “Dora” bị bắt. Ngay lập tức cơ quan tình báo Thụy Sĩ giao nộp họ cho Gestapo.

Sau thất bại của nhóm “Dora”, Sándor Radó chạy sang Pháp. Tại đây, ông bắt liên lạc với một tổ chức cộng sản nằm vùng, và được giấu tại một địa điểm bí mật. Sau khi quân Đồng minh giải phóng Paris, họ tìm cách đưa Radó sang Liên Xô, đất nước ông đã phục vụ trong Thế chiến II. Nhưng biết rõ số phận của Semyon Uritsky và Yan Berzin (cả hai đều bị bắn vào cuối những năm 30), Sandor thực sự không muốn trở lại Liên Xô.

Sándor Radó quyết định đến Ai Cập. Tại đây, ông liên lạc với Đại sứ quán Anh để xin cư trú chính trị, nhưng không thành. Tháng 8/1945, Sándor Radó bị buộc sang Moscow, nơi một thời gian dài, ông bị quy kết là phản bội, cuối cùng, bị buộc tội gây ra thất bại của nhóm “Dora”, và lãnh án 20 năm tù.

Sau khi Stalin qua đời, Sándor Radó được phục hồi danh dự, ông trở về Budapest, trở thành tiến sĩ khoa học và phụ trách Cục Bản đồ Hungary. Năm 1973, Tổng cục Tình báo Liên Xô đã trao tặng ông Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng I. Lúc bấy giờ, Sándor Radó đã 74 tuổi. Dù sao, thà muộn còn hơn không.

Trần Hậu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/sandor-rado-diep-vien-lien-xo-thanh-cong-nhat-trong-the-chien-ii-i697122/