Sản xuất sạch - Hướng đi tất yếu (Kỳ 1)

Sản xuất sạch giúp nông dân (ND) nâng cao chất lượng sản phẩm, còn người tiêu dùng có được sản phẩm sạch sử dụng. Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm sạch cần hội tụ nhiều điều kiện, trong đó, tư duy sản xuất đóng vai trò quan trọng.

Bài 1: Hiệu quả của công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các mô hình, cách làm sáng tạo trong nông nghiệp giúp ND thay đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là một trong những biện pháp hiệu quả, tích cực để xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Xác định được tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An ký kết hợp đồng tuyên truyền về ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất như sản xuất sạch, đưa cơ giới vào đồng ruộng; xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP; các giải pháp phòng, trừ sâu hại trên các loại cây trồng chủ lực; các mô hình hay, cách làm sáng tạo; các chính sách hỗ trợ ND ƯDCNC trong sản xuất;…

Báo Long An thường xuyên đăng tải các thông tin về nông nghiệp

Phó Tổng Biên tập Báo Long An - Châu Hồng Khá cho biết: “Báo Long An đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền trên lĩnh nông nghiệp. Hàng tuần, báo in đều có chuyên trang tuyên truyền, thường xuyên đăng tải các thông tin về nông nghiệp. Báo Long An điện tử mở chuyên mục về nông nghiệp, thu hút hàng ngàn lượt xem và chia sẻ. Thông qua công tác tuyên truyền giúp độc giả tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chính sách mới trong nông nghiệp”.

Các địa phương tích cực tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp ấp, khu phố, trên hệ thống đài truyền thanh các cấp hoặc tổ chức tập huấn. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ thông tin: “Thời gian qua, huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho ND. Cụ thể, năm 2023, Trung tâm phối hợp Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh mở 2 lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh và lúa.

Tại đây, học viên vừa học lý thuyết, vừa thực hành, sau đó áp dụng trên đồng ruộng. Nội dung lớp tập huấn gồm quy trình sinh trưởng, phát triển của cây; kỹ thuật chăm sóc; nhận biết dịch hại, thiên địch; cách sử dụng phân bón, thuốc theo phương châm “4 đúng”;…”.

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức phối hợp Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh mở 2 lớp tập huấn Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh và lúa

Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC tại các xã: Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), Bình Hòa Tây (huyện Mộc Hóa), Tân Đông (huyện Thạnh Hóa) và Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường) với diện tích 250ha. ND tham gia mô hình trong năm đầu tiên được hỗ trợ 50% lúa giống, phân bón hữu cơ, thuốc sinh học và dịch vụ máy bay phun thuốc; đến năm thứ 2, ND được hỗ trợ 30%; năm thứ 3, ND được hỗ trợ 20%.

Ông Trần Văn Long (ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Khi tham gia mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC, tôi được hướng dẫn ghi nhật ký đồng ruộng, hỗ trợ phân bón và số lần phun thuốc. Sau thời gian thực hiện, tôi biết được hiệu quả của việc ghi nhật ký đồng ruộng để bón phân, phun thuốc hợp lý, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như giảm lượng giống, phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ, tiến hành bơm nước ngập - khô xen kẽ,... Qua đó, giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản trên cùng diện tích canh tác”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin: “Hiện nay, nhu cầu về nông sản sạch trên địa bàn tỉnh rất lớn, tuy nhiên, diện tích nông sản được sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do giá đầu ra của các loại nông sản được sản xuất theo hướng sạch chưa có sự chênh lệch đối với nông sản được sản xuất theo kiểu truyền thống, trong khi chi phí đầu tư để sản xuất nông sản sạch lại cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, một số ND dù đã ký kết tiêu thụ nông sản sạch với các công ty, đơn vị tiêu thụ nhưng lại không bảo đảm được chất lượng nông sản, không sản xuất theo quy trình đã cam kết, làm phá vỡ hợp đồng đã ký, dẫn đến khó khăn đầu ra”.

Thay đổi nhận thức của nông dân

Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Tâm (xã Bình Tâm, TP.Tân An) thí điểm trồng gấc với diện tích 1.000m2. Sau thời gian thí điểm, nhận thấy đây là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch từ 10-15 năm, đầu ra và giá cả ổn định, HTX mở rộng diện tích canh tác. Đến nay, mô hình nhân rộng được 20ha gấc, trong đó, 4,5ha đạt chứng nhận VietGAP, số còn lại sản xuất theo hướng hữu cơ. Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Tâm - Dương Hoàng Tín cho biết: “Gấc là loại cây hoang dã, sức đề kháng rất tốt, ND không cần phải phun thuốc hóa học, chủ yếu sử dụng các loại men vi sinh và phân bón hữu cơ. Một lợi thế nữa, gấc được dùng đa dạng trong ngành thực phẩm, dược phẩm hay tá dược thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, trồng gấc không lo về đầu ra”.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Tâm (TP.Tân An) nhân rộng được 20ha trồng gấc, trong đó, 4,5ha đạt chứng nhận VietGAP, số còn lại sản xuất theo hướng hữu cơ

Với mong muốn đem đến sản phẩm sạch, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng nhưng giá cả phù hợp với nhiều đối tượng, anh Đỗ Quốc Huy hiện là Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Đông trùng hạ thảo HP Long An (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức), mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình sản xuất và kinh doanh nấm đông trùng hạ thảo. Ban đầu, anh cũng gặp khó khăn về đầu ra, kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị. Thế nhưng, bằng sự tâm huyết, các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo dần dần được khách hàng đón nhận. Anh Huy chia sẻ: “Tháng 7/2022, tôi cùng một số người bạn góp vốn mở Cty. Thời điểm đó, chúng tôi tìm kiếm khách hàng rất khó bởi trên thị trường có nhiều sản phẩm đông trùng hạ thảo bán với giá thấp, trong khi khách hàng lại không so sánh về chất lượng mà chủ yếu dựa trên giá bán. Sản phẩm của Cty sản xuất hoàn toàn hữu cơ nên chi phí đầu tư cao, giá bán cao. Chúng tôi phải giải thích cho từng khách hàng, thậm chí cho sử dụng thử để so sánh công dụng, hiệu quả. Nhờ sản phẩm chất lượng, đến nay, Cty tăng quy mô sản xuất lên gấp 3 lần so với lúc mới thành lập, với sản lượng khoảng 2 tấn/tháng. Lượng khách hàng cũ quay lại mua sản phẩm chiếm 20%”.

Đến nay, các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của Công ty Cổ phần Đông trùng hạ thảo HP Long An (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) được khách hàng đón nhận

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: Sự phát triển của các mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ trên địa bàn huyện dù số lượng chưa nhiều, quy mô chưa lớn nhưng đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của những ND tiên tiến, chủ động thích ứng với xu hướng của thời đại.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, hòa chung với sự phát triển của ngành Nông nghiệp cả nước, sự ra đời của những mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã chứng minh sự phát triển của nền nông nghiệp địa phương. Sự phát triển này là quy luật tất yếu để nông nghiệp địa phương bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường./.

(còn tiếp)

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/san-xuat-sach-huong-di-tat-yeu-ky-1--a162804.html