Sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng

Là huyện có nguồn đất đai phì nhiêu, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, huyện Mai Sơn đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết, tăng giá trị sản phẩm, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình trồng cà chua của nhân dân bản Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Với lợi thế về tài nguyên đất đai, địa hình, khí hậu, nhân dân xã Chiềng Ban tích cực đưa các giống cà phê Arabica vào canh tác, hình thành một vùng chuyên canh cà phê trên 1.250 ha. Xã thành lập các tổ, nhóm, HTX liên kết trong sản xuất, được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đoàn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho biết: Các hộ nông dân được các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện sản xuất cà phê theo quy trình VietGAP, đảm bảo vệ sinh môi trường; nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị cho người trồng cà phê. Hiện nay, 1 ha cà phê cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Mai Sơn có hơn 49.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng các loại cây, như: cà phê, na, xoài, bưởi, mía, sắn, dâu tây và các loại hoa màu khác. Phát triển các loại cây nông nghiệp theo từng vùng, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đang là hướng đi đúng của huyện Mai Sơn.

Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Với các xã có lợi thế về cây trồng, huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện tốt công tác quy hoạch trồng các loại cây có lợi thế; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật; xây dựng mã số vùng trồng, chuỗi liên kết trong sản xuất, hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh ATTP, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Riêng xã Cò Nòi có 2.114 ha cây ăn quả các loại, trong đó, gần 307 ha được cấp mã số vùng trồng, trên 49 ha cấp chứng nhận VietGAP, hơn 1.124 ha sử dụng công nghệ tưới ẩm. Sản lượng quả các loại ước đạt 24.500 tấn. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, xanh, sạch, an toàn và bền vững. Để nông dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xã vận động nhân dân thành lập 29 HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, chia sẻ.

Bản Lếch, xã Cò Nòi có gần 130 ha đất nông nghiệp, bà con nông dân ở đây tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập. Anh Nguyễn Đình Triển, bản Lếch, cho biết: Nhà tôi có 1,2 ha đất sản xuất, trong đó, hơn 7.000 m2 trồng na hoàng hậu, na dai, na thái. Phần đất còn lại được trồng các loại hoa màu chủ yếu trồng trái vụ... Doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng.

Đến nay, toàn huyện có 11.200 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 90.000 tấn quả/năm, trong đó có 4.201 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 1.800 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; 1.119 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Có 3 vùng sản xuất công nghệ cao, với tổng diện tích 1.373,7 ha (2 vùng cà phê với diện tích 1.039,5 ha, 1 vùng na diện tích 334,2 ha); gần 1.500 ha sử dụng công nghệ tưới ẩm. Tiêu thụ và xuất khẩu các loại hàng hóa từ cà phê, chè, tinh bột sắn, xoài, chanh leo... đạt 49,47 triệu USD/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 10,79%; có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 21 bản, tiểu khu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong bước đi tiếp theo, huyện Mai Sơn đang tiếp tục quy hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chăm sóc cây trồng, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/san-xuat-nong-nghiep-theo-loi-the-vung-kqGSPtYIg.html