Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm đang được các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huyện Yên Châu tập trung thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Nhân dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu chăm sóc mận hậu.

Khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu tại địa phương, HTX nông nghiệp Phương Nam, xã Lóng Phiêng chuyên trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi. Ngay khi mới thành lập năm 2016, HTX đã giúp các thành viên tiếp cận kỹ thuật mới vào sản xuất, áp dụng đúng quy trình sản xuất, tăng cường cải tạo, chiết ghép các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, hướng tới người tiêu dùng và các thị trường trong nước và xuất khẩu; đảm bảo việc làm, thu nhập các thành viên.

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, cho biết: HTX có 10 thành viên, trồng 100 ha nhãn, hơn 80 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. 2 năm qua, HTX cung ứng khoảng 15.000 tấn nhãn, xoài và xuất chuồng 500 tấn thịt lợn tới các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung, đem lại doanh thu 19-20 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập của thành viên đạt 800-900 triệu đồng/năm.

Ông Quàng Văn Oanh, thành viên HTX Phương Nam, chia sẻ: Gia đình trồng 5 ha xoài, nhãn, mận hậu, trước đây sản xuất chủ yếu tự nhiên và theo kinh nghiệm nên năng suất không cao. Từ khi là thành viên HTX Phương Nam, được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây theo tiêu chuẩn VietGAP, cây ăn quả cho năng suất, chất lượng cao, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Còn HTX nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, xã Phiêng Khoài có 20 thành viên, trồng 200 ha cây nhãn, mận hậu, HTX yêu cầu các thành viên tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và lắp đặt hệ thống tưới tự động để đất luôn có độ ẩm cung cấp cho cây. HTX còn hướng dẫn các thành viên áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây ra hoa, đậu quả trái vụ, kéo dài thời gian thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế.

Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc HTX, phấn khởi: Áp dụng kỹ thuật mận trái vụ, giúp giảm áp lực tiêu thụ chính vụ. Hiện nay, sản phẩm nhãn, mận của HTX đã có mặt tại các thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Đức, Anh. Riêng năm 2023, HTX thu hoạch trên 1.200 tấn mận, trên 300 tấn nhãn, đem lại doanh thu gần 100 tỷ đồng.

Huyện Yên Châu đang là một trong những huyện có diện tích và sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh với trên 11.300 ha, sản lượng trên 90.000 tấn quả/năm; trong đó, gần 1.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; được cấp 67 mã số vùng trồng, tổng diện tích 1.140 ha. Huyện đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tích cực hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm có thế mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Hiện nay, huyện xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng mận tại xã Phiêng Khoài; vùng nhãn tại xã Lóng Phiêng; vùng xoài tại xã Chiềng Hặc. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có trên 2.620 ha cây ăn quả chăm sóc theo hướng hữu cơ; 70% các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP...

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đang đem lại hiệu quả kinh tế, tạo sự chuyển biến tích cực của nhân dân trong sản xuất, tiến tới người dân tự giác nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-hang-hoa-fCxkZlcSR.html