Sản xuất nông - lâm - thủy sản phát triển ổn định, tiêu thụ thuận lợi

Theo UBND tỉnh, tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản quý I/2024 phát triển ổn định, nông sản tiêu thụ thuận lợi. Theo đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt hơn 16.100 tỷ đồng, tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 442 tỷ đồng, bằng 100,8% so với kế hoạch quý I và 31,5% so với kế hoạch năm 2024. Giá trị tăng thêm toàn ngành trong quý I ước đạt gần 7.200 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 0,98% so với mục tiêu kế hoạch quý I/2024.

Cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh

Với sự chủ động trong triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024, lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 2,01% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 216 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.253 vùng trồng, với 2.639 mã số xuất khẩu (xoài, nhãn, mít, thanh long, chanh, sầu riêng, ớt...), diện tích gần 112.000ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang: Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore, Malaysia và UAE.

Thời gian qua, ngành hàng lúa gạo tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, các giống lúa chất lượng cao được tăng cường sử dụng nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu. Đồng thời có thêm 21 mã số vùng trồng được cấp mới với tổng diện tích 4.025ha, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm 10ha, chứng nhận VietGAP 124ha. Diện tích lúa vụ đông xuân gieo trồng được gần 189.100ha, năng suất lúa bình quân đạt 7,3 tấn/ha, sản lượng đạt 1,38 triệu tấn. Tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa thuận lợi, giá bán cao hơn cùng kỳ từ 2.000 - 3.500 đồng/kg, các hộ nông dân phấn khởi với lợi nhuận tăng khoảng 15 triệu đồng/ha. Theo đó, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ước đạt hơn 6.800 tỷ đồng.

Tình hình sản xuất hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày ổn định, sản phẩm đa dạng, có tính cạnh tranh. Theo đó, có 85 vùng trồng rau màu được cấp mã số với tổng diện tích 2.069ha, chứng nhận VietGAP đạt 125ha. Giá bán một số hoa màu chủ lực thuận lợi, lợi nhuận trung bình từ 35 triệu - 341 triệu đồng/ha.

Ngành hàng hoa kiểng tiếp tục phát triển với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2024 và Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023. Giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng quý I đạt 1.264 tỷ đồng, tăng 4,05% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 49 tỷ đồng). Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ một số sản phẩm hoa kiểng Tết năm 2024 bị tồn đọng vào thời điểm cuối vụ do bị cạnh tranh với giống cúc mới đa sắc được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Một số diện tích canh tác có chất lượng hoa không đạt yêu cầu, nở trễ, phần nào ảnh hưởng đến giá trị của ngành hàng hoa kiểng.

Cây ăn trái của tỉnh có sự tăng trưởng tốt. Cấp mã số cho 602 vùng trồng cây ăn trái, với tổng diện tích gần 16.800ha; chứng nhận VietGAP là 783ha; chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 124ha. Giá bán một số loại cao hơn so với cùng kỳ, lợi nhuận canh tác các loại chanh, nhãn, mít... gia tăng, riêng lợi nhuận một số loại cây có múi và xoài giảm so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng đạt 44.390ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất ngành hàng trái cây quý I ước đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tiêu thụ thuận lợi, xuất bán đạt 13.078 tấn, tăng 4,99% so cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 624 tỷ đồng (tương ứng tăng 30 tỷ đồng), tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình tiêu thụ được bảo đảm, lợi nhuận chăn nuôi trâu và vịt tăng so với cùng kỳ nhờ giá bán tăng.

Tình hình nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì, diện tích thả nuôi trong quý I đạt 3.840ha, giảm 9,09% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt hơn 148.300 tấn, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất ngành hàng thủy sản ước đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 130 tỷ đồng. Trong đó, ngành hàng cá tra đóng góp 65%, giá trị tương đương 1.874 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh còn nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: mô hình giảm giá thành sản xuất lúa; mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn; dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, hệ thống nền tảng nông nghiệp số được triển khai với quy mô 95 hệ thống, trạm giám sát thông minh và 100 điểm đo nhiệt độ, độ ẩm tự động...

Y Du

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/san-xuat-nong-lam-thuy-san-phat-trien-on-dinh-tieu-thu-thuan-loi-121664.aspx