Sản xuất công nghiệp - động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Năm 2023, với sự nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được mức tăng trưởng cao, tiếp tục đóng vai trò 'trụ cột', là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh trong tháng 11 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 8,28% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng có chỉ số IIP tăng cao nhất tính từ đầu năm 2023 đến nay. Lũy kế 11 tháng năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn tỉnh tăng 5,09% so với cùng kỳ.

Tập đoàn khí công nghiệp hàng đầu thế giới Messer đang triển khai dự án đầu tư với tổng trị giá 43 triệu USD tại Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Sông Công I. Tập đoàn định hướng phát triển các nhà máy tại Thái Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và phân phối các loại khí công nghiệp đặc biệt để cung cấp cho các nhà máy điện tử tại Thái Nguyên và toàn bộ các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Đầu năm 2023, Dự án Nhà máy BIGL Việt Nam được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 37 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Sông Công II. Doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu cung cấp ra thị trường 3,7 triệu sản phẩm (linh kiện điện tử, ô tô, cơ khí...) mỗi năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng mức vốn đầu tư đăng ký đạt 10,58 tỷ USD. Trong ảnh: Công ty TNHH Daesin chuyên sản xuất linh phụ kiện điện thoại cho Tập đoàn Samsung.

Tuy gặp không ít khó khăn nhưng trong năm nay, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo vẫn đóng góp khoảng 120 tỷ đồng/tháng vào ngân sách của tỉnh.

Tính đến giữa tháng 12-2023, doanh thu tiêu thụ của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đạt 6.800 tỷ đồng, về đích sớm kế hoạch cả năm. Công ty bảo đảm việc làm ổn định cho trên 18.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng.

Trong bối cảnh giá năng lượng liên tục biến động mạnh từ đầu năm đến nay, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh vẫn duy trì giá bán điện ổn định. Dự ước năm 2023, Công ty đóng góp cho đất nước trên 640 triệu kWh điện (vượt 116% kế hoạch năm), doanh thu đạt trên 4.074 tỷ đồng (vượt 120,8%), nộp ngân sách Nhà nước 30 tỷ đồng (vượt 120%).

Quy trình sản xuất cám làm thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Nam Việt (TP. Sông Công) cơ bản được tự động hóa. Trong ảnh: Robot vận chuyển cám tự động (với công suất 40 tấn/giờ) giúp giảm nhân công bốc dỡ, rút ngắn thời gian làm việc.

Phát triển các sản phẩm chủ lực gồm phôi thép, gang đúc là chiến lược được Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên thực hiện trong bối cảnh ngành thép gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Đơn vị đang bảo đảm việc làm ổn định cho 500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng.

Dự ước năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,56%, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giữ vai trò chủ lực của nền kinh tế.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/cong-nghiep/202312/san-xuat-cong-nghiep-dong-luc-dan-dat-tang-truong-kinh-te-37f1c4a/