Sản xuất bền vững mở cánh cửa cho nông sản miền núi

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, các HTX của có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La đang phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, từ đó góp phần tạo ra những sản phẩm sạch, hình thành xu hướng sản xuất bền vững.

HTX nông nghiệp Toản Duyên (xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp) đang phát triển các loại cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng 50 ha rừng.

Ứng dụng công nghệ

Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX và cũng là người dân tộc Thái ở địa phương, cho biết mục tiêu của HTX là luôn hướng tới nền nông nghiệp bền vững, an toàn và giá trị cao. Chính vì vậy, HTX đã áp dụng kỹ thuật VietGAP vào sản xuất.

Thành viên HTX được tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn. 100% thành viên của HTX đều lắp đặt hệ thống tưới ẩm cho hơn 10 ha xoài.

Một điều thuận lợi của HTX là kết hợp giữa sản xuất và chăn nuôi nên chất thải, phụ phẩm từ quá trình chăn nuôi được HTX tận dụng triệt để ủ hoai mục làm phân bón cho các loại cây ăn quả. Ngoài ra, HTX còn mua thêm nguồn chất thải chăn nuôi từ người dân để chủ động nguồn phân bón.

Anh Tòng Văn Toản cho biết, trong chăn nuôi đang gặp phải vấn nạn là ô nhiễm môi trường. Mặc dù nhiều trang trại đã được đưa ra khỏi khu dân cư và ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường tốt. Tuy nhiên, tại Sơn La hiện nay vẫn tồn tại mô hình chăn nuôi nông hộ nên việc xử lý nguồn chất thải chăn nuôi chưa được triệt để.

Chính vì vậy, HTX đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thu gom, xử lý chất thải để phục vụ làm phân bón theo quy trình. Việc này giải quyết được nhiều mục tiêu là giảm bớt được chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, đồng thời có tác dụng cải tạo đất, tạo đất sản xuất phì nhiêu.

Nhờ nắm vững quy trình sản xuất bền vững, năm 2022, HTX đã xuất bán ra thị trường 20 con bò, 150 con lợn, 3.200 con gà, vịt; gần 50 tấn cam, quýt… Doanh thu năm 2022 đạt trên 4 tỷ đồng, giúp thu nhập của các thành viên HTX luôn ổn định và có ý thức tốt trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Còn tại HTX nông nghiệp A Cao (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) đang phát triển 20 ha các loại rau, củ, quả như: Bắp cải, đậu cove, su su, dâu tây, cà chua, khoai sọ, cam Vinh, cam canh, bưởi, quýt đường, hồng giòn, lê...

Ông Tráng A Cao, người dân tộc Mông-Giám đốc HTX, cho biết sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường giúp chất lượng nông sản được nâng cao. Chính vì vậy, HTX luôn hướng dẫn thành viên ghi chép cẩn thận, đầy đủ quy trình sản xuất vào sổ nhật ký.

Do đó, dù phát triển nhiều loại nông sản nhưng cây trồng nào của HTX cũng có chất lượng cao, bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho các nhà phân phối. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 230 tấn rau củ quả các loại.

Thay đổi tư duy sản xuất

Có thể thấy, tuy là các HTX hình thành ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các mô hình này trên địa bàn tỉnh Sơn La đã không ngừng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và hướng dẫn người dân áp dụng bằng nhiều hình thức như cầm tay chỉ việc, đào tạo tập huấn, đi tham quan thực tiễn... Điều này đã thay đổi tập quán canh tác, trồng trọt của thành viên, hộ liên kết từ sản xuất theo kinh nghiệm, tập quán sang sản xuất khoa học, giúp thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tích cực.

Thực tế, các quy trình sản xuất mà các HTX và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La đang áp dụng nhiều đó là sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA)…

Các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất này vốn được xem là thước đo trong sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo việc truy xuất thông tin từ trang trại đến sản phẩm; nguồn nguyên liệu canh tác theo hướng an toàn, không tồn dư các hóa chất nông nghiệp. Các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất này tuy có những bước, những quy định khác nhau nhưng cơ bản là đều hướng đến kỹ thuật canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các HTX ở Sơn La có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ứng dụng công nghệ gắn với bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Các HTX ở Sơn La có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ứng dụng công nghệ gắn với bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Bên cạnh đó, khi các HTX áp dụng những quy trình này vào thực tiễn, không chỉ thành viên mà các hộ liên kết còn hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm bệnh hóa học, giảm lượng phân bón hóa học.

Với vai trò hỗ trợ thành viên, các HTX cũng luôn khuyến khích nông dân sản xuất đa dạng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo không ảnh hưởng đến đất, rừng, bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi dần hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực canh tác.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao (TP Sơn La), cho biết khi xuất khẩu sang Đức, Pháp, Mỹ…, người dân và doanh nghiệp các nước này rất quan tâm đến yếu tố xã hội là môi trường sản xuất có phát triển bền vững hay không. Chính vì vậy, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc để sản xuất kết hợp chế biến khép kín là điều cần thiết.

Việc đầu tư xây dựng 3 nhà kính trong đó 2 nhà kính ngay sau Nhà máy với diện tích 700 m²/nhà và 1 nhà kính ở xã Mường Do (Phù Yên) rộng 1.500 m² giúp HTX sử dụng thành công phương pháp chế biến ướt, phơi trong nhà kính thân thiện môi trường giúp HTX dễ dàng thuyết phục các đối tác mua hàng.

Để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, HTX Bích Thao đã liên kết sản xuất với 600 hộ dân và thu mua ngoài liên kết với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên và thành phố Sơn La. HTX cũng liên kết với ngành chức năng, các tổ chức để hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc và thu hái cà phê theo quy trình VietGAP, UTZ, đưa sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Bắc.

Hàng năm, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của HTX và doanh nghiệp liên kết sẽ đến từng vùng nguyên liệu kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân hiểu về quy trình sản xuất, cách sử dụng hóa chất nông nghiệp, kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM), cách sử dụng sổ ghi chép trong quá trình canh tác.... Định kỳ, HTX cũng đánh giá mức độ tuân thủ tiêu chuẩn của các nông hộ, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt tiêu chuẩn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Sơn La, đến nay, đã có khoảng 80% HTX trên địa bàn tỉnh ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường vào sản xuất. Đã có 40% HTX thực hiện công tác báo cáo tình hình về bảo vệ môi trường hàng năm cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, giúp cơ quan quản lý thuận tiễn nắm bắt thực tiễn sản xuất, từ đó có những điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Tạo vùng nguyên liệu sạch

Có thể thấy, có được nguồn nông sản chất lượng đã khó, để đưa nông sản tiêu thụ tại các siêu thị lớn và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản… còn khó gấp bội.

Đẻ giải quyết được khó khăn này, những năm gần đây, Sơn La liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung hướng dẫn người dân, HTX doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất an toàn, bền vững, sản xuất theo chuỗi để mở rộng tiêu thụ nông sản.

Đồng hành với người nông dân, không chỉ có những cán bộ ngành nông nghiệp mà còn có các HTX. Đây được coi là yếu tố then chốt giúp người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vững tin và hưởng ứng sản xuất theo những quy trình thân thiện với môi trường. Vì các HTX đồng hành và gần gũi với người dân, thành viên hàng ngày nên dễ dàng nắm bắt các khó khăn của họ để có hướng giải quyết, đề xuất phù hợp. Các HTX cũng trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, sở ngành nên hiểu được chủ trương, định hướng của ngành và thị trường để có định hướng, giúp người dân, thành viên sản xuất kinh doanh có kế hoạch.

Ông Tráng A Cao cho biết, khi làm việc, hướng dẫn đồng bào ứng dụng công nghệ, ban đầu ông rất ngại vì sợ bà con không tuân thủ được về thực hiện quy trình sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, sau một thời gian, bà con đã có những chuyển biến rất lớn. Điều này cũng do một phần là HTX đã kết hợp với các cơ quan quản lý, hệ thống chính quyền địa phương nên bà con đã được truyền lửa, nâng cao ý thức, nhận thức về sản xuất nông nghiệp an toàn, chú trọng bảo vệ môi trường, sản xuất sạch để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường của các HTX đã giúp Sơn La sản xuất ra những sản phẩm sạch, xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, được cấp mã vùng trồng. Đây là nguồn gốc trong việc tạo thương hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường khó tính.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/san-xuat-ben-vung-mo-canh-cua-cho-nong-san-mien-nui-1094314.html