Sẵn sàng ứng phó xâm nhập mặn và khô hạn trong sản xuất

Tỉnh Trà Vinh là tỉnh nằm cuối nguồn tiếp ngọt của Sông Hậu và giáp biển, do đó khả năng xâm nhập mặn và khô hạn sẽ tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Ngành nông nghiệp tỉnh đã sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, khô hạn...

Công trình cống Cao Một (xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần) nằm trong tổng thể 51 cống ngăn mặn, trữ ngọt của tỉnh được triển khai xây dựng giai đoạn 2022 - 2024 đã hoàn thành, sẵn sàng phục vụ mùa vụ sản xuất 2023 - 2024.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng thủy văn), tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm và nghiêm trọng trong mùa khô năm 2023 - 2024. Tỉnh Trà Vinh là tỉnh nằm cuối nguồn tiếp ngọt của Sông Hậu và giáp biển, do đó khả năng xâm nhập mặn và khô hạn sẽ tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Ngành nông nghiệp tỉnh đã sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, khô hạn...

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ: vùng cửa Sông Tiền, độ mặn cao nhất trên hệ thống sông Cửu Long đạt mức cao nhất vào nửa đầu tháng 3/2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn 04g/l, xâm nhập sâu nhất từ 70 - 75km trên Sông Tiền. Vùng cửa Sông Hậu, độ mặn cao nhất trên hệ thống sông Cửu Long đạt mức cao nhất vào tuần giữa tháng 3/2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 03 - 05g/l. Độ mặn 04g/l xâm nhập sâu nhất từ 55 - 60km trên Sông Hậu.

Nông dân Nguyễn Chí Nguyên, ấp An Trại, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có hơn 0,5ha đất vườn tiếp giáp với khu vực đầu vàm Bến Cát (Sông Hậu) do nằm ngoài cống Bông Bót nên mỗi khi có mặn lấn sâu từ vàm Cầu Quan lên đến Bến Cát là các nhà vườn ở khu vực này phải chịu. Hiện nay, nhờ có thông báo về mặn luôn được cập nhật liên tục của địa phương đến nhà vườn, nên người dân chủ động rất cao trong việc tiếp nước cho vườn cây ăn trái. Ngoài ra, khu vực này có tuyến bờ bao được gia cố, xây dựng mới, nhà vườn cũng an tâm hơn khi vào mùa triều cường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc góp phần ngăn mặn và khô hạn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai xây dựng, đưa vào vận hành 51 công trình cống (từ 01 - 02 cửa) và 15 trạm bơm điện (tổng công suất 2.400 m3/giờ/trạm) kết hợp kênh bê-tông, phục vụ cho diện tích khoảng 4.325ha đất nông nghiệp, của khoảng 5.500 hộ dân sản xuất chịu ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn hiện tại cũng như tương lai sau này.

Ngoài ra, các địa phương thực hiện hoàn thành 380 công trình thủy lợi nội đồng, đạt 100% kế hoạch. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức kiểm tra, vận hành cống tích trữ nước ngọt ở những nơi có điều kiện, ngăn triều cường phục vụ sản xuất lúa an toàn.

Đồng chí Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: trên địa bàn huyện có 14 công trình cống đang được triển khai ở các xã Phước Hưng, Tân Hiệp, Long Hiệp và Ngọc Biên; trong đó, các công trình ở xã Phước Hưng đã hoàn thành. Riêng các hệ thống bọng và đê bao do huyện làm chủ đầu tư đã thực hiện xong, sẵn sàng cho công tác ngăn mặn cũng như trữ ngọt tại các vùng sản xuất cuối nguồn tiếp ngọt (giáp huyện Duyên Hải)…

Trên địa bàn huyện Cầu Kè, các công trình thủy lợi, đê bao, cống… nhằm ngăn triều cường, mặn xâm nhập để bảo vệ vùng cây ăn trái trên địa bàn các xã An Phú Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa đang được triển khai thi công. Tổng nguồn vốn đầu tư 140 tỷ đồng; dự án gồm các hạng mục: đê bao, kết hợp đường và cầu giao thông nông thôn và 05 cống thủy lợi (cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân). Hạng mục tuyến đê bao có tổng chiều dài khoảng 09km, cao trình đỉnh đê +2,80, bề mặt đê rộng 05m, bề rộng mặt đường dành cho xe lưu thông 3,5m được láng nhựa đạt tiêu chuẩn cấp đường nông thôn loại B.

Theo đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: mục tiêu của dự án đê bao nhằm chủ động kiểm soát và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cho khoảng 990ha vườn cây ăn trái của hơn 1.100 hộ dân trong vùng dự án; đồng thời, hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân; góp phần thực hiện thành công tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Cầu Kè.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/san-sang-ung-pho-xam-nhap-man-va-kho-han-trong-san-xuat-32905.html