Sân khấu với một năm nhiều khởi sắc

Sự khởi sắc đó được thấy ở số lượng các đơn vị sân khấu công lập và ngoài công lập. Các vở diễn thi nhau ra đời. Và đặc biệt, điều nhiều ông, bà bầu lo ngại sau dịch bệnh kinh tế kiệt quệ, người dân tiết kiệm, hạn chế vui chơi giải trí; thế nhưng, thật bất ngờ, lượng khán giả sân khấu thành phố năm nay còn có sự tăng nhẹ.

Vở Ngũ quý tương phùng của Sân khấu kịch Thiên Đăng. Ảnh: Nguyễn Lộc

Vở Ngũ quý tương phùng của Sân khấu kịch Thiên Đăng. Ảnh: Nguyễn Lộc

Sân khấu “nở nồi”

Còn nhớ sau đại dịch Covid-19, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch Idecaf bi quan dự đoán rằng sẽ có khoảng 2-3 sân khấu phải đóng cửa. Thực tế là ngay cả trước đại dịch, Idecaf được xem là đơn vị kịch xã hội hóa mạnh nhất TP.HCM với 2 át chủ bài là nghệ sĩ Thành Lộc và Hữu Châu nhưng liên tục phải hủy suất diễn, trả vé. Lúc đó, ông Tuấn còn tưởng Idecaf phải đóng cửa vì không cầm cự nổi.

Sau đại dịch, sân khấu thành phố chỉ còn chừng 3-4 sân khấu sáng đèn hàng tuần, đó là: Sân khấu Idecaf, Nhà hát kịch 5B, Sân khấu Thế Giới Trẻ… Giữa năm 2022, 2 “thương hiệu” lớn Hoàng Thái Thanh và Hồng Vân phải tuyên bố chuyển đổi hình thức, chỉ diễn theo mùa. Nghĩa là mỗi năm sẽ diễn khoảng 2-3 mùa, mỗi mùa dựng một vở diễn suốt đến khi nào hết khách thì ngưng. Tình hình đó khiến nhiều người yêu sân khấu hết sức lo ngại.

Tuy nhiên, cuối năm 2022, đầu năm 2023, sân khấu thành phố có sự trỗi dậy bất ngờ. Liên tiếp xuất hiện các tên sân khấu mới. Cụ thể, cuối năm 2022, Nhà hát Thanh Niên của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ra đời. Đầu năm 2023 tới nay là sự ra mắt Sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò Minh Nhí, Việt Hương. Rồi Sân khấu kịch Thiên Đăng do Thành Lộc và một số nghệ sĩ kỳ cựu ở Idecaf thành lập. Xóm kịch của vợ chồng Xuân Trang - Hoàng Thy. Cùng với hàng loạt sân khấu đang hoạt động như: Nhà hát kịch 5B, Sân khấu kịch Idecaf được chuyển sang thành Nhà hát kịch Idecaf, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Quốc Thảo, Thế Giới Trẻ, Hồng Vân, Hồng Hạc, Nhóm kịch Đời, Nhà hát Thế Giới Trẻ với nhóm nghệ sĩ Hoàng Yến. Có thể nói, đã rất nhiều năm rồi, sân khấu xã hội hóa thành phố mới xôm tụ và có tới 14-15 sân khấu, nhóm kịch.

Vở Cô đào hát của Sân khấu cải lương mới Đại Việt

Vở Cô đào hát của Sân khấu cải lương mới Đại Việt

Điều này chứng tỏ bản lĩnh của các ông, bà bầu sân khấu xã hội hóa. Đã từ lâu, kịch Sài Gòn trở thành “đặc sản” của khách phương xa. Chỉ cần đi taxi, hỏi bác tài là họ có thể chỉ vanh vách các địa chỉ sân khấu ở TP.HCM. Đến Sài Gòn, người ta hay rủ nhau đi xem kịch. Không chỉ vậy, người dân thành phố cũng có thói quen cuối tuần phải đi coi kịch và dịp Tết thì xem kịch là lựa chọn lý tưởng.

Thế nên, bao giờ cũng vậy, các nghệ sĩ của sân khấu cuối năm dù bận túi bụi với các dự án truyền hình, phim ảnh, cũng phải sắp xếp thời gian để tập kịch Tết. Họ xem việc xuất hiện trong mùa kịch Tết là hạnh phúc, là niềm vui, khởi đầu cho năm mới hanh thông, thuận lợi.

Những cuộc chia tay và nỗ lực tự khẳng định

Năm qua ồn ào nhất có lẽ là cuộc chia tay giữa nghệ sĩ Thành Lộc với Sân khấu kịch Idecaf sau 26-27 năm gắn bó. Sự rạn nứt này gây xôn xao trong giới và cả khán giả. Thành Lộc và một số nghệ sĩ kỳ cựu của Idecaf đã ra đi và thành lập Sân khấu kịch Thiên Đăng. Tuy nhiên, sau những lùm xùm thì mỗi sân khấu đều nỗ lực để chứng minh khả năng của mình và giữ chân khán giả.

Vở Lạc ở đáy sông của Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Vở Lạc ở đáy sông của Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Kịch Thiên Đăng từ lúc ra mắt đã có những vở kịch được khen ngợi như Giáng Hương, Duyên thệ, Ngôi nhà trong mây, Ngũ quý tương phùng. Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn không chỉ có địa chỉ Idecaf, mà còn có Nhà hát Thanh Niên, Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, Nhà hát Nụ Cười. Một lực lượng trẻ, năng động cũng nhanh chóng được bổ sung để thay thế lực lượng đã rời đi. Chưa hết, ông Tuấn còn mở rộng dựng những vở sử Việt nhắm đến phục vụ học đường. Phát triển mảng kịch thiếu nhi khi khôi phục lại chương trình Chuyện thần tiên, diễn lại tháng 1-2024 sau 14 năm gián đoạn. Ông cũng tạo cơ hội cho người trẻ khi giao Nhà hát Nụ Cười cho các đạo diễn trẻ dựng vở diễn ở nhà hát với giá ưu đãi; hỗ trợ nghệ sĩ Bạch Long điều hành hoạt động của Đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long.

Vở Hãy yêu nhau đi của Nhà hát kịch Idecaf

Vở Hãy yêu nhau đi của Nhà hát kịch Idecaf

Một cuộc chia tay khác ít gây xôn xao hơn là cuộc rời đi của vợ chồng nghệ sĩ Xuân Trang - Hoàng Thy khỏi Sân khấu kịch Hồng Vân để lập Sân khấu Xóm kịch. Nói chung, cuộc rời đi nào cũng gây nên nỗi buồn cho cả đôi bên, nhưng sau tất cả mỗi người tự thân vận động, nỗ lực tìm mọi cách, mọi hướng đi để duy trì hoạt động, khẳng định tên tuổi và “lấy lòng” giữ chân khán giả của mình.

Biến động rất nhiều nhưng thành quả đạt được của sân khấu thành phố năm qua cũng rất đáng nể. Theo thống kê của Hội Sân khấu TP.HCM, năm 2023, có tới 106 vở diễn sân khấu phúc khảo công diễn của các đơn vị sân khấu công lập và tư nhân ở nhiều lĩnh vực như: kịch nói, cải lương, hát bội, rối, xiếc… Riêng lĩnh vực kịch nói, đã có nhiều vở diễn được chăm chút, đầu tư. Sân khấu cũng bớt đi những mảng hài xàm, hài nhảm.

Theo đạo diễn - NSND TRẦN NGỌC GIÀU, kịch thể nghiệm dù kén khán giả nhưng là mảnh đất màu mỡ để các đạo diễn trẻ phát huy sáng tạo. Ở đó, người trẻ có thể tung tẩy làm bất cứ cái gì mình nghĩ là hay, là đặc biệt mà không phụ thuộc vào việc chiều theo thị hiếu khán giả. Ông còn bày tỏ, sắp tới Hội Sân khấu thành phố sẽ tìm kiếm nguồn để có thể tổ chức liên hoan sân khấu thể nghiệm. Đây là một cuộc chơi nghệ thuật đúng nghĩa, để biết đâu sau đó sẽ rút ra những điều gì ứng dụng vào sàn diễn lớn, nơi đang chững lại sự sáng tạo khi các ông, bà bầu vẫn còn muốn giữ độ an toàn, duy trì bán vé cho khán giả đại chúng.

Cải lương: Rần rần những suất diễn cháy vé

Năm qua đánh dấu sân khấu cải lương TP.HCM có những bước tiến vượt bậc khi các suất diễn được tổ chức nhiều hơn. Ngoài Nhà hát Trần Hữu Trang là đơn vị công lập duy nhất, các đơn vị cải lương xã hội hóa ngày càng nhiều. Có thể kể ra như: Sân khấu cải lương mới Đại Việt của soạn giả Hoàng Song Việt, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà, Đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long của bà bầu Bình Tinh, Đoàn cải lương Vũ Luân, Sân khấu cải lương Lê Nguyễn Trường Giang, Đoàn tuồng cổ Minh Tơ, sân khấu của ông bầu Gia Bảo… Điều đáng mừng là rất nhiều suất diễn cải lương đạt doanh thu cao, cháy vé liên tục. Cụ thể, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long bao giờ cũng hết vé trước đêm diễn ít nhất một tuần.

Tuy nhiên, vẫn còn điều trăn trở là hầu hết các đoàn vẫn dựng tuồng Tàu, rất hiếm tuồng sử Việt. Các ông, bà bầu lý giải là trong cải lương tuồng cổ khán giả rất mê tuồng Tàu. Bởi những tuồng tích đó đã quá quen thuộc với họ. Tuồng sử Việt thì ít kịch bản hay, người viết không dám “phóng tay” hư cấu sợ bị bắt bẻ. Trong khi tuồng Tàu cùng một nhân vật ở vở này là chính diện nhưng sang vở khác có thể là phản diện. Có nghĩa là người viết khá tự do trong việc tung tẩy nên tuồng Tàu vẫn được chuộng hơn.

Các đoàn cải lương xã hội hóa hiện vẫn phải chấp nhận thực tại là đầu tư làm một vở cải lương dù có bán hết vé vẫn phải bù lỗ ít nhất 5-10 triệu đồng. Vì một vở diễn cao lắm chừng 2-3 suất. Chưa một đơn vị nào dám sáng đèn hàng tuần, vẫn phải dòm chừng và 1-2 tháng mới dám diễn một lần. Nếu mạo hiểm diễn sử Việt, họ sợ phải bù lỗ nhiều thì không có tiền tái đầu tư cho dự án mới. Giải pháp được các ông, bà bầu đề xuất là Nhà nước nên có sự đầu tư, đặt hàng để đơn vị xã hội hóa có thêm cơ hội làm sử Việt phục vụ công chúng.

Vở Sóng gió Đại minh triều của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà

Vở Sóng gió Đại minh triều của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà

Dù còn nhiều bất cập, nhưng năm qua, làng cải lương thành phố đã trình làng được những vở cải lương khá. Được đánh giá cao là vở Cô đào hát của Sân khấu cải lương mới Đại Việt. Đây là vở nổi tiếng mấy chục năm trước nhưng giờ đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng lại vẫn mang hơi thở mới, tâm lý các nhân vật được đào sâu với những lớp diễn rất sáng đẹp, sang và tinh tế. Vở chỉ có 4 vai chính dành cho Quế Trân, Võ Minh Lâm, Kim Tử Long, Minh Trường. Sân khấu Chí Linh - Vân Hà có những vở được dàn dựng nghiêm túc, tử tế như: Văn Võ kỳ duyên, Sóng gió Đại minh triều, Trung liệt Dương gia tướng. Đoàn tuồng cổ Minh Tơ “làm gan” dựng vở sử Việt Tô Hiến Thành xử án và cũng tạo hiệu ứng rất tốt. Năm qua, ông bầu Gia Bảo liên tiếp làm 2 sô cho danh ca Minh Cảnh ở Nhà hát Bến Thành. Đoàn Huỳnh Long với lực lượng trẻ là chủ đạo, bên cạnh sự hỗ trợ là các khách mời gồm những ngôi sao như: Ngọc Giàu, Phương Hồng Thủy, Hoài Linh, Kim Tử Long, Ngân Tuấn… đã có những vở diễn mang tính giải trí cao. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang gần cuối năm trình làng 2 kịch bản cải lương kinh điển Khách sạn Hào Hoa và Bên cầu dệt lụa...

Đoàn Trần

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/san-khau-voi-mot-nam-nhieu-khoi-sac-cfe1ae8/