Sân khấu chèo vẫn thiếu vắng những tài năng

Liên hoan nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2019 vừa được tổ chức tại Bắc Giang. Trong bối cảnh sân khấu truyền thống dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, liên hoan đã góp phần động viên các nghệ sĩ chèo cả nước, khơi lên lửa nghề, tìm ra hướng giữ gìn và phát triển sân khấu chèo.

Một cảnh trong vở Công lý không gục ngã của Nhà hát Chèo Quân đội.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2019 vừa được tổ chức tại Bắc Giang. Trong bối cảnh sân khấu truyền thống dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, liên hoan đã góp phần động viên các nghệ sĩ chèo cả nước, khơi lên lửa nghề, tìm ra hướng giữ gìn và phát triển sân khấu chèo.

Nhìn vào lực lượng nghệ sĩ và số lượng tác phẩm của 16 đơn vị nghệ thuật biểu diễn và hơn 1.000 diễn viên với 26 vở chèo thì dường như trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, sức sống của chèo có vẻ khả quan hơn cả. Các đơn vị chèo trong cả nước như các nhà hát chèo: Việt Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam… đều mang từ một đến hai vở diễn tham gia liên hoan. Tương tự như các cuộc thi tài đã từng được tổ chức, vì được xem miễn phí, cho nên có rất đông khán giả, trong đó có khá đông khán giả trẻ, được coi là một thành công, gây bất ngờ với ngay chính nghệ sĩ. Khán giả ngồi chật kín cả lối đi. Khung cảnh đó như một giấc mơ đối với những người làm nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh số lượng người xem đến với sân khấu chèo khá đông, thì với người làm nghề vẫn còn đó những lo lắng, băn khoăn, sao để chèo thật sự "sống" được trong xã hội hiện đại, được khán giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé vào xem. Băn khoăn đó là có thật khi nhìn vào hiện trạng của sân khấu chèo được thể hiện qua liên hoan này. Nhiều nhà nghiên cứu phải ngao ngán khi bao nhiêu năm rồi chèo vẫn thế. PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan cho rằng: "Ðây là một liên hoan chèo hoài cổ. Liên hoan toàn vở cũ, đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại cũ kỹ, có những vở người ta đã diễn hàng chục năm rồi. Thí dụ Kiều Loan của Hoàng Cầm viết từ năm 1942, tới bây giờ là 77 năm rồi. Còn phần lớn vở diễn từ 30 đến 40 năm lại lôi ra diễn lại".

Hiện trạng này có phần do sân khấu chèo đang thiếu những tài năng làm nghề, nhất là ở khâu sáng tác kịch bản. Nhà viết kịch chèo Bùi Vũ Minh cho biết: "Ðúng là đội ngũ biên kịch sân khấu nói chung, nhất là người viết kịch bản cho các thể loại kịch hát đang thiếu vắng trầm trọng. Chèo cũng vậy. Nhìn lại, những người viết có tuổi như chúng tôi cứ thấy buồn vì sau lưng mình, chưa có người kế nghiệp, nhất là những người trẻ tuổi. Tôi nghĩ, nếu muốn chèo được thế hệ trẻ yêu thích thì những vấn đề của cuộc sống hiện nay, phải do các bạn trẻ tìm tòi và viết ra vì chính các bạn ấy mới là người am hiểu tâm lý của thế hệ mình.

Ðây cũng là vấn đề khó khăn ở các đơn vị nghệ thuật chèo ở địa phương. Trước hết là điều kiện để tiếp cận những kịch bản tốt không nhiều, kinh phí lại hạn hẹp để có thể đặt hàng kịch bản. Thậm chí, có những vở đề cập tới vấn đề cuộc sống đương đại, hội đồng nghệ thuật hoặc phòng nghệ thuật nhận thấy chất lượng tốt, nhưng vì lý do không phù hợp với địa phương và những sự "tế nhị" trong khâu duyệt, nên không sử dụng được, NSƯT Tạ Quang Lẫm, Nhà hát Chèo Bắc Giang cho biết.

Khai thác kịch bản cũ, chuyển thể sang chèo là những cố gắng của các đơn vị. Nhưng việc chuyển thể này, đúng ra là chỉ giữ lại tứ, cốt truyện… còn người thực hiện phải cấu tứ lại hoàn toàn bố cục, bổ sung lời thoại vào các làn điệu chèo. Khan hiếm kịch bản mới, kịch bản hay, hấp dẫn cho nên các nhà hát cứ diễn đi diễn lại những vở cũ. Dù có là những vở kinh điển, song nếu cứ diễn mãi thì ấn tượng về chèo là cũ kỹ, lạc hậu… càng thêm sâu trong lòng công chúng, nhất là công chúng trẻ. Kịch hát truyền thống vốn đã rất khó khăn để bắt kịp với thời đại, nay lại thiếu biên kịch, khâu chủ chốt của vở diễn, nên nhìn vào cả đợt liên hoan sân khấu chèo sau ba năm, cảm giác chèo tụt hậu với thời đại thêm rõ rệt.

Bên cạnh đó, đội ngũ đạo diễn, dù đã có những tên tuổi mới như: Lê Thanh Tùng, Tuấn Cường, Thanh Ngoan, Quang Lẫm…, song vẫn còn tình trạng các đơn vị vì mong muốn có huy chương dẫn đến chỉ chăm chăm mời những "cây đa cây đề" về dàn dựng. Bên lề liên hoan, vẫn có những lời rì rầm về đạo diễn lớn "ôm" tới cả chục vở, dù trực tiếp đứng tên hay không. Có thành viên ban giám khảo nhận xét: "Không biết vở này có nên đề cập đến đạo diễn không, khi anh ta chỉ đứng tên trên đó chứ không thật sự dàn dựng?". Cùng với đó, qua liên hoan mới thấy, đội ngũ diễn viên vẫn rất khổ công với nghề, nhưng những tinh túy của nghề của họ vẫn cứ thấy thiếu nhiều so với các thế hệ nghệ nhân đi trước. Trong các kịch bản chưa tạo được chất chèo thuần nhất để người diễn viên thể hiện, bộc lộ tài năng. Chưa kể, do điều kiện kinh tế, để bảo đảm mưu sinh, nhiều nghệ sĩ, diễn viên phải đi hát đám, hát ngoài, ít có cơ hội rèn nghề. Mất mát, mai một… là những từ mà nhiều người nghiên cứu vẫn chua xót khi nói về nghề tổ ở thế hệ diễn viên trẻ ngày nay.

Theo nhận xét của nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nguyễn Quang Long, chèo là loại hình nghệ thuật phổ biến nhất trong văn hóa người Việt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, một di sản quý, là báu vật của dân tộc. Ðồng thời chèo cũng là một kho tàng hết sức phong phú của nhiều loại hình nghệ thuật như: âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, văn học…

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tập trung nhiều cho những nghệ thuật có nguy cơ thất truyền, vì thế các hồ sơ di sản chèo chưa được quan tâm. Ðể chèo luôn sống trong đời sống hôm nay, chúng ta cần có chiến lược đầu tư căn cơ, sâu rộng… Loại hình nghệ thuật nào muốn tồn tại cũng phải phản ánh được đời sống đương đại, có kết nối với công chúng đương đại. Nếu chèo không làm được điều đó, sẽ dễ bị rơi vào hoàn cảnh tương tự như một số di sản phi vật thể, chỉ để bảo tồn mà thôi.

CAO NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/41780502-san-khau-cheo-van-thieu-vang-nhung-tai-nang.html