Saigon Talk: Tình người ở phố

Đoạn hội thoại với bạn xe ôm, giúp đỡ ông cụ bán chè, giá trị của tình thân là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

Đoạn hội thoại với bạn xe ôm, giúp đỡ ông cụ bán chè, giá trị của tình thân là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

Cuốc xe ôm

Vốn là một người gắn bó với xe ôm công nghệ, những tháng dịch tôi phải tự mình chạy xe khi có việc cần. Mãi tới hôm kia, tôi mới có dịp thong thả gọi xe ôm để tận hưởng lại cảm giác “được ngồi phía sau”.

Đón tôi là một bạn trẻ sinh năm 1997, quê Bình Định. Những thông tin này tôi có được sau khi đã hỏi thăm bạn ấy.

“Em chạy từ 6h30 sáng tới giờ mới có 100.000 đồng thôi”, cậu nói. Lúc đó đồng hồ điểm 14h chiều. Vậy là đã 6 tiếng rưỡi. Theo cậu, mức thu nhập này quá ít so với trước dịch.

Câu chuyện về thu nhập nhanh chóng bị trôi đi, khi cậu liên tục kể chuyện mấy tháng qua cậu về quê thăm gia đình vui thế nào. “Lần đầu em về quê lâu như vậy. Mọi năm làm tới Tết mới được về. Mang tiếng về trốn dịch nhưng ba mẹ cũng mừng, vì nhà em ai cũng an toàn, khỏe mạnh”.

Rồi cậu tiếp lời khi xe gần về tới nhà tôi: “Năm nay ai cũng khó khăn, còn khỏe mạnh đi cà phê với bạn bè như chị là mừng rồi chị ha”.

Cuốc xe của tôi trị giá 2.000 đồng vì hãng đã tự thêm khuyến mãi vào. Tôi gửi thêm chút tiền cho cậu bạn này như một món quà cho việc nhận ra giá trị thiêng liêng của gia đình sau cơn đại dịch.

- Bình Yên.

Cái tình ở thành phố

Hôm thứ 6 có dịp đi ngang ngã tư Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu, tôi thấy một nhóm bạn trẻ túm tụm quanh ông cụ bán chè. Tôi kịp nhận ra đó là hình ảnh ông cụ ngày nấu 9 ly chè mà chỉ bán được có phân nửa lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua.

Bạn ghé mua 4-5 ly mang đi, bạn trong lúc chờ ông làm chè thì phụ bỏ ly vào bịch rồi giao cho các vị khách đến ủng hộ. Tôi không biết sự ủng hộ này sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng chí ít, nó giúp ông cụ vui vẻ và có thêm thu nhập.

Và tôi tin chắc niềm vui này được lan truyền, giống như đại đức Hae Min viết trong quyển sách Yêu những điều không hoàn hảo: "Khi nhìn thấy một người giúp đỡ người khác, hoóc môn hạnh phúc trong cơ thể sẽ tăng cao như chính ta là người đang giúp đỡ vậy. Tất cả chúng ta đều đang cộng hưởng và cùng tồn tại như thế đấy".

Sống giữa thành phố này nhiều năm, tôi vẫn thường thấy, đọc hoặc nghe người ta lan truyền điều tử tế bằng cách này hay cách khác. Ở Sài Gòn, chỉ cần bạn cần giúp đỡ thì bạn sẽ không hề đơn độc.

- Nhật Anh.

Nhà là nơi…

Sáng, ngồi ở trong phòng, giai điệu của bài hát “Thành phố sương” của nhạc sĩ Việt Anh vang lên từ quán cà phê bên cạnh, tôi nhớ quê nhà Đà Lạt đến cồn cào.

Năm nay là năm tôi về nhà ít nhất vì “mắc dịch”. Đến khi việc đi lại dễ dàng hơn thì tôi trở thành F0 và phải điều trị, chờ thêm thời gian theo dõi sức khỏe.

Tôi biết là đại dịch đã dạy cho mỗi người nhận ra điều này điều nọ, có người sẽ trân trọng hơn sức khỏe, có người quan tâm hơn đến những mối quan hệ xung quanh, và chắc chắn sẽ có vô số người thấy yêu gia đình hơn.

Sống ở Sài Gòn, niềm vui đôi khi tôi chọn chia sẻ với bạn bè, nhưng đến khi gặp chuyện buồn hay tổn thương, thì gia đình luôn là nơi tôi muốn tìm về. Không hề có phán xét, không hề trách móc, ba mẹ vẫn luôn dang rộng vòng tay ôm tôi vào lòng.

Nhà là nơi mà dù cả thế giới có bỏ rơi mình thì cũng còn một nơi để về.

- Thiên Di.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Minh họa: Mỷ Thi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/saigon-talk-tinh-nguoi-o-pho-post1282899.html