Sai phạm tại Tập đoàn FLC: làm rõ vai trò của kế toán

Theo cáo trạng vừa được VKSND tối cao ban hành, bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và 49 người về tội 'Thao túng thị trường chứng khoán', 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.

Ảnh minh họa

Sơ hở trong các quy định pháp luật về doanh nghiệp

Vụ án được xác định gây thiệt hại cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, các bị can chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, cơ quan công tố đã nêu bật các sai phạm ngay từ đầu của Công ty (Cty) FAROS (nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ). Sau đó, Trịnh Văn Quyết cùng Doãn Văn Phương - Tổng Giám đốc FLC, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Cty FAROS - bàn bạc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là những khởi đầu cho quá trình thao túng thị trường chứng khoán của nhóm Trịnh Văn Quyết.

Theo cáo trạng, đã có nhiều đoàn kiểm tra làm việc tại Cty FAROS, trong đó có đoàn của Bộ Tài chính, của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.

Ngày 2/3/2017, Bộ Tài chính có quyết định về việc kiểm tra tại Cty FAROS và giao dịch cổ phiếu ROS tại 7 Cty chứng khoán. Thời kỳ kiểm tra từ năm 2014 - 2016 và tình hình, số liệu có liên quan đến thời kỳ kiểm tra. Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong việc góp vốn và sử dụng vốn góp tại Cty FAROS. Đoàn kiểm tra đã thu thập chứng từ kế toán thể hiện số vốn góp đã được chuyển vào tài khoản của Cty FAROS nhưng sau đó đã được sử dụng chủ yếu vào các hoạt động đầu tư tài chính.

Đoàn kiểm tra cho biết, đã tham vấn ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đối chiếu các quy định, phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong các quy định pháp luật về DN, đăng ký kinh doanh, đầu tư, cho vay, ủy thác đầu tư…

Trong khi đó, đoàn kiểm tra của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh kiểm tra thời kỳ từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2016. Từ ngày 9 đến ngày 13/1/2017, đoàn đã kiểm tra việc niêm yết chứng khoán, gồm 24 hồ sơ thẩm định niêm yết lần đầu trong đó có mã ROS. Quá trình điều tra, đoàn không phát hiện ra sai phạm trong thẩm định hồ sơ niêm yết, không phát hiện vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nên không có căn cứ xem xét xử lý.

Kế toán là bị can thực hành tích cực

Theo VKSND, Trịnh Thị Minh Huế - kế toán tập đoàn FLC và là em ruột của Trịnh Văn Quyết. Thực hiện chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết, Huế nhờ 45 cá nhân có quan hệ gia đình, đứng tên lập hồ sơ, thủ tục. Sau đó, bị can dùng để thành lập 20 Cty và mở 500 tài khoản tại 43 Cty chứng khoán. Các cá nhân sẽ giao lại để Huế quản lý, sử dụng thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Theo cáo buộc, từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, Huế đã sử dụng 190/500 tài khoản chứng khoán mở tại 18/43 Cty chứng khoán và 83 tài khoản ngân hàng để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; Mua bán khớp chép (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu; mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… Hành vi đó của Huế nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART, FLC giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính số tiền hơn 684 tỷ đồng.

Ở hành vi phạm tội liên quan đến việc nâng khống vốn của Cty FAROS do Doãn Văn Phương - cựu Phó Tổng Giám đốc FLC, kiêm Chủ tịch HĐQT FAROS (đã xuất cảnh ra nước ngoài), Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Phương, Huế thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn chủ sở hữu tại FAROS từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu với giá trị vốn khống của Cty trên sàn chứng khoán.

Huế được anh trai giao trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động, để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống. Bị can cũng trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của FAROS nhằm hợp thức nâng khống vốn góp, sử dụng vốn góp khống… từ đó giúp Trịnh Văn Quyết hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu cho hơn 30.000 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.

“Trịnh Thị Minh Huế là bị can thực hành tích cực nhất, giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội”, cáo trạng đánh giá. Theo đó, cơ quan công tố truy tố Huế hai tội danh như Trịnh Văn Quyết gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Bảo Lâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sai-pham-tai-tap-doan-flc-lam-ro-vai-tro-cua-ke-toan-377344.html