Sài Gòn vừa lạ vừa quen từ những khung ảnh đời sống hàng ngày

(SGTTO) – Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2-9 ắt hẳn trong mỗi người sẽ có nhiều cảm xúc về thành phố nơi mình đang sống. Sài Gòn Tiếp Thị Online giới thiệu cùng bạn đọc những khung hình đời thường ở TPHCM, toát lên vẻ đẹp dung dị thân quen.

Tổng cục Du lịch ra mắt website trải nghiệm du lịch ảo “Virtual Vietnam”
Đi thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn với 100.000 đồng

Những tấm ảnh này nằm trong nội dung quảng bá du lịch Việt Nam trên trang web Vietnam.travel do Tổng cục Du lịch vừa lập ra. Mục tiêu nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp, những nơi chốn dạo chơi, văn hóa, ẩm thực… tại Việt Nam. Du lịch TPHCM cũng không nằm ngoài mong muốn quảng bá đó.

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của TPHCM. Tên gọi ban đầu của nhà thờ là nhà thờ Sài Gòn, tên gọi nhà thờ Đức Bà bắt đầu được sử dụng từ năm 1959. Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Bên ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Pháp để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi.

Giao thông quanh tòa nhà Bitexco – một trong những biểu tượng của thành phố. Tòa nhà được xây dựng trên diện tích gần 6.100m². Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 10-2020, trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam cho đến khi Keangnam Hanoi Landmark Tower vượt qua vào năm 2011. Hiện tại tòa nhà là công trình cao thứ tư Việt Nam, sau Lanmark 81, Keangnam Hanoi Landmark Tower và Lotte Center Hanoi.

Buổi sáng ở một ngôi chợ truyền thống tại TPHCM, người dân nhộn nhịp mua bán. Dạo quanh chợ, bạn có thể mua được bất kỳ thứ gì mình cần. Đối với du khách, chợ truyền thống Việt Nam là một nét văn hóa đặc sắc, giúp nhìn ra được nhiều điều về cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Sáng sớm, đi dạo ở một số công viên như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định… du khách sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh người dân tập thể dục, chạy bộ, nói cười rôm rả. Những nơi này có cả những câu lạc bộ thể dục thể thao sinh hoạt lẫn những người tập luyện tự do. Mua một ổ bánh mì nóng hổi giòn cay ngồi ghế đá xem người dân tập thể dục biết đâu sẽ giúp bạn cảm thấy yêu đời hơn!

Bánh mì ở Sài Gòn có muôn hình vạn trạng, du nhập các “thể loại” bánh mì từ nhiều nơi nên ngày càng phong phú hương vị. Nào là bánh mì thịt truyền thống, bánh mì chả cá nóng, bánh mì thịt nướng, bánh mì chay, bánh mì bì… Du khách có thể mua được bánh mì ở bất cứ góc đường nào, với giá từ 12.000 đồng/ổ tùy loại.

Người đàn ông thắp nhang ở một ngôi chùa tại quận 5. Quận 5 quy tụ nhiều ngôi chùa lâu đời, cùng các món ăn đặc trưng của người Hoa. Nhiều người sành du lịch thường nói đến TPHCM thì nên ghé quận 5 bởi nơi này có những nét rất riêng về văn hóa và ẩm thực.

Cũng là quận 5, nhưng đến để ăn phở Lệ trên đường Nguyễn Trãi xem thế nào…

Những chung cư cũ ở TPHCM thường có những góc như thế này, là cảm hứng sáng tạo cho nhiều bộ ảnh và cuốn phim. Một số chung cư còn “ẩn chứa” những quán cà phê, quán ăn, tiệm thời trang… khiến du khách “ồ” “à” ngạc nhiên khi khám phá.

Xuýt xoa bánh tráng nướng giòn giòn, nhân thịt băm, xúc xích, hành lá, trứng cút…

Bánh cuốn cũng là món ăn được lựa chọn nhiều.

Những quán ăn ven đường là điều dễ bắt gặp ở TPHCM. Bạn vào ngồi, gọi một tô, thêm ly trà đá, vừa ăn vừa trò chuyện, quan sát xe cộ qua lại…

Thành phố với những nụ cười khi đêm về, ở những hàng quán nhộn nhịp. Nếu có thời gian nghiền ngẫm, bạn sẽ thấy TPHCM như một “hợp chủng quốc” với những con người đến từ nhiều quốc gia, nhiều tiếng nói, nhiều vùng miền, nhiều hoàn cảnh. Tất cả tạo thành nét đặc trưng mà khi ghé thăm bạn sẽ thấy thú vị, khi ở lâu sẽ sinh ra sự thương mến, lúc xa rồi lại nhớ quay quắt.

N.K.

(Ảnh từ trang Vietnam.travel)

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/sai-gon-vua-la-vua-quen-tu-nhung-khung-anh-doi-song-hang-ngay/