Sài Gòn - TPHCM 49 năm nhìn lại

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua tính từ 30-4-1975 đến nay, để có được một TPHCM đáng sống như ngày hôm nay, chính quyền và người dân đã phải trải qua những chặng đường vô cùng gian khó.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Làm sao quên được những ngày đầu mới giải phóng, vui đấy, hào hùng đấy, nhưng cả TP thiếu lương thực, nhiên liệu, vật tư… Chỉ tạm ổn được thời gian ngắn, phải đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi lệnh cấm vận kéo dài gần 20 năm làm cho TP bao phen điêu đứng.

Vẫn biết không có con đường nào bằng phẳng, nhưng quả thật con đường chính quyền và Nhân dân TPHCM phải trải qua thật gập ghềnh. Từ sau 1990, khi bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập, kinh tế mới khởi sắc được vài năm, thì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 ập đến, làm cho hơn 80% các nhà đầu tư khu vực bỏ cuộc, hàng chục công trình dở dang.

Nối tiếp theo sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu khởi đầu năm 2018 đến nay chưa kết thúc, và sau đó là 2 năm đại dịch Covid-19 (2020-2022) để lại hậu quả thảm khốc cho TP trên tất cả mọi lĩnh vực. Cứ tưởng khủng hoảng kinh tế lần này mang hình chữ V, nhưng lại là hình chữ U, đáy rộng kéo dài.

Nhưng rồi dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND, HĐND qua các thời kỳ, TP dần vượt qua các khó khăn và từng bước đi lên. Vẫn biết TP xảy ra những điều không hay, nhưng việc điều hành thực tiễn làm sao tránh khỏi những sơ suất. Song không phải vì những lệch lạc đó mà hạ thấp sự đóng góp của tổ chức và những cá nhân trong mỗi giai đoạn lịch sử.

TP có được như hôm nay là từ tình yêu vô bờ bến của hàng triệu người dân, sẵn lòng sống chết với TP bằng niềm tin, sự nỗ lực vượt khó và tận tụy, từ người công nhân vệ sinh, doanh nhân, trí thức, tiểu thương đến các nhà hoạt động chính trị, tôn giáo giúp chúng ta dần có được một TP có chất lượng sống tốt hơn, đàng hoàng hơn.

TPHCM luôn tự hào là người “đi trước”, đóng vai trò đột phá trong mọi lĩnh vực, để rồi sau đó đúc kết thành kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước. Và những người đầu tiên bao giờ cũng phải gánh chịu những sai lầm, phiền toái cả ẩn ức. TPHCM được xem là nơi đầu tiên phát khởi cho phong trào xé rào, đoạn tuyệt với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân, mở cửa làm ăn với các nền kinh tế có khác biệt về thể chế chính trị.

Khu chế xuất đầu tiên, thị trường chứng khoán đầu tiên, trường đại học dân lập đầu tiên, bệnh viện tư nhân đầu tiên, siêu thị đầu tiên, ngân hàng thương mại (ngoài nhà nước) đầu tiên, hình thức hợp tác công tư (BOT) đầu tiên, và những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên cũng chọn mảnh đất này để đầu tư…

Những cái đầu tiên về văn hóa xã hội cũng xuất hiện ở TP này như phong trào xây nhà tình nghĩa, phong trào hiến đất mở đường, bảo tàng tư nhân đầu tiên, nhà hát tư nhân đầu tiên… Có thể nói, người dân TP này vô cùng năng động, sáng tạo, không chịu thúc thủ trước bất cứ khó khăn, thách thức nào, kể cả trong những tình huống tưởng như tuyệt vọng do hoàn cảnh khách quan mang lại, và cả những nguyên nhân chủ quan từ trong chính hệ thống.

49 năm qua, TPHCM đã phát triển quy mô dân số và mở rộng diện tích, từ chỗ chỉ có 2,3 triệu dân nay gần 10 triệu dân, từ chỗ diện tích chừng 520km2 nay trở thành đại đô thị với 2.100km2. Để đáp ứng TP đã xây dựng rất nhiều công trình, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật làm “đòn bẩy”, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đời sống của người dân.

Trong đó phải kể đến hầm đường bộ Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Lợi, cầu Ba Son, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Phạm Văn Đồng, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất… Trong tất cả các dự án, công trình ấy, có 2 dự án được coi là niềm tự hào lớn nhất của người dân TPHCM: dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, và dự án phát triển về vùng phía Nam TP. Cả 2 dự án này đều bắt đầu vào năm 1990.

Những người Việt Nam rời TPHCM vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi họ quay trở lại sau những năm 2000, điều ấn tượng nhất là dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã hồi sinh trở lại ngoài sức tưởng tượng của họ. Trước 1990, dòng kênh này mang tên “kênh đen”, “kênh thúi”, “kinh chết”, bởi nó tràn ngập rác rến đến mức nước không chảy được, hàng ngàn hộ dân lấn chiếm dọc bờ kênh và trên mặt kênh từ trước 1975.

Không một ai tin là sẽ thay đổi được số phận của nó, thế mà bằng nỗ lực phi thường trong 19 năm, dự án đã hoàn thành, 7.000 hộ dân được tái định cư và có công ăn việc làm ổn định, hàng triệu m3 bùn đất được nạo vét, con kênh đã có cá tôm, 2 bên dọc con kênh dài gần 10km có hai dải công viên cây xanh, đường giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh, hàng ngày đã có khách du lịch ngược xuôi trên kênh.

Nói nỗ lực phi thường vì TP vào đầu 1990 còn nghèo lắm, chưa đủ ăn nhưng gồng mình đi vay nước ngoài hơn 6.000 tỷ đồng, đó là một số tiền khổng lồ vào thời gian đó.

Dự án thứ hai là đánh thức vùng đất phía Nam. Đây được coi là một trong những thành tựu nổi bật nhất của TPHCM. Thế hệ trẻ ngày nay không hề “mục sở thị” về một vùng đất hoang vu đầy cỏ lác, nước phèn, nước lợ, đầy rắn rít muỗi mòng, hầu như không có cây gì và con gì sống được, dân cư thưa thớt.

Sau hơn 30 năm vùng đất này đã mang một diện mạo mới và chất lượng sống mới. Nơi đây có những khu công nghiệp hiện đại như Khu chế xuất Tân Thuận, nhà máy điện Hiệp Phước, những khu dân cư mới xuất hiện như Tân Mỹ, Tân Quy Đông, Long Thới, Hiệp Phước 1, 2, đặc biệt là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng - khu đô thị được xếp hạng khu dân cư kiểu mẫu của Việt Nam bởi sự hiện đại, văn minh và cảnh quan môi trường đẹp.

Nếu liệt kê những thành tựu đáng tự hào của chính quyền và người dân TP thì còn nhiều nữa, nhưng tựu trung lại trong 49 năm qua, TP vượt qua bao sóng gió, thăng trầm nhưng luôn giữ vững vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp rất lớn cho tiến trình phát triển của cả nước nói chung và ngân sách quốc gia nói riêng.

Tuy nhiên, 49 năm qua cũng có những chuyện chúng ta chưa hài lòng, đó là Thủ Thiêm không trở thành “phố Đông” như người dân kỳ vọng, 16 năm rồi tuyến Metro số 1 vẫn chưa đưa vào sử dụng, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ì ạch mãi chưa về đích, một loạt các công trình văn hóa thể thao như nhà hát tạp kỹ, sân vận động, rạp xiếc, công viên sinh thái safari… vẫn còn trên giấy.

Người dân TPHCM cần một sự thay đổi thể chế, để làm sao biến những tiềm năng vô cùng lớn lao của người dân thành động năng, nhằm tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ làm nên “kỳ tích sông Sài Gòn”.

Nhưng quả thật, dù gì đi nữa chính quyền và người dân TPHCM luôn có quyền ngẩng cao đầu tự hào về 49 năm đã qua và vững bước đi tới, chuẩn bị cho 50 năm với những thành tựu mới đang chờ đón ở phía trước.

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA, Nguyên trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TPHCM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/sai-gon-tphcm-49-nam-nhin-lai-post113491.html