Sài Gòn một thuở: Những quán phở

Một loạt quán phở lần lượt ra đời, có mặt trên đất Ông Tạ: Phở ông Mầm, phở Bình, phở Mai Hương, sau là Hiệp Thành, phở Hồng Châu, phở Bắc Hải.

Dân khu ngã ba Ông Tạ hồi thập niên 1960 đều biết xe phở Mầm. Chủ xe là ông Mầm vốn chân chất, chí thú làm ăn, nhưng khi Cương, con trai ông “đụng” đàn em Sơn Đảo, thì sẵn sàng dằn mặt, dù sau đó cao chạy xa bay.

Rạc chân, khom lưng đẩy xe phở bán dạo, ít năm sau, ông Mầm cũng mua một căn nhà mặt tiền gần ngã ba Ông Tạ, như bún chả Ngọc Hà bên kia ngã ba.

Rồi một loạt quán phở khác lần lượt ra đời, liên tiếp có mặt trên đất Ông Tạ: Phở Bình (cạnh trường Thánh Tâm), phở Mai Hương, sau là Hiệp Thành (đối diện trường Thánh Tâm) của bố mẹ cô bạn Cá Bảy Màu, phở Hồng Châu (đầu ngõ vào nhà thờ Chí Hòa), phở Cường (hẻm Cây Điệp), phở Bắc Hải lừng danh đến mức có quán đã dời sang khu vực khác vẫn phải ghi tên quán là phở Bắc Hải…

Ngay cạnh quán phở ông Mầm (quán phở này lấy tên là phở Hải Phòng - chắc quê quán ông Mầm - nhưng bà con vẫn gọi phở Ông Mầm) là nhà của bố mẹ ca sĩ Vũ Khanh, lúc bán xe đạp mang tên Phúc Tiến, lúc mở quán phở. Hai quán gần nhau mà quán nào cũng đông khách.

 Khu trung tâm Ông Tạ hiện nay. Ảnh: Cù Mai Công.

Khu trung tâm Ông Tạ hiện nay. Ảnh: Cù Mai Công.

Gần nhà tôi, xóm Đại Lợi là phở Hương Lan, gần hẻm vào nhà thờ Vinh Sơn. Sau này mở tiệm tạp hóa, lấy tên Tiến Hưng, tên của hai người con trai là Tiến và Hưng (Hưng là cha đỡ đầu của thằng cháu đích tôn của mẹ tôi).

Không bao giờ quên những lần cầm tô sang quán mua nước phở về ăn với cơm nguội. Đó không phải là chuyện của con nhà nghèo mà hình như là một kiểu ăn ngon [...]. Có người khá giả, tôi thấy cũng từng ăn như thế.

Quán phở, sau này gọi là tiệm phở như bà con Nam bộ kêu vậy, mọc lên la liệt khu Ông Tạ. Tô phở Nam cũng dần thay cho bát phở Bắc. Tương đỏ tương đen, rau rợ, hành trần giá trụng… bày đầy trên bàn các tiệm phở và nước dùng bắt đầu ngọt hơn.

Phở Ông Tạ đã dần là phở Sài Gòn, phở Nam chứ không hẳn nước trong, không giá, không rau, chỉ có tương ớt, không tương đen… như phở Bắc.

Xe phở chỉ còn lác đác như xe phở cụ Khang đầu ngõ Cổng Bom. Và hình như cô cậu bé nào ở khu này cũng nhớ chuyện ngày xưa mình từng bị “ốm phở”: Cứ ốm là được bố mẹ mua cho tô phở. Chao ôi, những tô “phở ốm” ngày xưa nó ngập tràn yêu thương gia đình…

Cù Mai Công / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sai-gon-mot-thuo-nhung-quan-pho-post1183702.html