Sài Gòn 99 năm xưa

'Chúng tôi về Sài Gòn dưới bầu trời giông bão, bầu trời luôn đe dọa nhưng chẳng bao giờ bão, giữa những tán cây xanh trong như thủy tinh, trong một thứ ánh sáng như sương đọng. Xa hơn, phía sau hàng cây, người ta nói có báo và cọp ẩn nấp…' .

Sài Gòn 99 năm sau những dòng văn đẹp đẽ này vẫn còn đó thứ thời tiết lúc nào cũng chùng chình như sắp sửa bão giông, cây xanh có thể ít đi, nhưng sắc thủy tinh trong của những nõn lá còn đó dưới nắng chói chang đến thừa mứa. Nhưng chẳng còn cọp hay báo nào, chỉ có những cỗ máy chạy bay bay nhả khói vào lá xanh, vào người đi đường, vào những tấp nập phố thị, những giao lộ từng là lối mòn và chỗ tòa nhà mới xây kia có thể 99 năm xưa từng là bụi rậm, chỗ trú ẩn của một con thú dữ đang giương mắt nhìn “ông Tây” xa lạ.

Léon Werth (1878 – 1955). Ảnh: D.R

Léon Werth (1878 – 1955). Ảnh: D.R

“Ông Tây” viết những dòng dẫn trên tên là Léon Werth. Một ngày tháng 3 năm 1924, nhận lời của người bạn tên Paul Monin, Werth đáp tàu thủy đến chốn Viễn Đông mà thời ấy vẫn được gọi là Nam kỳ.

Nếu độc giả ngờ ngợ khi nghe nhắc cái tên Léon Werth thì hãy hồi tưởng một đoạn văn từ cuốn sách gối đầu trong tuổi thơ của nhiều người:

“… tôi rất muốn đề tặng cuốn sách này cho đứa con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con. (Nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia).

Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng:

Gửi Léon Werth
Thuở ông ta còn là bé con”

Hẳn nhiều bạn đọc quen thuộc với lời đề tặng này trong cuốn sách kinh điển Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry. Werth và Saint-Exupéry là bạn vong niên. Hai người bị chia tách bởi cuộc Đệ nhị Thế chiến. Saint-Exupéry hy sinh năm 1944 và họ không còn cơ hội tái ngộ.

Trong một lần trò chuyện ở Sài Gòn, người viết bài này từng hỏi một nhà văn Pháp say mê Hoàng tử bé có biết Léon Werth cũng từng đến Việt Nam không. Nhà văn Pháp đã rất ngạc nhiên. Và nhiều người cũng ngạc nhiên như thế. Rất tiếc, lúc tôi gặp mặt nhà văn đến từ nước Pháp, Nam kỳ ngao du của Léon Werth (Đông Dương dịch) chưa xuất bản, để có thể làm món quà tặng vị khách phương xa.

Léon Werth sinh năm 1878 ở Pháp, là người ham thích tự do, ông đi nhiều nơi, và trong những nơi tác giả người Pháp thích xê dịch in dấu giày có An Nam. An Nam trong bước đường lãng du của ông là Sài Gòn, Chợ Lớn, là dòng Mê Kông, là cửa sông Ba Thắc (Bassac). Ở đó, đô thành rộng mở cho những lưu dân, có một xã hội bị kìm kẹp dưới ách của chính quyền thực dân, có phản kháng, có sự băn khoăn giữa những dị biệt Á - Âu và có lẽ lớn nhất là có một tình bạn với nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Cùng người bạn đồng hành An Nam, nhà văn Phú Lãng Sa khám phá vẻ đẹp của vùng đất và con người ở xứ nhiệt đới.

Dưới ngòi bút của Léon Werth, Nam kỳ hiện ra đầy màu sắc, thanh âm với văn hóa bản xứ ăn sâu bén rễ, chứ không phải một xứ sở hồng hoang đèm đẹp bên bờ biển chờ nền văn minh châu Âu đến khai hóa.

Qua Nam kỳ ngao du, Werth chứng tỏ mình là ngòi bút tinh tế, tỉ mỉ trong cách quan sát và có tấm lòng rộng mở đầy tò mò trước xứ lạ. Với những độc giả muốn tìm hiểu thêm về Nguyễn An Ninh, sẽ bắt gặp một bức chân dung của nhà yêu nước qua cái nhìn của Léon Werth. Giữa Nguyễn An Ninh và Léon có một tình bạn mà chính Léon nhận xét là “giản dị”, dẫu rằng không thiếu những xung đột văn hóa. Như có lần đi ngang tiệm tạp hóa, Léon hỏi Ninh có khát không, anh chàng người An Nam hỏi ngược lại: “Anh muốn uống gì chăng, Werth?” và Werth đã “tuyệt vọng” hét lên: “Anh Ninh này, tôi muốn hỏi anh có khát không. Cái đầu Âu châu của tôi sẽ nổ tung nếu anh cứ trả lời tôi bằng một câu hỏi. Xin hãy hiểu rằng câu nói của tôi không cứ phải là câu hỏi cụ thể xem chúng ta uống hay không uống một ly nước chanh. Cái tôi muốn hiểu ở đây, nói thật nhé, chính là sự lấp lửng của người An Nam mà dân Âu châu cứ phải đoán mò mãi. […] Tại sao anh không nói cho tôi biết anh có khát hay không?” Và nhà yêu nước của chúng ta đã trả lời: “Thế còn anh?” (!)

Đọc Nam kỳ ngao du (NXB Phụ Nữ Việt Nam phát hành tháng 10.2023) đôi khi là để thưởng thức những chi tiết tưởng chừng bình thường mà thú vị ấy. Một thứ văn xuôi giàu chất thơ, nhưng không cố làm mọi thứ trở nên bóng bẩy như một món hàng mỹ ký.

Trở về Pháp, Léon Werth viết và xuất bản Nam kỳ ngao du năm 1926, dưới tên Cochinchine: Voyages. Nguyễn An Ninh mất trong nhà tù thực dân, năm 1943. Trong hai năm liên tiếp, Werth mất đi hai người bạn mà ông yêu mến. Giai đoạn Pháp bị Đức chiếm, ông chọn ở lại đất nước để tiếp tục chiến đấu. Ông qua đời năm 1955.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/sai-gon-99-nam-xua-41583.html