Saddam Hussein với tình báo Đức

Tác giả bài viết, ông Ali Dogan, nhà nghiên cứu tại Leibniz-Zentrum Moderner Orient (viện nghiên cứu tại Berlin), đồng thời là ứng viên Tiến sĩ ở Viện khoa học chính trị Otto-Suhr (Đức) đã từng viết nhiều tài liệu về trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan tình báo CHLB Đức (cũ) và Iraq đã bùng nổ trong suốt sự kiện Chiến tranh Iran-Iraq.

Kênh tình báo CHLB Đức - Iraq

Bắt đầu từ năm 1979 và trải dài xuyên suốt cuộc chiến tranh Iran-Iraq, giới chức tình báo CHLB Đức và Iraq đã xây dựng một kênh truyền thông và đã mang lại hiệu quả trao đổi tình báo thiết thực giữa 2 nước.

Tác giả Ali Dogan hé lộ cách thức như thế nào và tại sao mà mối quan hệ này lại hình thành, cùng những hậu quả mà nó gây ra trong cuộc chiến với Iran. Ngay mùa hè năm 1979, ông Klaus Kinkel, cục trưởng Cục tình báo Liên bang Tây Đức (BND) cùng với quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ liên bang, Tiến sĩ Heinrich Boge, thực hiện chuyến công du tới Baghdad. Chuyến thăm bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi chế độ Iraq.

Khi đó, ông Saddam Hussein (tân Tổng thống và cũng là người nỗ lực chống cộng sản khi ấy) đã ra tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không lâu nữa Iraq không còn phải phụ thuộc Liên Xô để mua thiết bị, chuyên môn công nghệ hoặc tình báo. Tình cảm chống cộng của Saddam cùng với ước muốn thiết lập quan hệ hữu hảo tốt với tình báo Đức đã mở ra một kỷ nguyên mới với quan hệ Đức – Iraq, đánh dấu sự khởi đầu của hợp tác chia sẻ tình báo Đức – Iraq.

Tổng thống Saddam Hussein với nhà sáng lập Đảng Baath, ông Michel Aflaq, năm 1979. Ảnh nguồn: Alamy.

Ngay từ đầu, những ưu tiên cho mỗi bên rất rõ ràng. Các cơ quan tình báo Iraq tỏ ra rất chú tâm tới thiết bị gián điệp và huấn luyện tình báo ở các trường của BND. Mặt khác, BND cũng rất muốn có được những liên hệ mong muốn với các cơ quan tình báo ở Trung Đông. Việc mua thông tin về các tổ chức khủng bố như Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) và Phái hồng quân (RAF) được coi là thiết yếu với an ninh CHLB Đức trong các thập niên 1970 và 1980.

Vào đầu thập niên 1980, BND đã phái trưởng trạm hợp pháp đầu tiên của mình đến đại sứ quán Tây Đức ở Baghdad, trạm trưởng cũng là sĩ quan liên lạc của BND ở Iraq. Mối quan hệ với Iraq dường như đã được cải thiện trong 5 năm đầu của thời kỳ Saddam.

Cục tình báo Iraq đã nhận suôn sẻ các thiết bị gián điệp của công ty Telemit (Đức), cũng như các sĩ quan Iraq trải qua đào tạo ở những trường của BND ở Bavaria. Trong khi đó, CHLB Đức được hưởng lợi từ mối quan hệ tốt đẹp với một cường quốc ở Trung Đông và nhận thông tin có giá trị về “sào huyệt” của khủng bố RAF.

Cuộc gặp cuối cùng giữa giới chức tình báo cấp cao CHLB Đức và Iraq đã diễn ra trong lần viếng thăm Saadun Shaker (hoặc Shakir), Bộ trưởng Nội vụ Iraq tại CHLB Đức vào tháng 4 năm 1982. Trong cương vị Bộ trưởng Nội vụ, ông Shaker cũng là người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa của Iraq (Tổng cục An ninh). Trong lần công tác nước Đức, ông Shaker đã hội kiến Klaus Kinkel và làm trung gian cho một thỏa thuận đào tạo đặc nhiệm Iraq ở Baghdad.

Ông Klaus Kinkel đã liên hệ với một công ty có tên gọi là “Công ty vận tải xuất nhập khẩu Wenzel Hruby GmbH” ở Hamburg, và ký hợp đồng với chuyên gia của GSG9 (đơn vị chống khủng bố và các hoạt động đặc biệt) là Ludwig Heerwagen với mức lương tháng tương đương 18.000 DM. Hợp đồng bí mật này bao gồm việc vận chuyển vũ khí từ Heckler & Koch đến Iraq, nó được ký tá bởi ông Ibrahim S. Ali, một thành viên của mật vụ Iraq.

Thêm nữa, 2 ông Shaker và Kinkel còn đi đến một thỏa thuận đào tạo các sĩ quan tình báo nội địa Iraq tại BND và Văn phòng cảnh sát hình sự (LKA) ở Bavaria. Các sĩ quan tình báo Iraq được huấn luyện ở trường BND tại Haarsee (Bavaria), còn các chuyên gia trinh sát Iraq thì được đào tạo ở trường công nghệ ở Pocking gần Starnberg.

Các sĩ quan cảnh sát Iraq đã tham dự những khóa học tại LKA ở Munich và các trường cảnh sát ở 2 địa điểm Augsburg và Rosenheim. Những khóa đào tạo này đã đi kèm với cung cấp vũ khí và công nghệ trinh sát viễn thông. Vào cuối chuyến thăm, ông Kinkel đã trao cho người đồng cấp Shaker một số vũ khí của hãng Krausser (Đức) như một dạng quà tặng, cũng như giúp ông có được giấy phép xuất khẩu chính thức những loại vũ khí này. Một tài liệu của Bundesarchiv (Cơ quan lưu trữ liên bang Đức) cũng hé lộ rằng những loại vũ khí của Bộ Nội vụ Iraq đã được sửa chữa tại Đức ngay đầu năm 1984.

Đối với Bộ Ngoại giao liên bang Đức dưới thời ông Hans Dietrich Genscher thì công tác đào tạo các sĩ quan tình báo Iraq đã có “tác động chính trị rộng lớn trong dài hạn, và tác động tích cực đến quan hệ kinh tế đối ngoại”. Mục tiêu huấn luyện các sĩ quan tình báo không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh mà còn cung cấp cho chính phủ Đức những liên kết trực tiếp đến nội bộ của chế độ Saddam Hussein.

Bộ lạc Abu Nasr của Saddam là thế lực đang lãnh đạo những tổ chức an ninh cấp nhà nước và chắc chắn là điều tiện lợi cho chính phủ Đức khi có các kết nối cá nhân với bộ lạc này. Tuy vậy thời điểm năm 1984 lại là một bước ngoặt cho bang giao CHLB Đức – Iraq. Năm 1984, báo New York Times viết rằng các công ty Đức “Karl Kolb” và hãng liên kết “Pilot Plant” (Nhà máy thí điểm) đã cung cấp thiết bị để sản xuất thuốc trừ sâu ở Iraq. Núp bóng những nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu này, Iraq đã bí mật phát triển các loại vũ khí hóa, sinh nhằm chống lại Iran và người Kurd.

Trong khi người Đức chính thức phủ nhận chuyện này (việc phát triển vũ khí hóa, sinh của Iraq) thì việc đó cũng làm rung chuyển mối quan hệ kinh tế, chính trị Đức – Iraq. Tuy vậy, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cho đến nay toàn bộ hàng xuất khẩu Đức cho Iraq vẫn chưa được giải phóng. Trong suốt cuộc chiến tranh Iran-Iraq, Tây Đức cũng bán không ít thiết bị quân sự và an ninh cho chính quyền Baghdad, bao gồm công nghệ radar, các thiết bị máy tính và thông tin liên lạc.

Những lô hàng xuất khẩu đã cho thấy các công ty Đức đã tránh khỏi Luật kiểm soát vũ khí chiến tranh Đức (GWWCA)) cả thông qua vận động hành lang để xin giấy phép xuất khẩu, cả xuất khẩu thông qua nước thứ 3. Dù bằng cách nào đi chăng nữa, sự chú ý của công luận đối với xuất khẩu đã làm tăng nhu cầu chính phủ Đức dùng BND như một kênh trở lại bí mật ở Iraq.

Cục tình báo Liên bang Tây Đức (BND). Ảnh nguồn: Spiegel.

Hoạt động cảu cơ quan tình báo Iraq

Trong suốt thời cầm quyền của chế độ Saddam Hussein, cơ quan tình báo nước ngoài của Iraq (Mukhabarat) cùng các tùy viên quân sự đồn trú ở hải ngoại chính thực ra là những cơ sở thu thập tình báo chủ yếu cho nhà nước Iraq. Trong khi Mukhabarat là diễn viên chính trong hoạt động thu thập tình báo chính trị, thì Tổng cục tình báo quân sự (DGMI) lại chủ yếu tập trung vào các thông tin liên quan đến quân sự, song thi thoảng cũng cung cấp tình báo chính trị cho chính quyền Iraq.

Đối với Mukhabarat thì việc thu thập tình báo hải ngoại bao gồm 3 trụ cột hoạt động chính: Trước hết, có các sĩ quan liên lạc của Mukhabarat, những người này sẽ đóng vai trò là đối tác của cơ quan tình báo tại nước mà họ hoạt động; Thứ hai, có một bộ phận được gọi là sĩ quan trạm pháp lý, những người này kết hợp với sĩ quan liên lạc sẽ đóng trong đại sứ quán; Cuối cùng là một dạng sĩ quan trạm phi pháp, những người này sẽ làm việc bí mật bên ngoài đại sứ quán.

Tại Đức, các sĩ quan liên lạc Iraq sẽ phụ trách việc trao đổi thông tin với BND dựa trên những đề tài khác nhau liên quan đến an ninh. Việc trao đổi sĩ quan liên lạc được bắt đầu từ thập niên 1980. Tác giả bài viết đã lần theo tin tức trên báo chí Đức, chẳng hạn như DPA và nhận thấy rằng ngay mùa hè năm 1993 có thông tin cho thấy Iraq đã nhận thông tin từ một bộ phận đối lập Iraq đang làm việc cho BND. Các sĩ quan trạm pháp lý sẽ đảm trách thu thập tình báo về những chủ đề theo kế hoạch thường niên của Mukhabarat, kế hoạch đó sẽ bao hàm những thông tin chi tiết cho mỗi bộ phận hoạt động trong năm.

Bên cạnh đó, trong khi sĩ quan liên lạc được chính thức xem là đối tác của cơ quan tình báo nước sở tại, thì họ có vỏ bọc như là lãnh sự làm việc trong đại sứ quán Iraq. Nước sở tại cũng không nhất thiết phải biết công việc thực sự của họ là một viên chức tình báo. Trong khi sĩ quan liên lạc và sĩ quan trạm đều biết rằng họ cùng làm việc cho một cơ quan, nhưng người này không hề biết công việc của người kia.

Cả 2 dạng sĩ quan trên cùng hoàn thành các yếu tố theo kế hoạch hàng năm, và chỉ báo cáo kết quả công việc của mình trực tiếp cho các cấp đứng đầu tương ứng tại Baghdad, thông qua những tập tài liệu Telex được mã hóa riêng biệt. Các sĩ quan trạm phi pháp đóng trong các cơ sở của chính phủ Iraq đặt bên ngoài đại sứ quán. Lấy ví dụ như các trường học, các văn phòng hãng bay tại những sân bay như Frankfurt, phòng thương mại, hoặc trong nhiều tòa nhà công ty khác nhau.

Cũng như các sĩ quan trạm pháp lý, những sĩ quan trạm phi pháp cũng làm việc theo kế hoạch hàng năm do Mukhabarat đề ra. Tại một số nước, các trạm phi pháp còn cung cấp chất lượng tình báo tốt hơn các sĩ quan trạm pháp lý và liên lạc. Các trạm pháp lý sẽ đóng trong các đại sứ quán (và trong phần lớn trường hợp) sẽ hoạt động dưới sự giám sát liên tục của các cơ quan tình báo nước sở tại, vì lẽ đó ít có cơ hội thực hiện các kế hoạch chống lại những thành phần bất đồng chính kiến ở hải ngoại.

Sự quan tâm của người Iraq tại CHLB Đức nằm ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như các hoạt động của những nhân vật đối lập Iraq đang sống tại Đức, cùng các công nghệ và chuyên môn của Đức. Cục tình báo hải ngoại Iraq (IFIA) sử dụng sĩ quan liên lạc cũng như các sĩ quan trạm pháp lý (hợp pháp) và phi pháp để theo dõi và “buộc im lặng” những phong trào đối lập chống lại Iraq ở nước ngoài.

Từ các trạm pháp lý và phi pháp, tình báo Iraq đã hình thành một mạng lưới thu thập thông tin khổng lồ, đặc biệt là trong giới sinh viên. Bằng cách dùng 3 trụ cột hoạt động này, Mukhabarat đã thu thập tình báo về những tổ chức đối lập người Kurd và Shia đang định cư tại Đức. Tương tự, Tùy viên quân sự ở Bonn cũng moi thông tin từ các cuộc họp đối lập ở CHLB Đức.

Một tài liệu từ cơ quan tình báo quân đội Iraq cho thấy rằng đã có một số cuộc họp giữa người Kurd và người Iran ở Đức. Tài liệu này cũng trình bày tổng quan chi tiết về những hoạt động của người Iran và sự tham gia của họ với “Phe Talaban” cùng Đảng Shia Dawa của Iraq.

Những bản án “bịt miệng” đáng sợ

Báo cáo có từ tháng 3 năm 1989 đã mô tả những cuộc họp 2 tuần/ lần giữa 3 đảng phái tại những thành phố như Frankfurt và Hamburg, nhưng thường tổ chức ngay bên trong đại sứ quán Iran ở thành phố Bonn. Mục tiêu của Mukhabarat thường là bắt cóc những người bất đồng chính kiến về lại Iraq nhằm giám sát họ kỹ hơn.

Chẳng hạn như vào ngày 7 tháng 11 năm 1982, Tổng cục An ninh Iraq đã báo cáo về một phần tử chống đối người Kurd đã quay lại Iraq sau thông báo tổng đặc xá từ đầu năm đó. Hội đồng An ninh quốc gia Iraq sau đó đã tung ra một chỉ thị chính thức từ ngày 11 tháng 2 năm 1985 nhằm giám sát những người hồi hương kiểu như phần tử người Kurd nọ.

Nếu những người bất đồng chính kiến và các thế lực chống đối người Iraq không quay lại thì sẽ bị quy chụp là “mối đe dọa chế độ”, lúc đó các cơ quan tình báo Iraq sẽ thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn để “bịt miệng” họ.

Theo các tài liệu của Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức (Stasi) có từ thập niên 1980 thì Bộ tư lệnh cách mạng Iraq (IRC) đã hạ lệnh: “Các đại sứ quán Iraq trên thế giới phải dùng mọi cách để ghi lại, quan sát, và nếu có thể thì phải “vô hiệu hóa” những phần tử cộng sản Iraq, các thế lực chống đối người Kurd, cùng những cá nhân chống lại chế độ Saddam”.

Tới ngày 1 tháng 8 năm 1980, mệnh lệnh trên đã được triển khai bởi 2 quan chức Mukhabarat tại đại sứ quán Iraq ở Đông Berlin. Cả 2 quan chức này cùng lên kế hoạch đánh bom Đại hội sinh viên người Kurd ASTA ở Gesundbrunnen (Tây Berlin).

Bằng cách lợi dụng quyền miễn trừ ngoại giao, 2 người này đã vượt biên giới từ Đông Berlin sang Tây Berlin cùng với 500 gram vật liệu nổ, và đang trù tính giao chiếc va ly chứa thuốc nổ cho người cung cấp tin để người này lẻn vào đại hội. Tuy nhiên, tình báo Syria cũng có những người cung cấp tin trong cộng đồng người Kurd ở Tây Berlin và báo cho BND, cơ quan tình báo này đã cấp báo cho cảnh sát.

Văn Chương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/saddam-hussein-voi-tinh-bao-duc-i642460/