Sách kinh điển khoác'chiếc áo' độc lạ

Cuộc thi tóm tắt 'Truyện dài thành truyện ngắn' do Nhã Nam tổ chức đã mang lại 'chiếc áo' mới lạ và độc đáo cho hàng loạt tác phẩm văn học kinh điển. Với dung lượng siêu ngắn (chỉ từ 5 đến 100 chữ), những cuốn sách dài hàng trăm trang được tóm tắt súc tích và hài hước, kích thích mọi người tò mò tìm đọc bản gốc.

“Bảo chồng là bóng. Người phụ nữ nhận cái kết đắng” - bài tóm tắt của thí sinh H.Y dành cho tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (trích từ "Truyền kỳ mạn lục") của Nguyễn Dữ gây chú ý nhất ở cuộc thi này. Bài dự thi nhận được hơn 260 ngàn lượt yêu thích, tương tác và năm ngàn lượt chia sẻ.Cái nhìn hài hước, lạ lẫm cũng như cách dùng chữ thời thượng khiến “Chuyện người con gái Nam Xương” trở nên cuốn hút, gây tò mò với những ai chưa từng đọc. Chất hài hước giúp bài dự thi ẵm luôn hai giải “Độc giả bình chọn” và “Cây hài quốc dân”.

Bài tóm tắt về tiểu thuyết “Kim Các Tự” - Yukio Mishima đoạt giải Nhất.

Vô số bài dự thi khiến mọi người ồ lên thú vị. Hàng loạt tác phẩm quen thuộc sống lại trong một hình hài siêu ngắn mà bao hàm cả thông điệp, nội dung. Khép lại đầu tháng 4, cuộc thi đã trao giải nhất cho bạn Nguyễn Đình Thắng. Tiểu thuyết “Kim Các Tự” của Yukio Mishima hiện lên với ba câu ngắn mà bao hàm cả linh hồn, thông điệp của tác phẩm nổi tiếng này: “Tôi yêu Cái Đẹp. Tôi thấy chùa đẹp. Tôi đốt chùa”. Giải nhì thuộc về thí sinh Trần Thị Thanh Thúy với bài tóm tắt tác phẩm “Phía sau nghi can X” - Higashino Keigo: “Con tôi vì tôi mới giết hắn. Tôi vì con tôi nên giết hắn. Anh ấy vì chúng tôi mà giết anh ta”. Thí sinh Lê Hoàng Quốc tái hiện “Chú bé mang Pyjama sọc” của John Boyne dưới hình hài một bài thơ: “Pyjama đầy sọc/ Chẳng phải để ngủ nghê/ Năm Bruno 9 tuổi/ Đi chơi chẳng trở về…”.

Bà Đào Phương Thu, đại diện Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho biết: “Bắt nguồn từ việc nhận thấy một thực trạng được rất nhiều độc giả chia sẻ rằng họ thường gặp khó khăn và cảm thấy e ngại khi bắt đầu đọc một cuốn sách mới, đặc biệt là những cuốn sách có dung lượng lớn hoặc những cuốn sách về những chủ đề khó, Nhã Nam đã tổ chức cuộc thi với mong muốn sẽ mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn đa chiều và thú vị hơn về những cuốn sách, từ đó khơi gợi, lan tỏa cảm hứng đọc và viết lách. Đánh trúng tâm lý và mối quan tâm của rất nhiều bạn đọc, cuộc thi đã thu hút sự chú ý và hưởng ứng rất tích cực. Trong một tháng diễn ra, bốn nghìn bài dự thi đã gửi về. Các bài dự thi đều nhận được những phản hồi rất tích cực, hàng ngàn lượt yêu thích, tương tác chia sẻ và tạo nên cuộc thảo luận lớn không chỉ trong cộng đồng yêu thích sách mà còn lan rộng, truyền cảm hứng cho nhiều hội nhóm, cộng đồng khác”.

Dù là cuộc thi tóm tắt sách nhưng các bài thi cho thấy đó không đơn thuần chỉ là tóm lược nội dung. Mà trên hết, các bài thi gần giống như lời giới thiệu một tác phẩm sao cho sáng tạo, hàm súc và khơi gợi nhất theo hướng hiện đại. Đó là cuộc đấu trí giữa câu chữ, óc hài hước và sự sáng tạo. Vậy nên, sức hút của cuộc thi không chỉ nằm ở điểm lắng nghe, nắm bắt trúng tâm lý bạn đọc mà còn đem đến những góc nhìn vô cùng thú vị và mới lạ cho các cuốn sách. Các thí sinh góp phần xóa bỏ “định kiến” về sách như: sách kinh điển thì thật cao siêu, sách trinh thám chỉ toàn giật gân máu me, sách khoa học khô khan.

Tại cuộc thi, độc giả sẽ bất ngờ khi thấy một cuốn sách kinh điển thật hài hước, một cuốn sách trinh thám lại nên thơ trữ tình, hay một cuốn phi hư cấu hóa ra có thể sinh động đến vậy. Tóm tắt cuốn tiểu thuyết kinh điển “Kiêu hãnh và định kiến” của nhà văn Jane Austen, bài dự thi của bạn Khan Shahab Aqsa mang lại góc nhìn hóm hỉnh: “Các gia đình quý tộc Anh quốc thích qua lại tổ chức tiệc nhảy ở nhà nhau”. Hay “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” được tóm tắt đầy lôi cuốn: “Số làm mèo đực mà dòng đời đưa đẩy bắt làm mẹ hải âu”. Còn “Biên niên ký chim vặn dây cót” - Haruki Murakami thì được bạn Triệu Dương ví von “Nếu cuộc đời bế tắc quá thì hãy đi tìm cái giếng và xuống đó ngồi sẽ hết bế tắc”.

Ngoài nội dung súc tích, các thí sinh đa phần là người trẻ nên họ có cách tóm tắt đậm lối ăn nói theo trend (xu hướng). Chẳng hạn “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng được thí sinh Hoàng Ngọc Yến tóm tắt thành: “Food reviewer đời đầu dẫn bạn đi ăn sập Hà Nội. “Con chó săn nhà Baskerville” (Sir Arthur Conan Doyle) thì thành câu nói quảng cáo hay ra rả trên YouTube: “Ba đời nhà tôi… bị chó rượt”. Cuốn “Nhà giả kim” đầy triết thuyết đáng suy ngẫm lại được một bạn khái quát thành tên bài hát cửa miệng của giới trẻ “Đi thật xa để trở về”.

Ngoài những tác phẩm nổi tiếng đã quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc hay sách của những nhà văn đang được yêu thích hiện nay như Haruki Murakami, Higashino Keigo…, rất nhiều tác phẩm khác với đủ thể loại đa dạng cũng được nhiều thí sinh lựa chọn thử sức. Chính vì vậy, không ít cuốn sách giá trị bởi một lý do nào đó chưa được nhiều bạn đọc biết đến nay đã có cơ hội được giới thiệu bằng một phương pháp độc đáo, hấp dẫn. Độc giả Minh Anh chia sẻ: “Trước giờ mình cứ nghĩ các cuốn sách mà được xếp vào hàng kinh điển thì chắc hẳn phải rất khó đọc. Nhưng xem xong phần tóm tắt thú vị này mình nghĩ ắt hẳn cuốn sách sẽ có những điều hay ho lý thú chờ mình khám phá”.

“Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng được thí sinh Hoàng Ngọc Yến tóm tắt thành: “Food reviewer đời đầu dẫn bạn đi ăn sập Hà Nội”.

Không chỉ đa dạng về thể loại, nội dung, các bài dự thi còn rất phong phú trong hình thức thể hiện. Ngoài tóm tắt dưới dạng văn xuôi, thơ, các thí sinh còn thử làm theo lối hò, vè. Nhiều bài thi được trình bày theo hình thức rất sáng tạo. Tóm tắt tác phẩm “Siddhartha - Hermann Hesse”, bạn Mai Trần Khánh Ninh dựng lại theo mô hình tam giác.

Tôi
Học theo
Các nhà sư
Lối tu khổ hạnh
Chịu đói, khát và lạnh
Chỉ để tìm được chân lý
Rồi khi tôi gặp Đức Cồ Đàm
Tôi từ đó bỏ lối sống ảm đạm
Tôi hòa vào guồng sống ăn và làm
Tôi tận hưởng, an phận cuộc đời gai góc
Nhưng đâu biết đó chỉ là phút chốc
Chân lý kia đang trốn ở nơi nao?
Tôi ngước mặt nhìn trời cao
Nghe tim mình thầm thì
Dòng sông huyền bí
Cho tôi thấy
Cuộc đời
"Om".

Là thí sinh đoạt giải nhất, bạn Nguyễn Đình Thắng cho biết việc tóm tắt, cô đọng một cuốn sách dài thành một dòng ngắn đầy thu hút nhìn qua tưởng khó nhưng không hề khó. Nếu ai đam mê, yêu và hiểu tinh thần cuốn sách thì sẽ dễ dàng tóm lược, truyền tải. Sở dĩ Thắng tóm tắt “Kim Các Tự” khá súc tích vì trước đó chàng sinh viên này đã có thời gian gian nghiên cứu, làm báo cáo khoa học về tác phẩm kinh điển của Nhật.

Ngoài “Kim Các Tự”, Thắng gửi rất nhiều bài dự thi để tranh giải. Theo dõi “đối thủ” ở cuộc thi, cậu nể phục óc hài hước, sáng tạo của các bạn. Nhiều bài tóm tắt khiến cậu phải reo lên bất ngờ. Tác phẩm kinh điển hay khoa học khô khan được “hài hước hóa”, “trẻ hóa” khiến chúng trở nên gần gũi với độc giả, đặc biệt là những người trẻ lười đọc. Tuy vậy, do bám theo chất hài hước và muốn câu like, không ít bài dự thi trở thành câu chọc cười vô duyên, khiến giá trị tác phẩm trở nên méo mó, thông điệp bị xuyên tạc.

Nói về sức lan tỏa của cuộc thi, Thắng giãi bày: “Tôi mong muốn những cuộc thi thú vị như thế này sẽ được nhân rộng nhiều hơn để khuyến khích mọi người đọc sách. Với tôi, cuộc thi là một dấu ấn tốt đẹp góp phần mạnh mẽ vào những nỗ lực lan tỏa, khơi gợi tình yêu với văn chương và văn hóa đọc tới cộng đồng”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/sach-kinh-dien-khoacchiec-ao-doc-la-i690576/