'Sách định hướng phát triển bản thân rất quan trọng với học sinh'

Theo tác giả sách 'Tôi chọn sống', lan tỏa văn hóa đọc không nên chỉ dừng ở việc tặng sách, mà cần thực sự truyền động lực cho thế hệ trẻ tìm đến sách và nguồn tri thức từ sách.

Anh Nguyễn Chánh Tín là tác giả sách Tôi chọn sống. Tự truyện kể về hành trình anh vượt qua biến cố lớn của cuộc đời sau tai nạn giao thông khiến anh chấn thương tủy sống cổ, liệt toàn bộ tay chân. Anh là một trong 10 Đại sứ Văn hóa đọc của TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2024.

Anh Tín chia sẻ với Tri thức - Znews về thói quen, sở thích đọc sách, tặng sách, cũng như kỳ vọng lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng hơn nữa trong năm mới.

Anh Nguyễn Chánh Tín. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Không nên áp đặt văn hóa lì xì sách

- Tết đến là dịp để mọi người thực hiện những công việc yêu thích. Anh thường làm gì và dành thời gian đọc sách ra sao trong những ngày đặc biệt này?

- Như các năm trước đây, năm nay tôi đón tết ở TP.HCM và dành nhiều thời gian cho gia đình.

Tôi quan niệm sách và kiến thức nói chung vẫn cần luôn luôn cập nhật. Vậy nên dịp đầu năm tôi có kế hoạch đọc sách như bình thường. Ngoài ra, tôi sẽ dành thời gian ở nhà để viết, chiêm nghiệm lại những thăng trầm, thành quả đã đạt được trong một năm vừa qua.

- Anh có thể chia sẻ thêm về thói quen đọc sách và viết lách của mình?

- Tôi quan niệm không đọc sách bừa mà phải có chiến lược, đọc thể loại liên quan và phục vụ được cuộc sống. Ví dụ, năm 2024 tôi sẽ tập trung tìm hiểu tài chính, đọc các sách lĩnh vực này để quản lý được dòng tiền của mình. Tôi ưu tiên nghe sách nói nhiều, qua các app sách nói như Fonos, do tôi khó khăn hoạt động tay linh hoạt.

Về viết lách, tôi không phải nhà văn chuyên nghiệp, khi viết mục đích của tôi là chia sẻ góc nhìn cuộc sống, trải nghiệm bản thân, điều mình đã chứng kiến, trải qua… Nôm na thì giống các dạng blog ngày nay như vlog, nhưng tôi chọn viết vì với riêng tôi, câu chữ trên trang giấy qua trau chuốt sẽ chắt lọc được những tinh túy chỉn chu nhất.

- Những năm trở lại đây văn hóa lì xì sách Tết đang nở rộ. Năm nay Lễ hội Đường sách TP.HCM cũng lì xì nhiều đầu sách, cả sách giấy và sách nói cho độc giả. Anh từng tặng hoặc nhận lì xì sách chưa? Anh nghĩ văn hóa lì xì sách có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi nghĩ lì xì sách là một văn hóa rất hay. Dịp Tết về một số mối quan hệ để cho tinh tế, thay vì lì xì tiền thì có người chọn tặng sách. Ví dụ bạn bè, đối tác nhân dịp này tặng tôi các sách y khoa chữa bệnh, sách về tâm lý, chữa lành… do tôi làm về lĩnh vực này. Tôi rất thích sách nên không ngại nhận lì xì sách. Mình đọc xong có thể giữ làm kỷ niệm hoặc tặng lại cho người khác để lan tỏa giá trị.

Bản thân tôi cũng gửi lì xì cuốn sách Tôi chọn sống của mình. Tôi muốn lan tỏa sự vui vẻ, tích cực qua những mẩu chuyện trong sách và kỳ vọng người đọc thêm niềm tin và tình yêu cuộc sống, từ đó thực hiện được nhiều nguyện vọng hơn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ lì xì sách cũng có tính tương đối nhất định. Mình cần quan sát tùy vào đối tượng, xem người đó và gia đình đó có thói quen, đam mê đọc sách hay không, yêu thích loại sách gì. Ví dụ có thể lì xì cho trẻ nhỏ truyện tranh, sách có minh họa. Ngoài ra, có thể tặng sách cho các thư viện, cộng đồng đọc sách, các em vùng sâu vùng xa không có nhiều điều kiện tiếp cận với sách, cũng là cách lan tỏa cái Tết ấm cúng.

Nên lì xì sách cho những người yêu thích sách, chứ nên không áp đặt lan tỏa văn hóa này bằng mọi cách, thành ra lại không đúng cách.

Tác giả Nguyễn Chánh Tín

Mặt khác, một số người thiên về tính thiết thực lại thích phong bì lì xì, coi như là lộc đầu năm tượng trưng cho may mắn tiền tài. Có trường hợp lì xì sách sai đối tượng, họ không đụng đến thì sẽ phí tiền, phí sách, phí ân tình của người tặng. Tóm lại, nên lì xì sách cho những người yêu thích sách, chứ không nên áp đặt lan tỏa văn hóa này bằng mọi cách, thành ra lại không đúng cách.

- Năm 2023 ở vai trò Đại sứ Văn hóa đọc, anh có nhận định gì về các thành quả đạt được trong việc lan tỏa văn hóa đọc?

- Theo tôi, năm nay các Đại sứ Văn hóa đọc và các chương trình về đọc sách của thành phố đã thực hiện tốt. Nỗ lực nhất quán từ trên xuống các bộ ban ngành, đưa sách về các kho thư viện, tổ chức các sự kiện chia sẻ, truyền thông về sách rất nhiều. Các đại sứ là những người có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của mình, đều phấn đấu trong khả năng để lan tỏa văn hóa đọc.

Về phần tôi, một thành quả tâm đắc trong năm qua là lan tỏa tình yêu sách đến các bạn học sinh. Trong đó, có dự án của nhà văn Phương Huyền đến các trường học, tôi tuy không đi theo được nhưng chị đã mang sách Tôi chọn sống của tôi đến giới thiệu và truyền cảm hứng cho nhiều em học sinh.

Anh Nguyễn Chánh Tín cùng các đại sứ văn hóa đọc nhận hoa do ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TTTT TP.HCM trao tặng. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Cần có người chia sẻ, làm gương đọc sách cho học sinh

- Anh nhận định như thế nào về văn hóa đọc sách trong đối tượng học sinh-sinh viên, người trẻ hiện nay?

- Tôi vẫn nhớ thời tôi còn đi học, ở nông thôn học sinh không có nhiều điều kiện tiếp xúc với đa dạng các đầu sách. Thời nay đã có nhiều thay đổi, cơ sở vật chất phát triển hơn, có nguồn lực tài chính đầu tư vào các thư viện trường học. Từ không gian đọc sách đến số lượng, thể loại sách đều cải thiện, đa dạng hơn xưa rất nhiều. Nhờ sự phát triển đa dạng của sách điện tử, sách nói bên cạnh sách giấy mà ngày nay độc giả có rất nhiều phương tiện tiếp cận sách hơn.

Tuy nhiên, song song đó là sự phát triển của các công nghệ, phương tiện giải trí khác nên học sinh sinh viên có nhiều lựa chọn. Nhiều em chọn chơi game, dùng mạng xã hội nhiều hơn là dành thời gian đọc sách, tìm tòi tri thức. Tôi nghĩ dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn cần lưu tâm đến văn hóa đọc.

- Anh nghĩ làm thế nào để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa văn hóa đọc đến học sinh, sinh viên, giới trẻ?

- Tôi nghĩ các đầu sách định hướng phát triển bản thân rất quan trọng với lứa tuổi học sinh. Bởi lẽ kiến thức học từ trường lớp là chưa đủ, các em cần được trang bị kỹ năng tư duy, kỹ năng sống, học hỏi từ trải nghiệm thực tế của những người khác.

Một điểm quan trọng là phải có đầu sách phù hợp. Đôi khi các đầu sách dịch từ tiếng nước ngoài khiến các em cảm thấy xa lạ, còn những cuốn sách của các tác giả thấu hiểu đối tượng độc giả trẻ ở đất nước, quê hương mình lại khiến các em cảm nhận được.

Phải có đầu sách phù hợp... truyền động lực cho các em đọc cuốn sách đầu tiên. Phải có cuốn sách đầu tiên, thì mới có cuốn sách thứ hai và sau nữa.

Việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường hiện nay không nên chỉ dừng ở cho, tặng sách đến các thư viện, mà để tối ưu hóa nguồn lực, tránh lãng phí thì cần chú trọng sinh hoạt về sách.

Tác giả, diễn giả về sách nên về tận nơi, phối hợp cùng nhà trường thực hiện các buổi đọc sách, giao lưu, chia sẻ, trao đổi về sách. Từ đây có thể truyền động lực cho các em đọc cuốn sách đầu tiên đó. Phải có cuốn sách đầu tiên, thì mới có cuốn sách thứ hai và sau nữa. Đầu tư phát triển các trạm đọc, câu lạc bộ đọc sách cho học sinh là một ý hay. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể làm gương đọc sách cho học sinh.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-dinh-huong-phat-trien-ban-than-rat-quan-trong-voi-hoc-sinh-post1459758.html