Sách của tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng - Trái tim Việt thổn thức giữa trời Nga!

Từ một nơi xa, tác giả với bao nỗi nhớ về quê hương, có lúc quặn đau, có lúc lại chỉ như 'trở về không' vì mỏi mệt… Nhưng rồi trái tim chất chứa một tình yêu mãnh liệt, lại tiếp tục thắp lên niềm hi vọng, khát khao sống để yêu thương, để trao đi và để tất tả trở về.

Ra mắt sách Nguyễn Huy Hoàng - cuộc hội tụ những tên tuổi

Chiều 3/4/2024 tại Hà Nội, nhà thơ, tiến sỹ văn học Nguyễn Huy Hoàng đã tổ chức một buổi ra mắt sách Nguyễn Huy Hoàng (5 cuốn tuyển thơ và tuyển tập truyện ký như "Trông trời, trông đất, trông mây…", "Giữa những cơn dâu bể"…). Đúng hơn đó là một buổi hội ngộ, gặp gỡ, quy tụ đông đảo các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ... tên tuổi trên khắp đất nước.

Tác giả kính cẩn trao tặng sách cho Giáo sư Nguyễn Kim Đính và từng người thầy, người anh của mình trong buổi ra mắt sách.

Những người đã từng cùng làm việc, cộng tác với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và biết về con người ông, hiểu cuộc đời ông, cảm nhận tác phẩm của ông ẩn chứa những nỗi niềm sâu sắc..., đã cùng nhau có mặt, để chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho nhà thơ với sự ra đời của những tác phẩm văn học rất đáng trân trọng.

Nhà báo Trần Thị Sánh - một bạn học cùng lớp với tác giả (khóa 17, Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã nhận xét: "13 lần Nguyễn Huy Hoàng ra mắt sách, trong đó có 3 lần ở Nga, 10 lần ở Việt Nam và lần nào cũng rất đông người dự, cũng hoành tráng, ấm áp nghĩa tình thầy trò, bạn bè, quê hương và đầy hoa chúc mừng… Điều đó cho thấy cả cuộc đời Hoàng đã lao động và cống hiến bền bỉ, say mê và không ngừng …"

Thông qua những tác phẩm mới ra mắt,chất bình dị và gần gũi rất… đời, cách hành văn trong sáng, mạch lạc, ngắn gọn, không khoa trương, hoa mỹ, tôi đã cảm nhận được dòng chảy cảm xúc của tác giả.

Lần đầu tiên được gặp, được nghe, được giới thiệu về tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và những tác phẩm của ông, cảm giác của tôi là sự cảm phục và kính trọng! Ông là người thầy của rất nhiều thế hệ học trò, còn tôi chỉ là học trò cách xa nhiều thế hệ đúng nghĩa. Nhưng tôi đọc những tác phẩm mới ra mắt, chất bình dị và gần gũi rất… đời, cách hành văn trong sáng, mạch lạc, ngắn gọn, không khoa trương, không nhiều hoa mỹ, đã cảm nhận được dòng chảy cảm xúc của tác giả.

Đối với bất cứ ai, việc cho ra đời những tác phẩm thơ, văn... đều mong muốn góp phần vào sự phát triển văn hóa, tri thức, hay đơn giản là chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm trong cách tạo hình thật đẹp về cảm xúc. Nhưng dường như, đối với tác giả Nguyễn Huy Hoàng, việc viết sách còn là một động lực để sống, là sự kết nối từ quá khứ về hiện tại, sự níu kéo và trân trọng những gì đã qua dù là đau thương, mất mát nhưng vẫn tràn niềm tin và hi vọng, là sự tái hiện một quãng đời, một thế sự thăng trầm, nhiều nỗi niềm, nhiều "điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Hình ảnh buổi ra mắt sách Nguyễn Huy Hoàng (tuyển thơ "Trông trời, trông đất, trông mây..." và tuyển tập Truyện ký "Giữa những cơn dâu bể")

Viết, đối với Nguyễn Huy Hoàng là một sự yên lòng và tự giải thoát, chấp nhận những điều không thể thay đổi

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1953 tại Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là học trò thông minh của trường Chuyên văn Trần Phú, Hà Tĩnh. Sau nhiều năm làm giảng viên Khoa Ngữ văn Đai học Tổng hợp Hà Nội, ông được cử đi làm tiến sĩ văn học tại Thủ đô Moscow – Liên bang Nga. Thế rồi từ đây, cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi bởi một nghịch cảnh đau đớn hơn bất cứ nỗi đau nào: Mất con!

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và bức hình gia đình đầy đủ 4 thành viên (cô con gái, ngoài cùng bên trái, đã mất tích tại nước Nga).

Bạn có thể tìm đọc câu chuyện về sự mất tích đầy bí ẩn của con gái nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trên đất Nga ở nhiều tài liệu trên internet. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói về ông, đó là một tinh thần sống dù quá đau thương nhưng vô cùng mãnh liệt, một niềm hi vọng gần như bất diệt dưới mái đầu bạc trắng, một tâm hồn lặng lẽ sống nhưng bên trong đầy giông bão để cống hiến, làm việc không ngừng nghỉ. Chỉ có như thế ông mới sống để vừa mong tìm lại con, vừa trở thành người có đóng góp tích cực cho văn chương nước nhà. Và đến thời điểm này, ông đã có tới hơn 30 đầu sách, bao gồm dịch thuật, nghiên cứu văn học, thơ và văn xuôi.

Với văn, đó là những trang viết nhân văn với tình cảm yêu quý, trân trọng, cảm thông của Nguyễn Huy Hoàng với thầy, cô đã từng dạy mình, với bạn bè đồng lứa, với học trò, hay với những nhà văn, nhà nghiên cứu có công trình đồ sộ trong và ngoài nước. Qua các bài ký của tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thầy cô, bạn bè của ông được soi rọi bằng con mắt nhân tình, trở nên gần gũi và đáng yêu. Thông điệp tác giả đưa ra: Hãy nhìn mọi người với cái nhìn tích cực, thương yêu!

Với thơ, có lẽ "thầy Hoàng" hiểu và thông cảm với cả thế hệ GenZ, GenY chúng tôi khi cho xuất bản nhiều bài thơ ngắn, rất xúc tích, rất chọn lọc và rất… thấm!

Lần giở những trang còn thơm mùi giấy mới của tuyển tập thơ "Trông trời, trông đất, trông mây" mà tác giả vừa cho ra mắt, tôi nhận thấy những hình ảnh vừa chân thực, gần gũi lại vừa đậm chất thơ, có nét yêu kiều của những vẻ đẹp thiên nhiên, cây cỏ, con người, lại xen lẫn âm thanh thú vị như một khúc nhạc đồng quê.

Tôi rất thích cách "tếu táo" ở những biến tấu bất ngờ mà nhà thơ đưa vào thơ. Những tưởng mạch thơ đang rất lãng mạn, "cổ điển" thì bỗng đâu hiện lên những lối so sánh đầy tính tượng hình dí dỏm như: Tháp nhà thờ như "củ hành vàng khổng lồ!" (Trên nước Nga); "Anh tài xế nào cũng sợ Công an!"; hay "Cành đào Nhật tân xuất ngoại"... Hình ảnh thực có thể đơn sơ, mộc mạc nhưng được nhà thơ khoác cho những chiếc áo ngôn ngữ đẹp xinh lại trở nên lung linh.

Trong mạch văn, thơ của Nguyễn Huy Hoàng, rất nhiều lần ông nhắc đến những kinh nghiệm sống, những giá trị cuộc đời mà chính ông đã trải nghiệm và rút ra. Không phải ai cũng có được những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống như vậy, cho nên người của thế hệ hậu duệ như tôi thấy mình may mắn khi được "dừng lại" nghiền ngẫm những triết lý cuộc đời. Ví như: "Hãy sống hôm nay như lần cuối" - ông đã dùng cụm này để mở đầu tất cả các khổ thơ trong một bài thơ của mình; "Dẫu mai sẽ là ngày tận thế" cũng được tác giả chiêm nghiệm, chia sẻ và phác họa một cách sống động những suy nghĩ đậm chất nhân sinh.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét: "Văn chương khi viết về ngoại quan cũng chính là để thể hiện nội quan. Hình ảnh "những nỗi buồn bạc trắng những ngày xanh" là cụm từ nói lên chính xác những gì Nguyễn Huy Hoàng đã trải qua. Anh đã có tất cả mọi điều ngoại trừ ... bình yên. Cuộc đời sao trớ trêu đến vậy!".

Phong cảnh đẹp nhất trong thơ Nguyễn Huy Hoàng là những hình ảnh nên thơ về cảnh đẹp nước Nga, những mùa thu vàng tuyệt phẩm, những đêm đông trắng đầy tuyết lạnh,... Tất cả những nét đẹp đó lại gợi cho ông nhớ về tổ quốc Việt Nam. Hơn 30 năm sống trên đất nước Nga, không một ngày nào ông không nhớ về quê nhà. Vì vậy với bút pháp đầy nghệ thuật liên tưởng, hình ảnh đất nước Việt Nam hiện lên trong thơ, trong văn của Nguyễn Huy Hoàng càng trở nên sinh động, mê đắm. Trái tim Việt thổn thức giữa trời Nga là vậy!

Ông tự ví mình như người nông dân cày cuốc trên cánh đồng với bao nắng hạn, nhưng mùa vàng sẽ đem về hoa trái bội thu. Và ông cũng lao động cật lực như người nông dân trên cánh đồng chữ nghĩa, để tích trữ lại những "hạt thóc vàng" là những vần thơ lấp lánh, đầy tình yêu thương và nỗi niềm nhung nhớ những giây phút hạnh phúc đã qua.

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng (thứ hai từ trái) chụp ảnh cùng các học trò Khoa Văn khóa 25 - Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) tại buổi ra mắt sách ngày 3/4/2024.

Tuyết Trinh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hien-tuong-ra-sach-cua-tien-si-nguyen-huy-hoang-trai-tim-viet-thon-thuc-giua-troi-nga-179240403161007922.htm