Sắc xuân trên đồi chè Bình Sơn

Khi những cơn mưa xuân lất phất bay cũng là lúc những đồi chè ở xã Bình Sơn (Triệu Sơn) đâm chồi, nảy lộc sau thời gian 'ngủ đông' để chuẩn bị cho mùa thu hoạch đầu tiên của năm. Mùa xuân không phải vụ cây chè cho sản lượng lớn nhất trong năm nhưng hương vị chè xuân được cho là ngon nhất bởi nó kết tinh 'khí trời, vị đất'. Chính vì vậy, những ngày này, người dân xã Bình Sơn đang háo hức, kỳ vọng vào một năm khởi sắc từ cây chè.

Diện tích chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Lê Văn Thanh, thôn Đông Tranh, xã Bình Sơn.

Đến xã Bình Sơn những ngày này, chúng tôi được mãn nhãn bởi màu xanh mướt của những đồi chè trải dài tít tắp. Sau thời gian “ngủ đông” tích trữ năng lượng, dưới sự mát lành của mưa xuân, cây chè đã vươn lên xanh ngát, búp non mơn mởn, căng tràn nhựa sống. Bỏ lại phía sau những con đường dốc ngoằn ngoèo lượn quanh sườn đồi, tại HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, ngay từ cổng vào chúng tôi đã ngửi thấy hương chè thơm vấn vít. Rót mời chúng tôi thưởng thức chén trà nóng, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX, cho biết: Người dân Bình Sơn đã nhiều năm qua sống và phát triển kinh tế nhờ cây chè. Hiện nay, cây chè của địa phương được sản xuất theo quy trình sạch. Vì thế vị trà cũng “còn nguyên” chứ không tẩm hương liệu tạo mùi thơm như nhiều nơi. Nhờ đó chè Bình Sơn đã xây dựng được “thương hiệu”, có sức cạnh tranh trên thị trường. Người dân có thu nhập cao hơn, sống tốt nhờ cây chè và cũng có thêm điều kiện để cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng, kiến thiết quê hương.

Được biết, cây chè đứng chân trên đất Bình Sơn gần một phần tư thế kỷ, trở thành nét đặc trưng trong văn hóa, sản xuất của địa phương. Đến tháng 2-2023, toàn xã Bình Sơn có hơn 350 ha chè, trong đó có khoảng 250 ha đã cho thu hoạch. Chè Bình Sơn được thị trường biết đến với những sản phẩm như chè búp, chè xanh, trà túi lọc... Ngoài HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đứng ra thu mua, chế biến và tiêu thụ chè thì hàng trăm hộ sản xuất trên địa bàn xã đều chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê của UBND xã Bình Sơn, hiện trên địa bàn xã có 400 hộ dân có diện tích trồng chè. Trong đó, có 100 hộ sản xuất chè búp, còn lại là các hộ chỉ sản xuất chè lá. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Bình Sơn, ngoài HTX thu mua, tiêu thụ chè với khối lượng khoảng 20% sản lượng toàn vùng thì chưa có công ty, doanh nghiệp nào đứng ra liên kết tiêu thụ chè cho người dân. Do đó, Nhân dân trên địa bàn xã đã vận dụng mô hình “mỗi hộ gia đình là một nhà máy chế biến chè” và đầu tư máy móc để chủ động sao chè, đóng hút chân không, in lô gô, nhãn mác... tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Trên lưng chừng đồi thuộc thôn Đông Tranh, gia đình ông Lê Văn Thanh đang tranh thủ thu hái lứa chè xuân trên triền đồi uốn lượn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thanh, hào hứng chia sẻ: “Từ tháng 12 âm lịch, gia đình tôi bắt đầu đốn chè, tạo tán, sau đó dọn dẹp cỏ dại, bón phân để cây chè tích trữ năng lượng cho mùa sản xuất tiếp theo. Sau tết, tiết trời ấm lại có mưa xuân nên cây chè phát triển xanh tốt. Thường khoảng 45 ngày sau khi cho “ngủ”, cây chè sẽ cho thu hoạch. Lứa chè đầu tiên của năm, cây chắt chiu dưỡng chất nên bao giờ cũng thơm ngon hơn những lứa chè còn lại trong năm. Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm khách hàng lựa chọn, mua chè nhiều nhất, giá thành cũng cao hơn những thời điểm khác. Nhiều khi sản lượng làm ra không đủ cung cấp cho thị trường”.

Qua tìm hiểu thực tế, hộ gia đình ông Lê Văn Thanh là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã Bình Sơn tham gia sản xuất cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ ứng dụng quy trình chăm sóc hợp chuẩn và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên đồi chè của gia đình ông luôn cho năng suất ổn định khoảng 7 tấn chè tươi/ha/năm, tương đương với 1,5 tấn trà/ha/năm, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/ha/năm và trở thành mô hình điểm về sản xuất chè sạch tại địa phương. Ngoài việc sản xuất sạch, hộ gia đình ông Thanh còn đầu tư lò sao chè bằng thép, máy hút chân không, máy đóng túi... để có những sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường.

Theo thống kê của UBND xã Bình Sơn, hiện trên địa bàn xã có 400 hộ dân có diện tích trồng chè. Trong đó, có 100 hộ sản xuất chè búp, còn lại là các hộ chỉ sản xuất chè lá. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Bình Sơn, ngoài HTX thu mua, tiêu thụ chè với khối lượng khoảng 20% sản lượng toàn vùng thì chưa có công ty, doanh nghiệp nào đứng ra liên kết tiêu thụ chè cho người dân. Do đó, Nhân dân trên địa bàn xã đã vận dụng mô hình “mỗi hộ gia đình là một nhà máy chế biến chè” và đầu tư máy móc để chủ động sao chè, đóng hút chân không, in lô gô, nhãn mác... tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy có nhiều nhãn hiệu chè khác nhau song theo các hộ sản xuất chè búp, để có sản phẩm chè thơm ngon, đúng vị, từ lúc thu hoạch cho đến khi ra thành phẩm, người dân phải thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật. Bí quyết quan trọng là thu hái khi chè đến lứa, tránh để lá quá già. Sau khi hái xong, các búp chè được đưa vào sao trực tiếp chứ không để qua đêm. Đặc biệt, bà con cũng đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất như: sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động, sử dụng máy hút chân không để bảo quản trà; sản xuất chè theo hướng VietGAP... Chè sao xong được lấy hương cẩn thận rồi bảo quản trong túi hút chân không để tránh ẩm mốc.

Nhờ sự nỗ lực cố gắng của bà con cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, đến nay, xã Bình Sơn đã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao từ cây chè là Chè xanh sạch Bình Sơn và Trà xanh túi lọc Bình Sơn.

Với mong muốn nâng cao thu nhập từ cây chè, UBND xã Bình Sơn đã lồng ghép nhiều nguồn kinh phí, dự án để hỗ trợ Nhân dân mở rộng diện tích trồng chè, kỹ thuật sản xuất cũng như tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô nhà xưởng, ứng dụng máy móc hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm. Hàng năm, thông qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tích tụ đất đai, trên địa bàn xã Bình Sơn có hàng chục ha chè được trồng mới với các giống chè chất lượng, như: PH8, PH1, PH2... Đồng thời, mở rộng diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sự nỗ lực cố gắng của bà con cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, đến nay, xã Bình Sơn đã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao từ cây chè là Chè xanh sạch Bình Sơn và Trà xanh túi lọc Bình Sơn. Từ sản phẩm truyền thống với chất lượng vượt trội và chiến lược phát triển phù hợp, đến nay, các sản phẩm chè Bình Sơn đã vượt ra khỏi thị trường tỉnh Thanh Hóa, được khách hàng nhiều tỉnh, thành phố tin dùng.

Ông Lê Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, cho biết: “Nhiều năm qua, chè là cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân và là nguồn lực để địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới. Với những hỗ trợ từ các cấp, ngành và sự chủ động của người dân, đến nay, “thương hiệu” chè Bình Sơn đã khẳng định được vị thế, có sức cạnh tranh trên thị trường. UBND xã tiếp tục phối hợp với các cấp, sở, ngành để tìm kiếm, hỗ trợ HTX và các hộ sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhằm có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ chè. Đồng thời, đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm trên những vùng trồng chè để khai thác hết tiềm năng, vẻ đẹp tại địa phương. Với những nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, chúng tôi tin tưởng rằng thu nhập của người dân sẽ nâng cao, Bình Sơn sẽ ngày một khởi sắc nhờ cây chè”.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/sac-xuan-tren-doi-che-binh-son/179829.htm