Sắc màu cuộc sống của cô gái khuyết tật

Ngọc Huyền

BPO - Nhờ vẽ tranh mà tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ, lạc quan và nhiều màu sắc hơn. Hội họa đã hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống của người khuyết tật như tôi từ tinh thần đến vật chất”. Đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Phượng (SN 1995) ở ấp 6, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài, một người khuyết tật giàu nghị lực.

Chị Phượng bị vẹo cột sống và bệnh tim bẩm sinh, dù được cha mẹ đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không cải thiện. Năm học lớp 11, do sức khỏe quá yếu, Phượng đành khép lại giấc mơ đèn sách. Khi ấy, Phượng buồn lắm, mọi cánh cửa tương lai dường như đóng sập lại trước mắt cô gái vừa bước vào tuổi xuân thì.

Vẽ tranh mỗi ngày là niềm đam mê của chị Phạm Thị Phượng

Vẽ tranh mỗi ngày là niềm đam mê của chị Phạm Thị Phượng

Không cam tâm phó mặc số phận, sau những ngày buồn tủi, Phượng quyết tâm vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Chị bắt đầu lên mạng xã hội, tham gia vào nhóm cộng đồng người khuyết tật. Được anh chị trong nhóm cùng người thân động viên, chị tìm tòi, học hỏi kiến thức về hội họa trên Google, YouTube, học từ cách bố cục, màu sắc, đường nét, họa tiết đến cách vẽ tranh sơn dầu, tranh chì… Cứ như thế, niềm đam mê vẽ tranh dần hình thành và ngày một cháy bỏng ở cô gái khuyết tật giàu nghị lực này.

Chị Phượng chia sẻ, nhờ vẽ tranh mà tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ, lạc quan và nhiều màu sắc hơn. Vẽ tranh đã hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống của người khuyết tật như tôi từ tinh thần đến vật chất. Tôi cũng nhận thấy những bức tranh đầu tiên của mình so với bây giờ đã có sự thay đổi rất lớn.

Ông Phạm Văn Lực (áo đỏ) và chị Phan Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Thành xem chị Phượng vẽ tranh

Ông Phạm Văn Lực (áo đỏ) và chị Phan Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Thành xem chị Phượng vẽ tranh

Chủ đề chị Phượng thích vẽ nhất là thiên nhiên và phong cảnh làng quê. Dù chưa một ngày trải qua học tập ở trường hội họa chính quy, nhưng tranh chị vẽ rất có hồn. Hầu hết tác phẩm đều mang màu sắc tươi sáng, ấm áp, tạo sự dễ chịu cho người thưởng lãm. Ban đầu, chị đăng những bức tranh đã hoàn thành lên mạng xã hội như cách để lưu giữ và chia sẻ niềm đam mê vẽ tranh với cộng đồng. Dần dần, có người thấy tranh đẹp đã liên hệ để mua, cũng có người đặt hàng chị vẽ theo yêu cầu. Tất cả sự ủng hộ ấy, chị vô cùng trân trọng, xem đó là động lực để tiếp tục học tập, rèn luyện.

Ông Phạm Văn Lực, cha của chị Phượng cho hay, khi thấy con tự học hỏi và có niềm đam mê vẽ tranh, gia đình luôn ủng hộ, đồng thời tạo mọi điều kiện cho con. Ông mừng vì con gái đã tìm thấy niềm vui sau khi phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Vợ chồng ông cũng hay nhắc con phải giữ gìn sức khỏe thì mới có thể nuôi dưỡng và kéo dài niềm đam mê ấy.

Một số bức tranh đã hoàn thiện của chị Phạm Thị Phượng

Một số bức tranh đã hoàn thiện của chị Phạm Thị Phượng

Do sức khỏe yếu nên mỗi ngày chị chỉ cầm cọ vẽ được một lúc là phải nghỉ. Dù vậy, cô gái giàu nghị lực này vẫn ấp ủ ước mơ gặp được một người thầy dạy bài bản về hội họa để nâng cao chất lượng tác phẩm.

Chị Phượng luôn tâm niệm bản thân phải “học, học nữa, học mãi”. Ngoài trường lớp, mỗi người có thể học hỏi, nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng sống từ nhiều kênh khác nhau như: thực tế cuộc sống hằng ngày, sách báo, internet… Chỉ cần có sự kiên trì và tinh thần lạc quan, mỗi người hoàn toàn có thể tạo nên điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Em Phạm Thị Phượng là tấm gương sáng của xã về nỗ lực tự học, tự rèn. Nghị lực vươn lên, vượt qua mặc cảm cùng tinh thần lạc quan, thái độ sống tích cực của em xứng đáng để mỗi người học tập, noi theo.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Thành PHAN THỊ DUNG

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/149694/sac-mau-cuoc-song-cua-co-gai-khuyet-tat