Sabeco đóng góp bao nhiêu vào lợi nhuận quý I của công ty mẹ ThaiBev?

Mới đây, Thai Beverage (ThaiBev), Công ty mẹ của Sabeco (mã: SAB) đã công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên cho năm tài chính 2023 – 2024 (niên độ 1/10/2023 - 30/9/2024).

Tính riêng quý II theo niên độ tài chính (từ 1/1 – 31/3/2024), ThaiBev đạt doanh thu 71,6 tỷ baht (tương đương gần 51.000 tỷ đồng theo tỷ giá 1 baht = 708 đồng), tăng 6,3% so với cùng kỳ. Sau thuế, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế hơn 7,7 tỷ baht (gần 5.500 tỷ đồng), tăng 7%.

 Kết quả kinh doanh của ThaiBev trong quý II và nửa niên độ 2023-2024. Ảnh: ThaiBev

Kết quả kinh doanh của ThaiBev trong quý II và nửa niên độ 2023-2024. Ảnh: ThaiBev

Phần lớn lợi nhuận của ThaiBev đến từ mảng rượu, chiếm hơn 5,8 tỷ baht (khoảng 4.100 tỷ đồng), tăng nhẹ so với năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận mảng bia của ThaiBev có sự tăng trưởng mạnh, từ 559 triệu baht (~395 tỷ đồng) lên 755 triệu baht (~535 tỷ đồng), tương ứng tăng 35%, bất chấp việc công ty con Sabeco gặp trở ngại vì ảnh hưởng từ Nghị định 100 cấm người sử dụng phương tiện tham gia giao thông khi có nồng độ cồn tại Việt Nam.

Cụ thể, dù Sabeco ghi nhận doanh thu trong quý I gần 7.184 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng chi phí và giá vốn tăng đã khiến biên lãi gộp của doanh nghiệp giảm xuống 29%, so với mức 31% cùng kỳ. Sau thuế, doanh nghiệp này báo lợi nhuận sau thuế gần 1.024 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Với mức lợi nhuận này, Sabeco đã đóng góp gần 19% lợi nhuận cho ThaiBev trong quý đầu năm nay.

Đóng góp của mảng bia trong kết quả kinh doanh nửa đầu niên độ của ThaiBev. Ảnh: ThaiBev

Đóng góp của mảng bia trong kết quả kinh doanh nửa đầu niên độ của ThaiBev. Ảnh: ThaiBev

Lũy kế nửa đầu niên độ, ThaiBev đạt gần 148 tỷ baht doanh thu (~105.000 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ; lãi ròng 15 tỷ baht (~10.600 tỷ đồng), đi lùi 5,6%. Đóng góp phần lớn vào lợi nhuận vẫn là mảng rượu (gần 12,5 tỷ baht, tương đương 8.850 tỷ đồng), đồng thời mảng bia vẫn tăng trưởng tốt với 21%, lên gần 1,6 tỷ baht (~1.132 tỷ đồng)

 Kết quả kinh doanh của ThaiBev trong quý II và nửa niên độ 2023-2024. Ảnh: ThaiBev

Kết quả kinh doanh của ThaiBev trong quý II và nửa niên độ 2023-2024. Ảnh: ThaiBev

Trước đó, ngành bia từng chiếm tới 90% doanh thu của ThaiBev. Thế nhưng trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng hướng tới ý thức về sức khỏe nhiều hơn, doanh nghiệp này đã tìm cách đa dạng hóa mô hình kinh doanh.

Hồi cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã công bố kế hoạch đầu tư 8 tỷ baht (tương đương 223 triệu USD) cho năm 2023, theo Asia Nikkei. Trong đó, khoảng 30% rót vào các mảng kinh doanh ngoài bia gồm khoảng 1,1 tỷ baht cho thực phẩm, 300-400 triệu baht cho đồ uống không cồn và 600-800 triệu baht vào rượu chưng cất. Phần còn lại dành để phát triển các lĩnh vực hậu cần, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y tế. Đến nay, trừ mảng thực phẩm, các mảng kinh doanh khác đã bắt đầu đem lại doanh thu và lợi nhuận cho ThaiBev.

Trong số các công ty con, lãnh đạo ThaiBev từng khẳng định, Sabeco là 'viên ngọc quý', tài sản hiếm có tại khu vực Đông Nam Á, niềm tin đó càng được củng cố khi năm 2024, SAB tự tin với "cơ hội vàng" đưa doanh thu và lợi nhuận 2024 tăng trưởng, tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 35% năm 2023, tương đương với số tiền mặt dự chi 4.489 tỷ đồng. Thông qua công ty con là Vietnam Beverage, với hơn 687 triệu cổ phiếu SAB đang nắm giữ, ước tính ThaiBev sẽ nhận được hơn 2.400 tỷ đồng từ doanh nghiệp bia này.

Kể từ thời điểm cuối năm 2017 tới nay, đều đặn mỗi năm doanh nghiệp của tỷ phú người Thái đã bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng “tiền tươi” từ cổ tức. Nhiều nhất là mức cổ tức của năm 2018 và cổ tức của năm 2022 với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt, tương ứng mỗi năm có 1.718 tỷ đồng tiền cổ tức của Sabeco thuộc về Thai Beverage; còn lại các năm khác đồng loạt ở mức 35%.

Là một trong hai doanh nghiệp đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam, thị phần của Sabeco bắt đầu bị thu hẹp từ năm 2019 trước sự "bành trướng" của Heniken khi liên tục ra mắt các dòng sản phẩm mới như Heniken Silver, Heniken 0 độ cồn. Tuy nhiên, Sabeco vẫn có ưu thế về thương hiệu Việt như bia 333, bia Saigon Chill. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp cũng góp phần giúp công ty giữ được vị thế và thị phần của mình.

Báo cáo của ShinhanSec chỉ ra rằng, với sự gia tăng trong thu nhập, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ phân khúc bình dân sang phân khúc phổ thông và từ phân khúc phổ thông sang phân khúc cao cấp. Theo Euromonitor, bia cao cấp được dự báo tăng trưởng kép 12,7% trong giai đoạn 2021-2026, cao hơn so với tăng trưởng bình quân của ngành ở mức 4%.

Theo dự phóng của ShinhanSec, doanh thu thuần năm 2024 của Sabeco sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ 6,3% so với năm trước do việc chuyển đổi thói quen tiêu thụ từ tiêu thụ tại chỗ sang mua mang về có thể cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng sẽ cải thiện lên mức 34,6% từ mức 33,4% nhờ sự giảm giá của nguyên vật liệu đầu vào.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/sabeco-dong-gop-bao-nhieu-vao-loi-nhuan-quy-i-cua-cong-ty-me-thaibev.html