Sa Pa 'tung chiêu' khiến khách đến du lịch cả tuần không chán

Những năm qua, Sa Pa (Lào Cai) là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, đồng thời cũng gây tiếng vang trên truyền thông quốc tế, liên tục lọt vào các bảng xếp hạng du lịch uy tín nhất thế giới.

Sa Pa muốn du khách tới một tuần cũng không nhàm chán

Sa Pa là mảnh đất hội tụ 3 trụ cột quan trọng để phát triển du lịch, bao gồm: Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; Khí hậu đặc trưng (mát vào mùa hè, có thể săn tuyết vào mùa đông); Bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo.

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đặc sắc, thân thiện, chuyên nghiệp, hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN”, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn cho biết: “Những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2023, thị xã đón hơn 3,68 triệu lượt khách, doanh thu đạt 12.707 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, Sa Pa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.900 tỷ đồng.

Hiện nay, thị xã có 711 cơ sở lưu trú, 283 cơ sở dịch vụ ăn uống, 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu niệm và quà tặng... Sa Pa nhận được những bình chọn ấn tượng như Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á; Top 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; 1/10 điểm ngắm tuyết đẹp nhất châu Á… Từ nền tảng này, thị xã Sa Pa xác định mục tiêu sẽ trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN vào năm 2025”.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch Sa Pa "Bản sắc - Hấp dẫn - Thân thiện - Chuyên nghiệp hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN", thị xã Sa Pa thực hiện triển khai 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Phát triển hạ tầng du lịch; Phát triển nguồn nhân lực Khu du lịch quốc gia Sa Pa theo tiêu chuẩn quốc tế; Nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; Tăng cường xúc tiến du lịch và quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa; Giải quyết cơ bản tình trạng chèo kéo, đeo bám khách; Bảo tồn, khai thác những giá trị văn hóa vật thể; Bảo tồn văn hóa phi vật thể.

Trong đó, Sa Pa sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực để phát triển sản phẩm du lịch bản sắc, hấp dẫn, chuyên nghiệp. "Chúng tôi muốn khách du lịch tới Sa Pa 1 tuần mà không nhàm chán", bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho hay.

Sa Pa là nơi du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng thu hút khách quốc tế. Ảnh: Linh Trang

Theo đó, Sa Pa dự kiến xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc trên địa bàn với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống". Trong đó, thị xã này tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó. Bà Vượng cho hay, mỗi điểm du lịch cộng đồng sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm ẩm thực, văn hóa, cảnh quan riêng, khiến họ luôn háo hức khám phá.

Đồng thời Sa Pa cũng phát triển sản phẩm du lịch "Thiên đường nghỉ dưỡng núi"; "Sa Pa - xứ sở các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn"; Du lịch tâm linh gắn với các di tích Đền, chùa; Sa Pa- du lịch 5 mùa (Xuân, hạ, thu, đông và mùa xứ sở tình yêu)...

Mong chờ chuyên gia, doanh nghiệp "hiến kế"

Bên cạnh thành tựu đạt được, trong những năm qua, du lịch Sa Pa còn bộc lộ một số hạn chế và thách thức như: Sự tăng trưởng nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng; sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, cảnh quan; quá trình đô thị hóa nhanh làm giảm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Cơ sở vật chất chuyên ngành về du lịch và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao đặc biệt sau đại dịch Covid-19; du lịch cộng đồng chưa rõ nét, tình trạng trẻ em chèo kéo, đeo bám và ăn xin vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn, Sa Pa luôn mong chờ các chuyên gia, doanh nghiệp "hiến kế" để Sa Pa khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Sa Pa định hướng trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay, đó là xây dựng các đô thị đáng sống. Vì thế, cần định hướng đưa Sa Pa trở thành một thương hiệu du lịch không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Muốn vậy, cần tăng cường bảo vệ, giữ gìn các giá trị cốt lõi về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn và phải có những điểm nổi bật để tạo lợi thế cạnh tranh.

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất, du lịch Sa Pa cần phát triển theo hướng bền vững. "Để phát triển du lịch bền vững thì con đường thực hiện chính là du lịch có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm với môi trường, với xã hội và kinh tế. Chúng ta phải giữ được môi trường, tạo môi trường văn minh, thân thiện, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân sở tại. Chúng ta cũng phải đưa vấn đề "định vị” cho du lịch Sa Pa, cố gắng hướng tới mục tiêu khiến du khách thấy rằng: Chưa đến Sa Pa là chưa du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta phải có những đánh giá, khảo sát về nhu cầu của khách du lịch để từ đó xây dựng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của khách một cách bền vững”.

Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội

UBND Thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đang tổ chức “Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội” từ 5-7/4. Trong khuôn khổ ngày hội, nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá, xúc tiến văn hóa, du lịch Sa Pa.

Ngày hội tập trung diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực phố đi bộ Hồ Gươm với các hoạt động, như: Không gian văn hóa du lịch Sa Pa; chương trình nghệ thuật “Vũ điệu dưới trăng”; tái hiện không gian chợ phiên và chợ tình Sa Pa “Điểm hẹn - Chợ tình”; trình diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, các gian hàng giới thiệu nông sản, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Sa Pa…

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sa-pa-tung-chieu-khien-khach-den-du-lich-ca-tuan-khong-chan-2267614.html