Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

Một trong những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) là tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai. Điều này giúp giảm thiểu thực hiện thủ tục hành chính đất đai, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều. Luật mới đã sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.

Trong đó, Chương XIV của Luật đã quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, theo đó việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai phải bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch; phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó. Các thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

Quy định về công bố, công khai thủ tục hành chính về đất đai; trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Tại Điều 223, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ, các thủ tục hành chính về đất đai gồm có 10 thủ tục. Cụ thể bao gồm các thủ tục: Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất; Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thủ tục đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp; Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất; Thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất; Thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính; Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai; Thủ tục hành chính khác về đất đai.

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định rõ các nguyên tắc khi thực hiện các thủ tục này. Theo đó, quá trình thực hiện thủ tục phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: Đảm bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; Bảo đảm phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Nguyên tắc thứ 3 là tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp.

Các thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

Cuối cùng, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.

Đặc biệt, để tăng cường sự minh bạch, cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về công bố, công khai thủ tục hành chính về đất đai. Theo đó, thủ tục hành chính về đất đai sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố theo quy định của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính.

Ngoài ra, luật cũng quy định nội dung công khai thủ tục hành chính về đất đai gồm: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Thời gian giải quyết đối với từng thủ tục hành chính; Thành phần, số lượng hồ sơ đối với từng thủ tục hành chính; Quy trình và trách nhiệm giải quyết từng thủ tục hành chính; Nghĩa vụ tài chính, phí và lệ phí phải nộp đối với từng thủ tục hành chính; Nội dung khác của bộ thủ tục hành chính (nếu có).

Việc công khai về các nội dung trên thực hiện bằng hình thức niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đăng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã.

Không chỉ quy định các thủ tục hành chính về đất đai, mà Luật Đất đai (sửa đổi) còn quy định rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể trong thực hiện các thủ tục này. Theo đó, bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm thống nhất giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác có liên quan. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương; quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương để giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và thủ tục hành chính khác có liên quan; tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định và công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Việc quy định cụ thể từng thủ tục, phương thức công khai, cũng như quy định rõ trách nhiệm đến từng cơ quan, chủ thể liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp, thực hiện các thủ tục hành chính, tránh tình trạng “cát cứ” khi thực hiện. Qua đó, giúp giảm thiểu các chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Luật Đất đai (sửa đổi) còn có nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Nếu như Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể thì Luật Đất đai (sửa đổi) đã phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất.

Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện theo quy định của luật này”.

Việc phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể trong một số trường hợp sẽ giúp đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/rut-ngan-thoi-gian-thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-ve-dat-dai-20240419142832693.htm