Rườm rà thủ tục, chậm thanh toán gây tổn thương những người xung kích chống dịch

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, những chiến sỹ, lực lượng tuyến đầu chống dịch không cần biết họ sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, vì trong lúc dịch bệnh cấp bách, họ chỉ lo bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết. Nhưng chúng ta chậm thanh toán gây tổn thương đến tinh thần của họ...

Vướng mắc chống dịch: khách quan phải giải quyết, chủ quan phải xử lý

Chiều 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá, Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp đặc biệt cùng với cơ chế đặc thù, đặc biệt, đặc cách, đã chia sẻ trách nhiệm, trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ, là cách làm chưa có tiền lệ, đã tạo sức mạnh tổng hợp, huy động tổng lực, tối đa các nguồn lực cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh.

ĐBQH Dương Khắc Mai.

"Nghị quyết 30 đã đã định khung, định hình, đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả, làm thay đổi cục diện chống dịch", ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, chiến lược ngoại giao vaccine, chiến lược tiêm chủng vaccine cùng nhiều biện pháp khác, cùng với sự cống hiến hết mình, quên mình của các lực lượng tham gia chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu, nước ta đã cơ bản khống chế được đại dịch, tạo điều kiện tiên quyết đưa cuộc sống toàn xã hội trở lại bình thường, tạo bước đột phá chiến lược cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vững chắc cho đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai nhìn nhận, đại dịch COVID-19 "như một cơn cuồng phong có tuổi thọ cao hơn bất kỳ cơn bão nào", đã làm xuất hiện những lỗ hổng, kẽ hở trong nhiều cơ chế, chính sách... mà có những việc phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết.

Toàn cảnh hội trường.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ông đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện thực tiễn chống dịch và những vướng mắc phát sinh... như một chứng cứ lịch sử, làm cẩm nang cho hiện tại và con cháu mai sau. "Cần cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chống dịch tại địa phương và các bộ ngành, những vấn đề mang tính khách quan cần có biện pháp giải quyết; những việc chủ quan thì phải xử lý" - ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu. Đồng thời, các cơ chế, chính sách, giải pháp phải như một liệu pháp đủ mạnh để "xốc" lại tinh thần hăng say, nhiệt huyết, xả thân vì cộng đồng của tất cả lực lượng tham gia chống dịch, để chúng ta có đủ lực lượng dự phòng, ứng phó kịp thời với những vấn đề tương tự trong tương lai.

Chúng ta đặt gánh nặng sản xuất vaccine trên vai những công ty tư nhân

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cũng đánh giá cao Nghị quyết số 30 - sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ đã huy động nhiều lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, trong đó có 300.000 cán bộ Y tế, Quân đội, Công an và 31 địa phương tham gia hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch; nhất trí việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30. Tuy nhiên, việc chậm thanh toán cho các chiến sỹ, cho các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân.

"Họ không cần biết họ sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, vì lúc đó họ chỉ lo bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết. Nhưng chúng ta cứ căn cứ thủ tục, chậm thanh toán gây tổn thương đến tinh thần của họ", đại biểu lưu ý.

Do đó, ông đề nghị việc thanh toán cho lực lượng tuyến đầu, thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 quy định trong dự thảo Nghị quyết các thủ tục phải hết sức đơn giản, rút gọn. Nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng, chống các dịch bệnh...

Liên quan việc thanh toán chế độ, chi phí, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ, ông rất vui vì điều đó đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết kỳ họp Quốc hội tại Điều 2, hy vọng rằng sẽ được thông qua. "Chúng ta cần nhìn nhận lý do vì sao để chậm trễ thế này, Quốc hội đã cho phép, Chính phủ không phải thiếu kinh phí. Đó là do thiếu tinh thần trách nhiệm; vì chưa rõ cần làm thế nào, đặc biệt là bị mất phương hướng sau khi một loạt sai phạm xảy ra; và vì những người có trách nhiệm sợ sai", đại biểu thẳng thắn chỉ rõ.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc này quyết liệt, cần làm ngay, chỉ ra cách làm như thế nào và cụ thể cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. "Đừng để tồn đọng nữa, mất niềm tin của Nhân dân", ông nhấn mạnh.

Đề cập vấn đề vaccine, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định, cuối cùng chúng ta rất thành công, được đánh giá rất cao về chiến lược ngoại giao vaccine, nhờ có vaccine mà dập được dịch căn cơ, bài bản. Nhưng cũng cần rút kinh nghiệm trong sản xuất vaccine, vừa qua Việt Nam không có vaccine riêng của đất nước mình. "Lý do là mình đã đi sai đường, chúng ta đã đặt gánh nặng sản xuất vaccine trên vai những công ty tư nhân. Công ty tư nhân tốt, nhiều tiền, nhưng về trí tuệ, kiến thức khoa học chưa đầy đủ. Tại sao không tập trung đội ngũ những nhà khoa học sản xuất vaccine, tiếp thu cho hết kiến thức của thế giới để làm vaccine?", ông phân tích.

Theo đại biểu, chúng ta "không đi từ A đến Z" mà có thể mời chuyên gia quốc tế, mua hẳn công nghệ để tổ chức nhà máy sản xuất, kịp thời có ngay cho người dân sử dụng. Chính Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đứng ra làm điều này.

"Thời gian qua, áp lực sản xuất vaccine trong nước nhiều lúc đã chuyển qua cho chính các nhà khoa học, thậm chí cả Thủ tướng Chính phủ. Nhưng rất may chúng ta đã không cho phép lưu hành vaccine sản xuất "chưa đến đầu đến đũa" phục vụ Nhân dân, nếu không sẽ rất tai hại" - ĐBQH TP Hà Nội đánh giá và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm tổ chức hệ thống sản xuất vaccine bài bản, quy củ, đúng cách, phục vụ đất nước phòng, chống những đợt dịch khác tương tự...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ruom-ra-thu-tuc-cham-thanh-toan-gay-ton-thuong-nhung-nguoi-xung-kich-chong-dich--i680339/