'Rừng' thủ tục, điều kiện kinh doanh vẫn đang cản bước doanh nghiệp

Các doanh nghiệp phản ánh hiện nay có nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh… và tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam phàn nàn về những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải như một dự án bất động sản không biết bao nhiêu cơ quan từ môi trường, phòng cháy chữa cháy, công an, cán bộ tổ dân phố… đều có thể đến kiểm tra.

Doanh nghiệp 'bó tay'

Trong đó, những bất cập của quy định phòng cháy chữa cháy đang tác động trực tiếp tới doanh nghiệp xây dựng và bất động sản. Cụ thể, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) sửa liên tục 3 năm (2019 – 2021), khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Bất cập quy định về phòng cháy, chữa cháy là khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.

Bất cập quy định về phòng cháy, chữa cháy là khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.

Theo ông Hiệp, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy có nhiều điểm bất hợp lý như tòa nhà 20 tầng phải có 1 tầng lánh nạn. “Tôi chất vấn lại Bộ Xây dựng, đã cháy có ai dám đứng ở tầng lánh nạn không, chưa kể để xây dựng tầng lánh nạn, chủ đầu tư sẽ phân bổ chi phí đội thêm này vào giá thành, giá bán người dùng chịu. Lúc trước quy định có một phòng lánh nạn, giờ quy định một tầng lánh nạn là quá bất cập”, ông Hiệp chia sẻ.

Liên quan đến quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua đã ở tình trạng nhà máy xây dựng xong nhưng không được cấp phép phòng phòng cháy chữa cháy nên ở trong trạng thái “chờ”.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn cơ quan chức năng khi xây dựng chính sách thì hãy lấy ý kiến doanh nghiệp. “Mặt khác, trước yêu cầu giấy tờ, thủ tục hành chính, thậm chí doanh nghiệp nỗ lực thu thập thông tin, nộp lên bộ phận tiếp nhận nhưng vẫn không nhận được quyết định rằng hồ sơ được duyệt hay từ chối, có hồ sơ kéo dài cả năm”, vị đại diện này cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, phải chăng hiện nay đang xuất hiện tình trạng cán bộ quản lý đòi nhiều giấy tờ hơn so với thông lệ, quy định.

Ông Nam nói: Cơ quan thực thi ở phía dưới đang đòi nhiều giấy tờ hơn, nói cơ quan nhà nước yêu cầu thêm giấy tờ trong trường hợp cần thiết nhưng không ai định nghĩa cần thiết là khi nào. Đề nghị cung cấp thêm nhiều giấy tờ tư liệu, đủ thông tin nọ kia nhưng khi doanh nghiệp đáp ứng hết các yêu cầu trên thì cơ quan quản lý cũng không chấp nhận, vì cho rằng giấy đó do chủ hàng, hãng tàu cấp… “Phải chăng triệu chứng của ngày xưa đang trở lại là hành, đòi giấy tờ bằng miệng; doanh nghiệp cung cấp xong giấy tờ, nhưng họ vẫn không giải quyết”, ông Nam bức xúc cho biết.

Mong được tham vấn chính sách nhiều hơn

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Phó Tổng thư ký VASEP mong muốn, cách hỗ trợ tốt nhất của cơ quan nhà nước là đừng ban hành thêm chính sách gì làm khó doanh nghiệp.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM, việc lấy ý kiến doanh nghiệp khi xây dựng các văn bản pháp luật vẫn còn ít, dẫn đến khi văn bản ban hành gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Chi dẫn câu chuyện về đề xuất đưa thịt heo vào danh mục bình ổn giá, dẫn tới các doanh nghiệp phải kiến nghị khẩn cấp để Quốc hội không thông qua, bởi nếu thông qua có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường, nguồn cung.

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, từ năm 2020 đến nay, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế, thiếu nỗ lực cải cách về điều kiện kinh doanh, kết quả không chuyển biến so với thời điểm 2019.

Đáng lo ngại, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng; động lực cải cách của các bộ, ngành suy giảm...Bà Thảo nhìn nhận, bối cảnh dịch bệnh và sự tụt dốc của môi trường kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo đó, mức độ sẵn sàng chia sẻ các vấn đề và đóng góp chính sách của cộng đồng doanh nghiệp vì thế cũng giảm dần.

Trước tình trạng trên, bà Thảo kiến nghị, các bộ ngành nghiên cứu cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, từ năm 2020, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chững lại, ít được Bộ/ngành, địa phương quan tâm, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách giai đoạn trước.

Nhìn nhận những vướng mắc đó, Bộ KH&ĐT đang tiến hành tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước của các Bộ/ngành. “Trên cơ sở nhận diện những bất cập về môi trường kinh doanh, ngành nghề và điều kiện kinh doanh, Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các phương án và giải pháp tương ứng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/apos-rung-apos-thu-tuc-dieu-kien-kinh-doanh-van-dang-can-buoc-doanh-nghiep-1093717.html