Rủi ro từ hàng chục nghìn tỷ nợ vay bằng USD của doanh nghiệp

Với việc giá USD tăng cao kỷ lục, hàng loạt doanh nghiệp Việt với dư nợ vay bằng USD lớn đang đối mặt với rủi ro tăng chi phí lãi và lỗ tỷ giá khi đánh giá lại khoản vay.

 Nhiều doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với rủi ro tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá khi đồng USD tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với rủi ro tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá khi đồng USD tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Thống kê từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết thị trường trong nước hiện ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp có cơ cấu nợ vay bằng USD lớn.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, tỷ giá USD/VNĐ trong nước đang liên tục tăng cao, hiện đã lên vùng kỷ lục hơn 20 năm. Điều này khiến loạt doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn đối mặt với rủi ro về tăng chi phí trả lãi và đánh giá lại khoản vay.

Thống kê tại 12 doanh nghiệp đang niêm yết, VNDirect ước tính tổng dư nợ vay bằng USD của nhóm doanh nghiệp này hiện đạt hơn 170.000 tỷ đồng quy đổi. Số dư nợ vay bằng USD này cũng chiếm tới gần 45% tổng cơ cấu nợ vay của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí và nhiệt điện hiện ghi nhận phần lớn dư nợ vay đều bằng USD.

Loạt doanh nghiệp vay USD lớn

Theo thống kê trên thị trường, các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng USD lớn nhất hiện chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bất động sản đa ngành (Vingroup; Novaland); hàng không (Vietnam Airlines); xuất nhập khẩu (Dệt may Thành Công; Thủy sản Minh Phú) và đặc biệt là nhóm ngành nhiệt điện (Tổng công ty Phát điện 3; Tổng công ty Phát điện 2; PV Power…).

Trong các doanh nghiệp, Vingroup (VIC) hiện có tổng dư nợ vay đạt khoảng 166.588 tỷ đồng, trong đó khoảng 39,26% là vay bằng USD, tương đương 65.401 tỷ đồng quy đổi.

Trong cơ cấu các khoản vay bằng USD của tập đoàn này, có các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Đối với các khoản vay dài hạn: các khoản vay có tài sản đảm bảo và không có hợp đồng hoán đổi có mức lãi suất thả nổi từ 0,91%/năm đến 5,53%/năm; các khoản vay USD có lãi suất thả nổi đã được hoán đổi thành lãi suất cố định bằng VNĐ là 4,1-9,15%/năm.

Với số dư nợ vay bằng USD lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng quy đổi kể trên, khi tỷ giá USD/VNĐ tăng 1%, tập đoàn này sẽ phải chịu thêm 26,2 tỷ đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, những khoản lãi hoặc lỗ do đánh giá lại tỷ giá không phải là chi phí thật của doanh nghiệp. Trong trường hợp năm 2023 dự báo tỷ giá sẽ biến động theo chiều hướng VNĐ tăng giá so với USD thì doanh nghiệp sẽ được hoàn nhập khoản dự phòng rủi ro biến động tỷ giá.

Tương tự, Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) hiện cũng có khoảng 36.868 tỷ đồng dư nợ vay được thực hiện bằng USD, chiếm 86,6% tổng dư nợ vay của doanh nghiệp. Đây là các khoản vay ngoại tệ được tổng công ty huy động để cấp vốn cho các dự án Nhiệt điện Mông Dương với giá trị 23.360 tỷ đồng, lãi suất thả nổi Libor 6T (lãi suất liên ngân hàng London 6 tháng) + biên độ và Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, gồm 3.800 tỷ đồng lãi suất 3,45%/năm và 9.600 tỷ đồng lãi suất Libor 6T + 2,65%/năm.

Tương tự Vingroup, nếu toàn bộ khoản vay bằng USD của Tổng công ty Phát điện 3 được giữ cố định ở 4%/năm, cứ khi đồng USD tăng giá 1%, nhà sản xuất nhiệt điện này sẽ phải chịu thêm hơn 14,7 tỷ đồng tiền lãi vay và 369 tỷ đồng đánh giá lại khoản nợ.

Theo thống kê, hiện hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đang ghi nhận số dư nợ vay bằng USD lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng quy đổi.

Vietnam Airlines (HVN) hiện ghi nhận 21.815 tỷ đồng dư nợ vay bằng USD, trên tổng 32.888 tỷ đồng dư nợ, tương đương tỷ lệ 66,3%. Trong đó, lãi suất các khoản vay này phổ biến trong khoảng 2,99-4,53%/năm.

Hay như Novaland (NVL), với tổng dư nợ 68.567 tỷ đồng, nhà phát triển bất động sản này cũng có 14.821 tỷ đồng dư nợ được thực hiện bằng đồng bạc xanh, chiếm 21,6% tổng dư nợ. Các khoản vay USD của Novaland được áp dụng lãi suất khoảng 5,25-6%/năm. Ngoài ra, có khoảng 2.400 tỷ đồng được áp dụng lãi suất thả nổi Libor + 5,5%/năm.

Tương tự, Tổng công ty Phát điện 2 (GE2) hiện cũng có dư nợ vay USD vào khoảng 12.669 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng dư nợ. Trong đó, 6.116 tỷ đồng là vay với lãi suất thả nổi Libor 6T + biên độ, còn lại được áp dụng lãi suất cố định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp như Tập đoàn PC1 (PC1); Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD); Thủy sản Minh Phú (MPC)… cũng đang có xấp xỉ 4.000 tỷ đồng dư nợ vay được thực hiện bằng tiền USD.

Rủi ro hiện hữu

Trong bối cảnh tỷ giá quy đổi USD/VNĐ đang liên tục tăng cao, các chuyên gia phân tích cho rằng nhóm doanh nghiệp có dư nợ vay bằng USD lớn kể trên đang đối mặt với rủi ro hiện hữu.

Cụ thể, biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái và lãi suất đồng USD tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng USD. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau giữa các hình thức trả lãi (lãi suất cố định hay thả nổi) và kỳ hạn khoản vay (ngắn hạn hay dài hạn).

Fed với quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây ra áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến giá trị các khoản vay ngắn hạn gia tăng về nợ gốc, đồng thời gây ra rủi ro về dòng tiền đối với doanh nghiệp khi phải xoay xở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay đến hạn

VNDirect Research

Theo VNDirect, với hình thức trả lãi, những doanh nghiệp vay USD với lãi vay cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay từ biến động tỷ giá và lãi vay USD tăng.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp vay USD theo lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn. Nguyên nhân vì ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay thả nổi sẽ còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất vay USD tăng lên khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Với thời hạn trả lãi, các chuyên gia tại đây cho rằng những doanh nghiệp có tỷ trọng vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn những doanh nghiệp có tỷ trọng vay dài hạn.

Theo đó, Fed với quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây ra áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến giá trị các khoản vay ngắn hạn gia tăng về nợ gốc, đồng thời gây ra những rủi ro về dòng tiền đối với doanh nghiệp khi phải xoay xở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay đến hạn.

Bên cạnh đó, khi các khoản nợ vay ngắn hạn này đáo hạn, khả năng cao doanh nghiệp sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó làm tăng chi phí lãi vay.

Ngược lại, những doanh nghiệp có tỷ trọng vay USD dài hạn sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc. Tuy nhiên, biến động bất lợi của tỷ giá cũng khiến các công ty này phải đánh giá lại khoản vay và ghi nhận lỗ kế toán trên báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như gia tăng chi phí lãi vay.

Theo VNDirect, trong dài hạn, những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng USD lớn có thể đỡ áp lực hơn khi áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và Đồng Việt Nam sẽ tăng giá lại so với USD trong năm 2023.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rui-ro-tu-hang-chuc-nghin-ty-no-vay-bang-usd-cua-doanh-nghiep-post1360025.html