Rủi ro nào đang rình rập thế giới?

Hàng năm, cùng với thời điểm diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì tổ chức này cũng công bố một loạt báo cáo chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực. Những báo cáo này có tính định hướng chính sách vì nhiều tổ chức tư vấn, nhiều cơ quan chính phủ dùng chúng như một nguồn tham khảo chính. Trong số này, báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024 (The Global Risks Report 2024) trở nên nổi bật vì đang có những lo ngại về một thế giới nhiều bất ổn trước mắt.

Thời tiết khắc nghiệt – rủi ro được xếp hạng cao nhất trong năm 2024. Ảnh: NOAA

Những rủi ro trong ngắn hạn

Những nội dung chính của báo cáo lần thứ 19 này được dựa trên một khảo sát (Global Risks Perception Survey) gần 1.500 lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, giới học thuật, các cộng đồng quốc tế, và tổ chức xã hội dân sự. Đặc biệt là có sự tham gia ý kiến chuyên sâu của hơn 200 chuyên gia về rủi ro, cho nhiều mảng chủ đề khác nhau, cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều tổ chức chuyên về phân tích, đánh giá rủi ro toàn cầu.

Các rủi ro toàn cầu được chia thành năm nhóm chính: kinh tế, môi trường, địa chính trị, xã hội, và công nghệ. Và theo những người được phỏng vấn thì mức độ nghiêm trọng của các rủi ro cũng khác nhau ở các thời điểm 2024, 2026, và 2030.

Trong năm 2024 này, năm rủi ro được xếp hạng cao nhất theo thứ tự giảm dần là: thời tiết khắc nghiệt, thông tin giả/sai lệch do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, sự chia rẽ xã hội và/hoặc chính trị, chi phí sinh hoạt, an ninh mạng máy tính. Còn sau đó hai năm, vào 2026, thì năm rủi ro hàng đầu có một chút thay đổi: sai lệch thông tin, thời tiết khắc nghiệt, sự chia rẽ xã hội, an ninh mạng máy tính, mâu thuẫn vũ trang nội địa.

Có thể thấy rằng trong ngắn hạn (2024-2026), những rủi ro lớn đe dọa thế giới đến từ hai nhóm chính là biến đổi khí hậu và công nghệ. Lạm phát hy vọng được kiếm soát nên lo ngại này không còn trong nhóm dẫn đầu vào năm 2026.

Sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã được kiểm chứng qua những thảm họa thiên nhiên gần đây, những cơn bão, lũ, cháy rừng, động đất bất thường xuất hiện với tần suất nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Nhiều chuyên gia còn nhận định rằng chúng ta đang ở thời điểm có thể không còn quay lại được nữa, có nghĩa là các hành động của nhân loại không đủ và không kịp thời. Ngành bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại mỗi năm cả trăm tỉ đô la Mỹ và dự đoán con số này còn tiếp tục tăng trong tương lai.

Sai lệch thông tin do AI tạo ra là mối quan ngại lớn trong năm nay, có lẽ là vì sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024 và nhiều sự kiện bầu cử của các nước trước đó. Với sự tiến bộ vượt bậc của AI về tạo hình ảnh, video, âm thanh, nội dung thì việc phân biệt thật/giả là một thách thức rất lớn với số đông công chúng. Lấy ví dụ như khi Tổng thống Argentina phát biểu tại WEF2024 bằng tiếng Tây Ban Nha thì có một ứng dụng AI phiên dịch sang tiếng Anh như với giọng gốc của ông, nếu ai không biết thì sẽ nghĩ rằng ông đang phát biểu bằng tiếng Anh.

Sự chia rẽ xã hội và chính trị cũng là một rủi ro lớn trước mắt đối với thế giới. Điều này đã thể hiện qua các xung đột hiện nay ở Ukraine, dải Gaza, Biển Đỏ, một số nước châu Phi, và sóng ngầm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Xu hướng de-risking (giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh) giữa phương Tây với Trung Quốc, xu hướng chính trị cực hữu đang gia tăng ở một số nước châu Âu là những tiềm ẩn bất ổn lớn về xã hội và chính trị.

Đương đầu với các rủi ro

Nhận diện được các loại rủi ro và xếp loại mức độ nghiêm trọng của các loại rủi ro đã là một kết quả đáng kể, tuy nhiên quan trọng hơn là việc xử lý các rủi ro này như thế nào.

Trong bối cảnh thế giới đang có xu hướng phân mảnh, sự hợp tác thiếu chặt chẽ vì các căng thẳng địa chính trị thì đương đầu với các rủi ro mang tính toàn cầu cần những chiến lược phù hợp. Và theo báo cáo này, cần có những chiến lược thực hiện phạm vi địa phương (localized strategies), thông qua nghiên cứu và phát triển để tạo ra những giải pháp, và các hành động có tính đoàn kết tập thể, và các hợp tác xuyên biên giới.

Cần các hoạt động nghiên cứu và phát triển để ứng phó với các bệnh tật truyền nhiễm, xử lý các mặt trái của phát triển công nghệ, các vấn đề về khí hậu khắc nghiệt, về an ninh mạng máy tính. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển này cũng đòi hỏi sự cộng tác phối hợp giữa nhiều mạng lưới với nhau, giữa khu vực công với khu vực tư, giữa quốc gia này với quốc gia khác.

Các vấn đề cần được tiếp cận theo hướng địa phương hóa vì đặc thù, điều kiện của mỗi nơi rất khó giống nhau. Những sự chuẩn bị, ứng phó từ những đơn vị cấp thấp nhất luôn là quan trọng vì nếu không kiểm soát được, rủi ro sẽ phát tán và lan truyền đi nhanh, càng về sau càng nghiêm trọng như chúng ta đã thấy qua đại dịch Covid-19. Muốn vậy, thì phải nâng cao nhận thức của động đồng, có các nguồn tài chính và các quy định. Chẳng hạn như các chương trình phòng chống thiên tai thảm họa được triển khai phải bắt đầu ở quy mô địa phương.

Vì các vấn đề mang tính địa phương nhưng có thể tác động ảnh hưởng toàn cầu nên cần phải có sự hợp tác phối hợp xuyên biên giới, giữa các chính phủ, các cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, các hiệp ước đa phương, các hiệp ước toàn cầu về các rủi ro lớn cần được xây dựng và thực hiện. Không chỉ vấn đề biến đổi khí hậu, mà xung đột ở một khu vực nào đó trên thế giới thôi thì cả thế giới đều bị ảnh hưởng.

Thế giới đang đứng trước nhiều rủi ro rình rập. Suy cho cùng, tạo ra rủi ro và xử lý rủi ro cũng là ở con người chúng ta, đặc biệt là ở những người nắm giữ quyền lực và có ảnh hưởng lớn. Như trong lý thuyết trò chơi, sự hợp tác luôn là giải pháp tối ưu cho lợi ích chung nên ngay cả khi có căng thẳng, xung đột, thì các nước lớn nên ưu tiên các giải pháp đàm phán, thương lượng.

TS. Võ Đình Trí

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/rui-ro-nao-dang-rinh-rap-the-gioi/