Rủi ro giảm bớt, đã đến thời điểm an toàn cho các vị thế mua mới?

Dòng tiền đã lan tỏa gần như tất cả các ngành, chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 100 điểm từ đáy cho thấy đà tăng của thị trường hiện không chỉ là hồi phục đơn thuần, mà có yếu tố cốt lõi dẫn dắt. Dù vậy vẫn nên cẩn trọng với những 'cơn gió ngược' bất ngờ có thể kích hoạt trạng thái điều chỉnh của thị trường.

VN-Index nối tiếp đà hưng phấn, liên tục bứt phá mạnh. Tính trong vòng hơn 3 tuần gần nhất, chỉ số chính đã tăng hơn 10%, qua đó một lần nữa trở lại sát vùng đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 4.

Một loạt tín hiệu tích cực

Có thể thấy, sau khi trải qua tháng 4 đầy sóng gió, thị trường bước vào tháng 5 với những sự hồi phục khá mạnh mẽ.

VN-Index nối tiếp đà hưng phấn, liên tục bứt phá mạnh.

VN-Index nối tiếp đà hưng phấn, liên tục bứt phá mạnh.

Theo Dragon Capital, thị trường đã có sự phục hồi vào cuối tháng 4 nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực của quý I/2024 với lợi nhuận sau thuế của 80 doanh nghiệp mà quỹ ngoại này theo dõi tăng 22,1% , đánh dấu quý có lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2022.

Đáng chú ý, thị trường đang tỏ rõ xu hướng đi lên, song vẫn còn những nghi ngại về đà tăng giá. Tuy nhiên, việc thị trường phục hồi diễn ra trên diện rộng, cùng với sự trở lại dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng dường như đã đánh tan nghi ngờ. Bởi lẽ trong nhiều phiên trở lại đây, dòng tiền đã tìm đến hầu hết các nhóm ngành nhưng dường như “bỏ quên” nhóm ngành trụ cột là ngân hàng. Thế nhưng, phiên giao dịch ngày 16/5 đã chứng kiến điều mà các nhà đầu tư chờ đợi: Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng.

Cùng với đó, dòng tiền lớn đã bắt đầu có dấu hiệu nhập cuộc khi 3 phiên gần nhất, thanh khoản ngày càng tăng cao.

Cụ thể, phiên 15/5, thanh khoản khớp lệnh đạt trên 19.300 tỷ đồng, gần gấp rưỡi phiên liền trước, cao hơn đáng kể mức trung bình 1 tháng gần nhất (khoảng gần 16.000 tỷ đồng) và đã tiệm cận mức trung bình 3 tháng gần nhất.

Sang phiên 16/5, thanh khoản khớp lệnh cao hơn phiên trước đó, đạt trên 20.600 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với thanh khoản trung bình 3 tháng gần nhất.

Tới phiên 17/5, thanh khoản khớp lệnh tiếp tục tăng lên 23.100 tỷ đồng.

Giới phân tích đánh giá, khi dòng tiền đã lan tỏa gần như tất cả các ngành, chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 100 điểm từ đáy cùng thanh khoản cải thiện cho thấy đà tăng của thị trường không chỉ là hồi phục đơn thuần mà có yếu tố cốt lõi dẫn dắt. Đó là kỳ vọng vào đà đi lên của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết với các tín hiệu tích cực như: lợi nhuận các doanh nghiệp tăng quý thứ 2 liên tiếp (so với quý liền trước), lên mức cao nhất 7 quý; biên lợi nhuận gộp, tỷ lệ lãi vay/dư nợ vay, hệ số thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp phi tài chính đều cải thiện rõ rệt trong quý vừa qua.

Bên cạnh đó là các thông tin hỗ trợ khác như bộ ba luật mới về bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai) được đề nghị có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vận hành hệ thống KRX, thêm các bước tiến nâng hạng thị trường chứng khoán…

Mặt khác, dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán đã vượt đỉnh và tăng 11% so với quý trước. Điều này chủ yếu đến từ năng lực cung cấp margin của các công ty chứng khoán tăng lên sau khi thực hiện các đợt tăng vốn lớn.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu tại các công ty chứng khoán chỉ tăng nhẹ 75% lên 79% so với quý trước, và cách xa tỷ lệ 121% ở giai đoạn đỉnh điểm quý I/2022. Các con số này cũng phản ánh rõ hiện trạng margin trên thị trường hiện nay khá dồi dào, đồng nghĩa với việc giảm thiểu e ngại căng margin. Đây sẽ là một trong những cơ sở giúp cho các nhà đầu tư trở nên tích cực hơn.

Chọn lọc cổ phiếu theo kết quả kinh doanh quý I/2024

Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý trong trường hợp những dữ liệu vĩ mô tiếp tục gây thất vọng cho kịch bản cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc những "cơn gió ngược" bất ngờ khiến những rủi ro đang hạ nhiệt bỗng chốc "nóng" trở lại cũng có thể kích hoạt trạng thái điều chỉnh của thị trường.

Trong sự vận động đó, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng cơ hội tái cấu trúc danh mục cũng như giảm giá vốn danh mục đầu tư vẫn luôn xuất hiện tại những điểm thấp và điểm cao của thị trường. Những thời điểm thị trường đi xuống trong tháng 5 sẽ là những điểm mua tiềm năng đối với cả nhà đầu trung dài hạn và cả nhà đầu tư ưa thích giao dịch.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư của Dragon Capital nhận định, trong giai đoạn thị trường đang tìm kiếm trạng thái cân bằng, những biến động trong ngắn hạn vẫn có thể xuất hiện. Tuy nhiên, sự hồi phục mạnh mẽ của lợi nhuận doanh nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Diễn biến thị trường vào đầu tháng 5 hỗ trợ quan điểm này khi đã có sự phân hóa rõ rệt về hiệu suất cổ phiếu giữa các công ty có báo cáo kinh doanh tốt và những công ty có báo cáo kinh doanh gây thất vọng.

Trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, nhóm nghiên cứu StockLine nhận định rằng đã có nhiều ngành hồi phục khá sớm từ đầu năm 2023, có thể kể tới Chứng khoán, Công nghệ thông tin, Tài nguyên cơ bản. Theo sau, một số ngành có sự cải thiện rõ nét gồm Thực phẩm - Đồ uống, Công nghiệp, Xây dựng Vật liệu. Đặc biệt, nếu xét trên các chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ để thấy sự đột biến, Bán lẻ và Du lịch, Hàng không là các nhóm nổi bật nhất.

“Các nhóm ngành được StockLine “đặt cược” vào câu chuyện phục hồi có thể kể đến: Thép, Bán lẻ, Hàng không, Chăn nuôi, Dệt may và Thực phẩm - Đồ uống”, báo cáo nhấn mạnh.

Trong khi đó, sau khi chọn lọc và đánh giá dựa trên việc so sánh biên lợi nhuận gộp giữa 2 quý gần nhất và năm trước đó, Mirae Asset đã đưa ra danh sách cổ phiếu tiềm năng, có sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, đồng thời phải thỏa mãn tiêu chí về giá trị giao dịch, tức mã cổ phiếu có thanh khoản.

Các cổ phiếu thuộc nhóm Super phải thỏa mãn điều kiện biên lợi nhuận gộp (LNG) của Quý I/2024 lớn hơn biên LNG Quý IV/2023 và biên LNG năm 2022. Danh sách gồm các cổ phiếu: Bất động sản (BCM, NTL); Bảo hiểm (BIC, MIG); Dịch vụ vận tải (PVP); Dịch vụ hàng không (ACV); Chứng khoán (BSI, CTS, FTS, HCM, VIX, VND, BVS); Nước (BWE); Phân bón (BFC); Dầu khí (PLX); Dịch vụ dầu khí (PVB); Thực phẩm (LSS, PAN).

Các cổ phiếu thuộc nhóm Good chỉ cần thỏa mãn điều kiện biên LNG Quý I/2024 lớn hơn biên LNG Quý IV/2023, gồm các cổ phiếu: Bất động sản (IDC); Công nghệ (FOX); Dịch vụ hàng không (SCS); Dịch vụ máy tính (CMG); May mặc (MSH, TCM); Nhiệt điện (QTP); Cao su (DPR, DRI); Thực phẩm (BAF); Phần mềm (FPT); Phân bón (DCM); Hóa chất (DDV); Điện (PPC); Thép (HPG); Dầu khí (PVS); Vật liệu xây dựng (VCS); Xây dựng (CTD).

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/rui-ro-giam-bot-da-den-thoi-diem-an-toan-cho-cac-vi-the-mua-moi-1099847.html